Nghệ sĩ Hồng Nga: Tôi sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ có kép chánh chui vào ngủ cùng

“Tôi còn sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ nào có kép chánh, đào chánh là chui vào ngủ cùng, nhỡ gặp chuyện gì còn la lên” – nghệ sĩ Hồng Nga nói.

Hồng Nga (sinh năm 1945) tên thật Đinh Thị Nga, là một nghệ sĩ cải lương tài danh và nổi tiếng từ trước năm 1975, cùng thời với thế hệ vàng như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Phượng Liên…

Nghệ sĩ Hồng Nga được biết đến là nữ nghệ sĩ đa tài. Bà có thể hóa thân vào nhiều kiểu vai khác nhau như đào mùi, đào lẵng, đào độc, vai mụ hiền hoặc mụ ác, kể cả vai nữ hề…

Ngoài ra, nghệ sĩ Hồng Nga còn là một diễn viên hài xuất sắc. Trên sân khấu cải lương, nghệ sĩ Hồng Nga gây dấu ấn lớn nhất với loạt vai đào độc.

Một số vở diễn nổi tiếng trong sự nghiệp của Hồng Nga có thể kể đến tuồng Lưới trời, Mắt em là bể oan cừu (soạn giả Vân An), Tần Thủy Hoàng, Phút sau cùng của Điền Long, vở tuồng Gã câm và người đẹp (soạn giả Hoài Nhân).

Khi vào bất cứ vai diễn nào, nghệ sĩ Hồng Nga cũng để lại một ấn tượng mới lạ cho khán giả.

Nghệ sĩ Hồng Nga: Tôi sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ có kép chánh chui vào ngủ cùng - Ảnh 1.

Khi diễn vai ác, bà khiến khán giả căm ghét nhân vật. Ngược lại, khi diễn các bà mẹ quê mùa, nghèo khổ hoạn nạn hay vai bà hoàng hậu nhân từ, Hồng Nga lại làm khán giả thương cảm cho số phận của nhân vật.

Để có được sự thành công và danh tiếng như ngày hôm nay, nghệ sĩ Hồng Nga phải trải qua nhiều vất vả, cơ cực trong sự nghiệp.

Thầy nghiêm khắc, sai là bị chửi mắng, đánh

Ngay từ thuở nhỏ, nghệ sĩ Hồng Nga đã đam mê cải lương và được một ông thợ cắt tóc biết đờn cổ dạy hát cho đúng nhịp. Thế nhưng, gia đình Hồng Nga lại khó khăn, bố mất sớm, mẹ một mình nuôi các con trong sự thiếu thốn nên không mặn mà với việc con cái đi hát.

Thậm chí, mẹ Hồng Nga vẫn giữ tư tưởng “xướng ca vô loài” nên không cho bà học hát. Hồng Nga chia sẻ:

Cha mẹ tôi đều là người Bắc. Ba tôi mất sớm, một mình mẹ nuôi tôi từ bé tới lớn. Lớn lên, tôi không có điều kiện ở gần mẹ để chăm sóc nên chỉ đi hát rồi đem tiền về nuôi mẹ thôi.

Tuổi thơ của tôi cực lắm. Ba tôi mất sớm, mẹ lại là người Bắc nên không cho tôi đi hát. Tôi mê hát quá nên trốn đi, về nhà bị chửi quá trời quá đất“.

Nghệ sĩ Hồng Nga: Tôi sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ có kép chánh chui vào ngủ cùng - Ảnh 3.

May mắn thay nhờ có năng khiếu, Hồng Nga được nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa quận 4 nhận làm con nuôi.

Người nhạc sĩ này đã dạy cho Hồng Nga ca đủ 3 Nam, 6 Bắc, vọng cổ và các bài bản lớn. Ông hướng dẫn Hồng Nga đi ca cổ nhạc nơi quán Lệ Liễu trong khu giải trí trường Thị Nghè.

Tuy nhiên, quá trình học hát này của Hồng Nga cũng khá vất vả, khắc nghiệt, không hề dễ dàng, thường xuyên bị thầy đánh, chửi mắng. Bà kể:

Để được như vậy là nhờ vào ông thầy tôi là ông Tám Đen (nhạc sĩ). Tôi phải ăn không biết bao nhiêu cái đàn kìm từ ông ấy.

Ông thầy tôi nghiêm khắc lắm, cứ mỗi lần tôi hát sai là ông quất nguyên một cán đàn qua đầu tôi, đau muốn chết.

Ông ấy chửi tôi: “Mày ngu cũng phải chừa cho người ta ngu chứ giành của người ta hết à”. Tôi phải ca lại y chang thầy tôi thì mới không bị chửi nữa“.

Nghệ sĩ Hồng Nga: Tôi sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ có kép chánh chui vào ngủ cùng - Ảnh 4.

Có lẽ chính những ngày tháng học nhạc khắc nghiệt này đã hình thành trong Hồng Nga tính cách mạnh mẽ, không chịu ai.

Không được ưu ái như Bạch Tuyết, Phượng Liên

Hồng Nga bẩm sinh có một giọng hát rất khỏe, nội lực, làn hơi dài, truyền cảm, âm sắc thổ pha hỏa độc đáo. Bà nổi danh cũng nhờ giọng hát này. Bà nói:

Tôi vừa ca một câu vọng cổ thôi là ngày mai được phát lương liền và cứ thế lên dần dần.

Tôi phải công nhận ngày đó tôi ca hay lắm vì đủ sức đủ lực. Tôi ca hay tới nỗi những người phục vụ đoàn nghe thấy lập tức chạy ra hỏi ai ca hay thế, nhưng tôi không dám nhận.

Lần đầu tiên ra sân khấu, tôi ca rất tự tin, lưu loát, không run, không vấp một chút nào. Tôi vừa dứt câu hát là cả rạp vỗ tay rào rào. Điều đó làm tinh thần tôi lên liền“.

Tuy ca hay là vậy, nhưng nghệ sĩ Hồng Nga lại bị thiệt thòi về ngoại hình, không được xinh đẹp như các bạn đồng nghiệp cùng thời nên ít được ưu ái hơn. Đi diễn từ năm 12 tuổi, nhưng Hồng Nga ban đầu chỉ được giao nhiệm vụ kéo màn sân khấu.

Về đoàn Thống Nhất của NSND Út Trà Ôn, Hồng Nga không được đảm nhiệm vai đào chánh chỉ vì không có nhan sắc. Ông bầu ưu ái những nghệ sĩ khác như Bạch Tuyết, Phượng Liên. Bà nói:

Nghệ sĩ Hồng Nga: Tôi sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ có kép chánh chui vào ngủ cùng - Ảnh 5.

Tôi cũng chẳng có quần áo, giày dép mà mặc, phải đi mượn người ta áo dài rồi may lại mặc. Tôi nghèo quá, không có tiền mua.

Thời gian ở đoàn Thống Nhất, tôi chỉ được đóng vai đào mụ (mẹ), đào lãnh, chứ không được đóng vai đào chánh. Lí do vì tôi không qua được Bạch Tuyết, Phượng Liên.

Nói gì thì nói, người ta vừa đẹp vừa ca hay. Tôi thì chỉ ca hay thôi chứ không có nhan sắc, vừa mập vừa lùn, nên phải chấp nhận“.

Chưa kể, thời gian đầu vào đoàn Thống Nhất, Hồng Nga còn bị chèn ép, bắt nạt. Nhưng nhờ cá tính mạnh mẽ, Hồng Nga đã tự bảo vệ được mình. Bà nói:

“Về đoàn này, tôi bị các kép khác trù dập, đè nén dữ lắm vì chúng thấy tôi quê mùa. Nhưng tôi chẳng vừa, đè tôi là tôi chửi lại, lơ tơ mơ thì đánh nhau luôn. Cuộc đời dạy tôi phải như thế, nếu tôi cứ hiền lành, tôi sẽ bị vùi dập.

Chúng bắt tôi phải hầu hạ, nấu cơm bưng tận miệng, bóc cam dâng tận nơi. Tôi chấp nhận làm theo để được dìu dắt, nhưng nhiều đứa quá đáng, tôi chửi lại liền”.

Nghệ sĩ Hồng Nga: Tôi sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ có kép chánh chui vào ngủ cùng - Ảnh 6.

Phải ngủ bờ ngủ bụi, ngủ dưới hầm sân khấu

Quá trình đi diễn của Hồng Nga cũng khổ cực, phải ngủ bờ ngủ bụi. Bà kể: “Ngày đó tôi đi hát đâu có sung sướng gì đâu, toàn phải ngủ bờ ngủ bụi.

Chỗ nào có phòng trọ thì thuê, không thì phải trải chiếu dưới hầm sân khấu mà ngủ. Thậm chí, tôi còn sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ nào có kép chánh, đào chánh là chui vào ngủ cùng, nhỡ gặp chuyện gì còn la lên.

Tôi đi diễn gần như kín hết miền Trung, ra tới tận Huế, chỗ nào cũng có mặt tôi. Lắm hôm diễn ở Huế, tôi phải ngủ trên thuyền. Thuyền rung lắc quá nên tôi chẳng ngủ nổi”.

Biết mình không được ưu ái giao đào chánh vì không có nhan sắc, Hồng Nga tự tìm lối đi riêng bằng cách vào các vai đào mụ, đào độc, hát tân nhạc hoặc diễn hài kịch.

Nhờ đó, bà gặt hái được nhiều thành công, gây ấn tượng với khán giả và được khán giả yêu mến. Kiểu vai dữ dằn dường như đã trở thành thương hiệu của riêng Hồng Nga.

Nghệ sĩ Hồng Nga: Tôi sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ có kép chánh chui vào ngủ cùng - Ảnh 7.

Tới hiện tại, Hồng Nga đã ở tuổi U80 nhưng vẫn ca rất hay, khỏe và được đông đảo khán giả ái mộ. Bà tự tin nói:

“Quan trọng nhất là tôi vẫn còn sức để ca được, hơi vẫn còn khỏe lắm. Tôi mà ca một hơi là ai nghe cũng phải trầm trồ, không hiểu sao tôi có thể ca dữ đến thế. Ai gặp tôi cũng sợ.

Tôi đang dự tính tổ chức một đêm hát và biết chắc chắn khán giả sẽ đến đông, nếu không đông là tôi giải nghệ. Tôi biết chắc khán giả thèm nghe tôi hát lắm.

Tôi có thể hát từ hài qua bi, không cần diễn vai mới, chỉ cần diễn vai cũ cũng đủ khiến khán giả mê rồi”.