Ngô Thụy Miên: người “nhạc sĩ tài hoa đích thực”, hơn 60 năm yêu say đắm nhạc tình và người tình
Ngô Thụy Miên được biết đến là một nhạc sĩ tài hoa. Cả cuộc đời, ông chỉ theo đuổi việc sáng tác những bản nhạc tình đầy lãng mạn và sâu lắng. Ông còn được người đời ngưỡng mộ bởi mối tình kéo dài hơn 60 năm – cùng vợ là bà Đoàn Thanh Vân.
Ngô Thụy Miên từng bộc bạch về sở thích viết nhạc của mình: “Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác.
Các chủ đề Tình Yêu, Thân Phận, và Quê Hương đã được khai triển rộng rãi trong nhiều thập niên vừa qua với bao nhiêu tác giả và tác phẩm. Được biết đến như một người viết tình ca (đôi lứa) cũng đã là quá đủ cho tôi rồi”.
Những bản tình ca do ông sáng tác cũng có thể được xem là một trong những bản nhạc trữ tình hay nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Có thể kể đến một số bài hát như: Niệm Khúc Cuối, Bản Tình Cuối, Chiều Nay Không Có Em, Áo Lụa Hà Đông, Giọt Nước Mắt Ngà, Từ Giọng Hát Em, Mắt Biếc, Giáng Ngọc, T.uổi 13, Mùa Thu Cho Em…
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, tên thật là Ngô Quang Bình, ông sinh ngày 26 tháng 9 năm 1948 tại Hải Phòng, và là con thứ nhì trong một gia đình có bảy người con.
Gia đình ông có mở một nhà sách tên là Thanh Bình ở thành phố Hải Phòng, sau này chuyển đến đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khi vào định cư ở Sài Gòn. Cũng chính vì điều này, ông có cơ duyên lớn lên cùng sách vở, thơ văn – chất lãng mạn trong ông cũng nảy sinh từ đó.
Tại Sài Gòn hoa lệ, ông được học tại trường Trung học Nguyễn Trãi, và sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Trong thập niên 1960, ông theo học vĩ cầm với Giáo sư Đỗ Thế Phiệt, và nhạc pháp với Giáo sư Hùng Lân tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.
Từ năm 1970 đến 1975, Ngô Thụy Miên làm kiểm soát viên không lưu tại phi trường Tân Sơn Nhất. Cũng trong khoảng thời gian này, ông là Trưởng ban nhạc Luân Phiên tại Đài phát thanh Quân đội. Năm 1963, ông bắt đầu viết nhạc.
Ông sáng tác bản tình khúc đầu tiên mang tên “Chiều nay không có em” hoàn tất vào tháng 2 năm 1965. Khi đó, bài hát được giới học sinh, sinh viên hưởng ứng rất nồng nhiệt.
Được biết ca khúc này được chàng thiếu niên 17 viết tặng cho người đẹp Đoàn Thanh Vân – con gái của tài tử Đoàn Thanh Mậu nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn trong thập niên 1960.
Hình ảnh Đoàn Thanh Vân đã khiến trái tim Ngô Thụy Miên rung động, “Chiều nay không có em” thay cho lời tỏ tình của ông gửi đến nàng thiếu nữ: “Không có em đời mình, sao vắng vui/ Cuộc tình như lá khô mộng mơ cơn mê chiều/ Không có em đôi mắt buồn nào đợi chờ/ Xin cho nhau lời vỗ về, sao đành quên đi ngày tháng đó”.
Vài năm sau, ông cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa “Tình Khúc Đông Quân” (Đông Quân chính là bút hiệu đầu đời của ông trước khi đổi qua bút hiệu Ngô Thụy Miên bây giờ).
Trong tập nhạc có nhiều bài hát nổi tiếng như: Giáng ngọc, Mùa thu này cho em (sau đổi là Mùa thu cho em), Gọi nắng (sau đổi là Giọt nắng hồng), Dấu vết tình yêu (sau đổi là Dấu tình sầu), Cho những mùa thu (sau đổi là Thu trong mắt em), Tình khúc tháng 6, Ngày mai em đi…
Sau thành công của tập nhạc trên, Ngô Thụy Miên cho phát hành những nhạc phẩm phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa như: Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, T.uổi 13… Những bài hát này cũng nhận được sự yêu thích từ những khán giả yêu nhạc.
Năm 1974, Ngô Thụy Miên thực hiện băng nhạc đầu tay Tình Ca Ngô Thụy Miên gồm 17 tình khúc đã được viết trong khoảng thời gian 1965 – 1972. Với sự góp mặt của các ca sĩ và nhạc sĩ như Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Duy Quang,…
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông vượt biên đến tị nạn tại đảo Pulau Bidong của Mã Lai. Tại đây sáng tác bài hát Em còn nhớ mùa xuân – gửi tặng riêng cho người yêu của ông là Đoàn Thanh Vân. Sau 6 tháng ở trại tị nạn, nhạc sĩ được nước thứ ba bảo lãnh cho sang Montréal (Canada) vào tháng 4 năm 1979.
Trong thập niên 1990, nhạc sĩ tiếp tục sáng tác với những ca khúc mới như Cần thiết, Em về mùa thu, Trong nỗi nhớ muộn màng… và nhất là Riêng một góc trời (1997). Năm 2000, nhạc phẩm Mưa trên cuộc tình tôi của ông được khán thính giả đón nhận một cách đặc biệt.
Ngô Thụy Miên rất hâm mộ dòng nhạc tiền chiến, nên những ca khúc khởi đầu của ông thường mang màu sắc tương đối giống với lớp nhạc sĩ tiền bối. Tuy nhiên, sau một loạt ca khúc phổ thơ Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên dần định hình được phong cách riêng.
Ông từng chia sẻ với công chúng về quan điểm sáng tác của mình: “Tôi đến với âm nhạc như một sự tự nhiên, không hề có tham vọng gì. Những sáng tác của tôi đều được cẩn trọng, chăm sóc từ lời ca đến ý nhạc. Những năm tháng học nhạc cổ điển Tây phương đã giúp tôi rất nhiều trong việc sáng tạo, chọn lựa cũng như trau chuốt, làm đẹp câu nhạc.
Đã có những bài tôi để cả năm trời chỉ để viết đi viết lại những giai điệu mà mình chưa vừa ý! Nói về lời ca, thì có lẽ nhờ trưởng thành giữa văn thơ và sách vở tôi đã được đọc rất nhiều. Đọc nhiều nó thấm vào người lúc nào không biết. Rồi khi trái tim rung động thì lời ca tự nhiên sẽ đến”.
Nhìn vào số lượng ca khúc của Ngô Thụy Miên phổ biến sâu rộng, ai cũng ngỡ ông sáng tác rất nhiều. Thực tế, Ngô Thụy Miên sáng tác rất ít. Có khi vài ba năm ông mới có cảm hứng để viết một ca khúc. Và quan trọng hơn là có nhiều ca khúc ra đời mà Ngô Thụy Miên cũng không có ý định công bố.
Chẳng hạn, ca khúc “Riêng một góc trời” chỉ được Ngô Thụy Miên hát cho vợ suốt nhiều năm, sau đó ca sĩ Tuấn Ngọc mới đến tận nhà để xin được thu âm và lan tỏa cực nhanh vào công chúng.
“Với tôi, âm nhạc cũng như đời sống đều thay đổi theo thời gian và không gian. Sống ở quê nhà với những thân yêu quanh mình, với những lụa là mưa nắng Sài Gòn, những quán hàng, những con đường quen thuộc từng dấu chân, từng buổi sáng, buổi chiều… tất cả đã cho tôi những ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca thơ mộng, dịu dàng.
Ở Mỹ, người ta thật vội vã, thật xa lạ… Những thành phố, nhà cửa thật to lớn nhưng cũng thật lạnh lẽo. Ngày tháng bên này đã để lại trong âm nhạc của tôi những dấu vết buồn bã của cuộc sống tạm dung, những muộn phiền cay đắng của những phần đời lặng lẽ quanh mình…” – người nghệ sĩ theo đuổi nhạc tình chia sẻ.
Ngoài ra, ông cũng từng nói một câu đại ý rằng: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”. Có lẽ vì chỉ sáng tác dành cho những cảm xúc thật của mình, không phải lo lắng nhiều đến sinh kế, nên các bài hát của ông không có sự dễ dãi, mang được một nét lãng mạn đặc trưng, luôn dạt dào cảm xúc.
Hiện tại, ở t.uổi 72, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vẫn sống êm đềm bên người vợ thủy chung Đoàn Thanh Vân. Họ hiếm muộn con cái, nhưng đi đâu cũng có nhau. Thỉnh thoảng họ cùng hát lại những ca khúc một thời thanh xuân của mình để vỗ về cuộc tình trăm năm.