Người đàn ông quê Sóc Trăng lúc trẻ trồng ớt, về già thành “đại gia tương ớt” nổi danh nước Mỹ

Sau 40 năm bươn chải tại Los Angeles, người đàn ông đã xây dựng thành công doanh nghiệp tỷ đô. Phong cách điềm tĩnh xử lý biến cố cùng ý tưởng tạo ra sản phẩm “chất lượng như cho người giàu với cái giá dành cho người nghèo” rất đáng học hỏi. 

Không biết mọi người thì sao chứ với riêng tôi, mỗi lần đọc những câu chuyện về nhân vật có chí lớn, cần mẫn vươn lên làm giàu là bản thân cảm thấy như được tiếp thêm động lực để “cày cuốc” cải thiện cuộc sống và tương lai của mình. Mới đây, đọc trên báo thấy trường hợp của người đàn ông sinh ra ở Sóc Trăng, sau này qua Mỹ vươn lên trở thành tỷ phú nổi danh, quá ấn tượng nên muốn chia sẻ lại với mọi người về hành trình nỗ lực của ông.

hình ảnh

(Ảnh: Ảnh: ELLE Man)

Người đàn ông mà tôi muốn nói đến chính là David Trần (SN 1945). Ông sinh ra trong một gia đình đông con, bố là thương nhân, mẹ làm nội trợ. Năm 16 tuổi, lúc ấy mới chỉ học hết tiểu học, ông Trần theo anh trai lên Sài Gòn làm việc trong một cửa hàng bán hóa chất. Được một thời gian thì ông quay về Sóc Trăng học trung học.

Sau này, ông Trần lấy vợ rồi cùng anh trai trồng ớt trên miếng đất của gia đình rồi từ từ chuyển sang làm tương ớt. Ông thấy giá ớt trái lên xuống thất thường, đồng thời đánh giá các loại tương ớt trên thị trường lúc đó không đủ độ cay hoặc hương vị chưa thực sự hấp dẫn nên nảy ra ý tưởng mua ớt tươi về, vận dụng kiến thức của mình về hóa chất để chế biến một loại tương ớt giữ được vị tươi ngon và cay.

Tháng 12/1978, David Trần ở tuổi 33 quyết định đem một số vốn qua Mỹ. Tại đây, ông mua ớt từ các chợ địa phương và thành lập công ty sản xuất tương ớt vào tháng 02/1980. Công việc kinh doanh thuận lợi nên công ty mở rộng và chuyển tới cơ sở lớn hơn.

hình ảnh

(Ảnh: Trbimg)

Dĩ nhiên hành trình phát triển sự nghiệp của doanh nhân gốc Việt đôi lúc cũng gặp những biến cố, thách thức chứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chẳng hạn vào năm 2014, thành phố Irwindale kiện công ty của David Trần vì mùi ớt bay ra từ nhà máy khiến người dân khó chịu. Vụ kiện ầm ĩ khiến các chính trị gia như thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas kêu gọi David Tran và công ty của ông phải rời khỏi Los Angeles. Lúc này, ông Trần nảy ra ý tưởng mở cửa nhà máy để người dân được vào tham quan quy trình sản xuất của công ty, từ đó thay đổi góc nhìn.

Nhận ra thành ý và sự quyết tâm trong điều hành doanh nghiệp của ông Trần mà sau đó thành phố đã rút đơn kiện. Hoặc các thách thức khác như sản phẩm tương ớt của công ty bị làm nhái tràn lan, quan hệ của công ty với nhà cung cấp ớt độc quyền cho công ty bị đổ vỡ dẫn đến cuộc chiến pháp lý, thời tiết khắc nghiệt khiến ớt mất mùa dẫn đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng, công ty tạm ngừng sản xuất…

Tới thời điểm hiện tại, những khó khăn đã dần qua đi nên công ty của David Trần có thể bắt nhịp trở lại với tốc độ sản xuất 18.000 chai tương ớt/giờ. Công ty luôn sử dụng một công thức gồm ớt, đường, muối, tỏi và giấm để sản xuất tương ớt từ năm 1980 đến nay. Có thể thấy là trong 40 năm qua, chính công thức này đã đem lại thành công cho họ, đi từ một công ty nhỏ lên thành doanh nghiệp tỷ đô. David Trần từ đó mà trở thành “tỷ phú tương ớt” duy nhất trên đất Mỹ.

hình ảnh

(Ảnh trái: dautumy)

Nói về tâm huyết làm nghề, ông Trần chia sẻ: “Tôi có thể sử dụng nguyên liệu rẻ hơn hoặc quảng bá sản phẩm để kiếm được nhiều tiền hơn nhưng tôi không làm thế. Mục tiêu của tôi là tạo ra tương ớt chất lượng như cho người giàu với cái giá dành cho người nghèo”. Nhiều dân mạng đã để lại bình luận về hành trình và cái tâm khởi nghiệp của ông Trần:

– Chúc mừng ông! Lòng kiên trì và tính cần mẫn giúp ông thành công trên thương trường. Hãy luôn kiên định và không lùi bước, thành công sẽ đến với bạn.

– Ngoài chất lượng thì tôi thích một điều đó là không đắt hơn từ năm 1980 cho đến nay, tất cả vì người tiêu dùng, thật tuyệt!

– Đúng như luật trời, rằng anh phục vụ con người càng nhiều, càng tốt thì anh sẽ càng giàu. Mà chẳng to tát gì hết, chỉ là chai tương ớt, lưỡi dao cạo…

– Mở được công ty tại Mỹ không phải dễ, nhất là ở khâu an toàn thực phẩm. Rất đáng khâm phục ông.

– Tương ớt quá đẳng cấp trên toàn thế giới và gắn liền với các món truyền thống Việt. Một sản phẩm nhỏ nhưng tạo ra giá trị lớn cho cộng đồng, điều đó đã giúp ông trở thành tỷ phú đô la. Thật sự khâm phục sự nhanh nhạy, ý chí cần cù lao động này.

Vậy là sau 40 năm bươn chải tại Los Angeles, người đàn ông gốc Việt đã xây dựng nên một sự nghiệp rất “gì và này nọ”. Biết là để có được thành công thì ai cũng phải nỗ lực không ngừng nghỉ và có thêm yếu tố may mắn nữa, thế nhưng điều tôi ấn tượng nhất ở ông Trần là lòng kiên định với phương châm tạo ra một sản phẩm ngày càng chất lượng và không đặt nặng lợi nhuận. Cái cách ông bình tĩnh xử lý trước những biến cố hay không cần tốn tiền quảng cáo vẫn có thể đưa thương hiệu mình đến với đông đảo khách hàng… cũng là những điều mà nhà khởi nghiệp nào cũng cần học hỏi.

(Webtretho)