Nghịch lý cuộc đời: Không có bằng THPT nhưng lại có bằng đại học, làm Thạc sĩ và chuẩn bị làm Tiến sĩ
Dù không có bằng tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có bằng Thạc sỹ và đang làm công tác giảng dậy, sự việc này đang diễn ra tại trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Cụ thể, nhân vật mà phóng viên đề cập tới là ông Nguyễn Văn Thảo, sinh ngày 7/4/1965, không có bằng cấp 3 hệ bổ túc Trường THPT Ngọc Hồi, niên khóa 1980 – 1983 (như khai báo trong lý lịch) nhưng vẫn có đầy đủ các bằng cấp chuyên môn từ cao Đẳng Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cấp ngày 29/10/2007, đến bằng Thạc sĩ Khoa học Sư phạm kỹ thuật, do trường đại học Bách Khoa Hà Nội cấp 30/8/2012.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thảo còn được bổ nhiệm và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong nhiều năm liền như Bí thư chi bộ, Phó Trưởng Khoa Công nghệ ô tô, điều này đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Được biết, một số cán bộ, giáo viên đã nhiều lần gửi đơn thư phản ánh tới Ban lãnh đạo nhà trường đề nghị làm rõ việc bổ nhiệm ông Thảo có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm hay không. Thế nhưng, phía nhà trường vẫn chưa có những động thái xử lý dứt điểm.
Không có hồ sơ học tập cấp 3 trường Ngọc Hồi vậy bằng cách nào ông Thảo học lên tới Thạc sỹ?
Theo ghi nhận của phóng viên, trường THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã xác nhận không có hồ sơ lưu trữ về quá trình học tập của ông Nguyễn Văn Thảo tại trường.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ông Vũ Đình Tân – Phó Phòng tổ chức cán bộ cho biết, ông Nguyễn Văn Thảo về trường công tác từ những năm 1990 và theo học nghề công nhân kỹ thuật tại trường này. Hồ sơ lưu trữ các loại bằng cấp của ông Thảo tại trường bao gồm bằng Công nhân kỹ thuật, Cao đẳng, Đại học và bằng Thạc sĩ, nhưng không có bằng THPT.
Khi phóng viên cho hay, đã có thông tin xác minh ông Thảo không có hồ sơ lưu trữ tại trường Ngọc Hồi, ông Vũ Đình Tân chia sẻ, trước đây ông Nguyễn Văn Thảo có theo học trường cấp 3 Ngọc Hồi hệ bổ túc “học nhưng có thi đâu, chắc cũng chỉ học được có một thời gian?”.
Quyết định bãi nhiệm ông Thảo sau nhiều năm giữ chức vụ Phó trưởng khoa.
Câu hỏi được đặt ra, nhà trường đã có động thái như thế nào về việc xử lý sai phạm của ông Nguyễn Văn Thảo? Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, trên cơ sở ông Thảo không có bằng cấp 3 nhà trường đã ra quyết định đình chỉ, sau đó rà soát lại hồ sơ xem có khai man hay không, nhà trường đã ra quyết định miễn nhiệm cả 2 chức vụ Phó Trưởng Khoa và Bí thư chi bộ”.
Tuy ông Thảo đã bị bãi nhiệm cả 2 chức vụ, nhưng vẫn làm công tác giảng dậy tại trường, lý giải điều này bà Phạm Thị Hường cho rằng tìm được một giáo viên dậy thực hành có trình độ như ông Thảo rất khó, hơn nữa ông Thảo cũng chỉ dậy thực hành, “truyền nghề” chứ không đứng lớp giảng dậy.
Với hành vi gian lận trong học tập và nghiên cứu, giảng dạy ông Thảo có đầy đủ phẩm chất đạo đức, có xứng đáng là người thầy để đứng trong hàng ngũ nhà giáo – một trong những nghề cao quý mà xã hội coi trọng?
Bà Phạm Thị Hường nêu quan điểm: “công nhận nghề giáo là nghề cao quý, nhưng nghề nào cũng có con sâu làm rầu nồi canh, ngay cả công an còn có công an thật, công an giả…”, ngoài ra, vị lãnh đạo này còn viện dẫn nhiều vị trí quan trọng ở các bộ, ngành cũng có những cá nhân gian dối, tiêu cực.
Tuy nhiên, bà Hường cũng cho hay, nếu trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên có văn bản thu hồi bằng tốt nghiệp cao đẳng và đại học của ông Nguyễn Văn Thảo nhà trường sẽ chấm dứt ngay hoạt động giảng dạy của ông Thảo. Sở dĩ, ông Thảo vẫn được tiếp tục giảng dậy là do có hoàn cảnh gia đình(!?).
Người Đưa Tin Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!