Người dân Hàn Quốc dần quay lưng với truyền thống ăn thịt chó
Câu chuyện của Tori – chú chó đen 5 tuổi, là ví dụ tiêu biểu để lý giải cho câu hỏi tại sao truyền thống ăn thịt chó lâu đời tại Hàn Quốc lại đang dần mai một.
Chú chó Tori đã phải chịu đựng nhiều năm bị hành hạ bởi người chủ cũ trước khi được một nhóm bảo vệ động vật của Hàn Quốc giải cứu. Sau hai năm sống trong một nơi trú ẩn, Tori đã trở thành “Đệ nhất Khuyển” của Hàn Quốc vào năm 2017.
Tổng thống Moon Jae-in đã quyết định nhận nuôi Tori và đây cũng là lời hứa của ông Moon trong chiến dịch tranh cử của mình, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về những chú chó bị bỏ rơi và quyền động vật.
Tori hiện đang tận hưởng cuộc sống tại phủ Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc, nơi chú chia sẻ ngôi nhà cùng với cặp đôi chó săn quý hiếm Pungsan và đàn chó con mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un biểu tặng Tổng thống Moon Jae-in trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 9 vừa qua.
Tori đã được Tổng thống Moon Jae-in nhận nuôi. Ảnh: CNN
Câu chuyện của Tori là một biểu tượng của sự thay đổi thái độ trong xã hội Hàn Quốc khi những chú chó vươn lên từ bàn nhậu để trở thành những người bạn đồng hành dáng tin cậy của con người.
Thay đổi ngành công nghiệp
Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc đã phải đối mặt với những chỉ trích về việc đối xử với động vật và phong tục ăn thịt chó của nước này.
Các nhóm bảo vệ động vật quốc tế đã nỗ lực để giải cứu những con chó từ các trang trại ở Hàn Quốc và đưa chúng ra nước ngoài, bao gồm cả ở Mỹ, Anh và Canada. Theo tổ chức Humane Society International (HSI), gần 1.600 chú chó đã được giải cứu khỏi 13 trang trại ở Hàn Quốc kể từ năm 2015, kể từ khi tổ chức này bắt đầu chiến dịch.
Những chú chó được nuôi ở một trang trại hàn Quốc để lấy thịt. Ảnh: CNN
Số người Hàn Quốc ăn thịt chó đã giảm trong những năm gần đây, trong khi số hộ nuôi chó làm thú cưng đã tăng theo cấp số nhân. Các nhà hoạt động vì quyền động vật của Hàn Quốc đã đi đầu trong việc đóng cửa ngành buôn bán thịt chó.
Tại Seoul, số liệu thống kê chính thức cho thấy số lượng các nhà hàng phục vụ thịt chó đã giảm 40% từ năm 2005 đến 2014, chủ yếu do nhu cầu suy giảm. Hai dự luật đã được đề xuất tại Quốc hội Hàn Quốc để loại trừ chó ra khỏi danh mục chăn nuôi nhằm mục đích lấy thịt và cấm cho chó ăn chất thải thực phẩm, một thực tế phổ biến ở các trang trại chó. Nếu những đề xuất này được thông qua, ngành công nghiệp thịt chó đang dần bị thu hẹp sẽ gần như sụp đổ.
Tháng trước, chính quyền ở Seongnam, một thành phố vệ tinh của Seoul, đã đóng cửa Taepyeong – cơ sở giết mổ chó lớn nhất cả nước, nơi hàng trăm ngàn con chó bị giết mỗi năm do bị giật điện trước khi mổ lấy thịt, theo HSI.
Nhiều tổ chức bảo vệ động vật đã giải cứu các chú chó từ lò mổ và đưa ra nước ngoài chăm sóc. Ảnh: CNN
“Đây là một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt cho sự sụp đổ của ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc và gửi một thông điệp rõ ràng rằng ngành công nghiệp thịt chó đang ngày càng không được chào đón trong xã hội Hàn Quốc”, thành viên Nara Kim của HSI nói.
“Chúng tôi đã làm việc với 13 nông dân và tất cả trong số họ đã đến gặp chúng tôi và yêu cầu giúp đỡ vì họ thừa nhận rằng ngành công nghiệp này đang chết dần”, Kim nói.
Vật nuôi phổ biến
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Gallup Korea vào tháng 6 năm 2018, khoảng 70% người Hàn Quốc cho biết họ sẽ không ăn thịt chó trong tương lai – tăng từ 44% vào năm 2015.
Nhận thức thay đổi của người dân Hàn Quốc về chó có thể được quy cho nhiều yếu tố, nhưng một số chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải có bạn đồng hành trong một xã hội ngày càng cạnh tranh và hiện đại hóa như hiện nay.
Suh Eun-kook, giáo sư tâm lý học tại Đại học Yonsei của Seoul cho biết: “Việc gia tăng số lượng hộ gia đình đơn lẻ và mức độ căng thẳng tương đối cao trong việc tương tác với mọi người ở Hàn Quốc có thể đã góp phần vào sự thay đổi này”.
“Con người hay phán xét lẫn nhau nhưng chó thì không bao giờ. Thay vào đó, chúng mang lại cho chúng ta sự hài lòng vô điều kiện. Tình yêu vô điều kiện từ những chú chó dường như đã góp phần vào sự phổ biến ngày càng tăng của việc nuôi chó làm thú cưng”, theo giáo sư Suh.
Ngành công nghiệp chăm sóc chó nở rộ tại Hàn Quốc. Ảnh: CNN
1/4 số người trưởng thành Hàn Quốc hiện nuôi thú cưng và người chủ trung bình chi khoảng 90 USD mỗi tháng cho thú cưng của mình, theo nghiên cứu của Tập đoàn tài chính KB.
Khi quyền sở hữu vật nuôi đã tăng lên, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ như bảo hiểm, trung tâm chăm sóc ban ngày và cửa hàng làm đẹp cũng gia tăng tương ứng.
Theo NongHyup – Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Hàn Quốc, ngành công nghiệp thú cưng của nước này trị giá 1,14 tỷ USD vào năm 2013, nhưng đã nhanh chóng tăng lên 3,4 tỷ USD vào năm 2017. Dự kiến sẽ đạt 5,4 tỷ vào năm 2020.
Bùng nổ các dịch vụ ăn theo
Trên đường phố Seoul ngày nay, không khó để nhận ra những chú chó được nuông chiều và ăn mặc theo các kiểu thời trang mới nhất. Các cửa hàng bách hóa bán thức ăn hữu cơ cho thú cưng, giường cho chó có bông Ai Cập và xe đẩy nhập khẩu từ Pháp.
Mỗi tháng, Ahn Da-som đưa chú chó xù nhỏ màu nâu của cô, Angum, đến một spa nằm ở khu phố thời trang nổi tiếng Cheongdam-dong, tại quận Gangnam của Seoul.
“Nó thực sự giống như một thành viên trong gia đình tôi nên tôi muốn nó trông phải đẹp vào mọi lúc. Tôi muốn nó luôn sạch sẽ giống như tôi”, Ahn nói.
Chú chó Angum được người chủ đưa tới spa để chụp ảnh trong lễ Giáng sinh. Ảnh: CNN
Cơ sở spa bao gồm một khách sạn chăm sóc vào ban ngày, một salon chăm sóc lông, quán cà phê và một không gian lớn để tổ chức tiệc sinh nhật. Toàn bộ tòa nhà có một hệ thống thông gió để giữ cho nội thất không bị ảnh hưởng từ tình trạng ô nhiễm không khí đang lan rộng ở Seoul.
Tại trung tâm chăm sóc ban ngày ở tầng dưới, 4 huấn luyện viên đang chăm sóc cho khoảng hai chục chú chó cỡ nhỏ. Ở một thành phố đông dân cư như Seoul, nơi hầu hết mọi người sống trong các căn hộ cao tầng, việc đưa chó đi chơi tại công viên hoặc nơi khác có thể trở thành dịch vụ. Các trung tâm chăm sóc ban ngày cung cấp một nơi để các chú chó giao tiếp và tập thể dục hàng ngày.
“Tôi thích spa ở đây nhấ, ở đây chó của tôi được mát xa tốt và được chơi với những người bạn khác của mình”, Lee Soo-ah cho biết cô đưa chó của mình tới đây 4 lần/tuần.
Mặc dù không phải tất cả những chú chó ở Hàn Quốc đều được sống xa xỉ như vậy, việc chuyển đổi địa vị của chúng ở Hàn Quốc dường như rất rõ ràng.
Trong khi một số người nông dân chăn nuôi chó lấy thịt vẫn dựa vào truyền thống ẩm thực để bảo vệ lý lẽ của mình, thì ngày nay, một chú chó có nhiều khả năng xuất hiện trong album ảnh của gia đình hơn là trên bàn nhậu.
Theo CNN