Người Mỹ không dám ăn tiêu vì lạm phát

Hàng hóa đắt đỏ khiến người Mỹ chuyển sang mua thịt và sữa loại rẻ hơn, giảm ăn hàng, làm móng và phớt lờ hàng hóa không thiết yếu.

Giá cả mọi hàng hóa tại Mỹ đều đang tăng, buộc hàng triệu người phải đưa ra các lựa chọn khó khăn. Hơn 8 trên 10 người tiêu dùng Mỹ cho biết sẽ cân nhắc lại hoặc giảm chi tiêu trong 3-6 tháng tới, theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu NPD Group.

“Người tiêu dùng đang giằng co giữa nhu cầu mua thứ mình muốn và khả năng cháy túi”, Marshal Cohen – Giám đốc mảng cố vấn bán lẻ tại NPD cho biết.

Khi giá cả liên tục leo thang, các chuyên gia về hành vi tiêu dùng cho biết nhiều người đã bắt đầu thay đổi. Họ chuyển sang lựa chọn khác rẻ hơn, gần như ngừng chi cho những gì không thiết yếu, như ăn hàng. Tuy nhiên, họ lại tăng chi cho những thú vui nhỏ, như hoa hay nến.

Người dân mua sắm trong một siêu thị ở Missouri (Mỹ). Ảnh: Reuters

Người dân mua sắm trong một siêu thị ở Missouri (Mỹ). Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, ở các cửa hàng tạp hóa, Cohen cho biết người tiêu dùng không chỉ mua ít đi nói chung, mà còn giảm “mua tùy hứng”. Ví dụ, kẹo cao su hay ôtô đồ chơi được bày cạnh hàng thiết yếu giờ cũng ế ẩm vì lạm phát.

Các chuỗi bán lẻ như Walmart cũng cảm nhận sự sụt giảm khi các gia đình ít lui tới và nếu đến thì cũng mua ít hơn. Dữ liệu của BPD cho thấy trong quý I, người tiêu dùng giảm mua 6% các mặt hàng tại các cửa hàng tạp hóa so với cùng kỳ năm ngoái. Tần suất đi mua sắm cũng giảm 5%.

Trong báo cáo tài chính tháng trước, Walmart cho biết lạm phát đang thay đổi hành vi của khách hàng. Họ chuyển sang mua thịt và sữa loại rẻ hơn, mua ít sản phẩm hơn trong mỗi lần và phớt lờ hàng hóa không thiết yếu.

Tình cảnh tại Target cũng tương tự. Họ cho biết khách hàng giảm mua những thứ như đồ nội thất, TV và dụng cụ nhà bếp.

Kể cả những chuỗi cửa hàng giá 1 USD cũng cảm nhận được người mua ngày càng ý thức về túi tiền. Dollar General cho biết trong báo cáo tài chính quý trước rằng khách hàng đang mua sắm “có chủ đích hơn” và lựa chọn mặt hàng giá thấp hơn.

Người Mỹ từng có nhiều tiền rảnh rỗi hơn để chi tiêu trong đại dịch, nhờ các chính sách kích thích của chính phủ. Tuy nhiên, điều này giờ đã thay đổi hoàn toàn. Cohen cho biết người dân đang giảm chi cho ăn ngoài, tập gym và các dịch vụ như làm móng.

“Với dịch vụ ăn hàng, có lẽ phải đến năm 2025 chúng ta mới quay về mức tiền đại dịch”, ông nói.

Những sản phẩm không cần nâng cấp hay thay mới cũng ế ẩm. “Nhiều người mua nồi chiên không dầu trong đại dịch do họ nấu ăn ở nhà nhiều hơn. Dĩ nhiên, họ chẳng cần thêm cái nữa làm gì. TV cũng vậy”, Cohen giải thích.

Dù vậy, điều mâu thuẫn là người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi cho những đồ không thiết yếu nhưng giá trị thấp. Chuck Howard – giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Mays (Texas, Mỹ) giải thích rằng việc này phụ thuộc vào quan điểm và tài chính của từng người.

Với một số người, họ sẵn sàng chi một khoản nhỏ cho nước hoa. Còn với người khác là mua một thanh chocolate ở quầy thu ngân. Điểm chung là nó giúp họ thư giãn tạm thời trong giai đoạn bất ổn.

“Sau một ngày dài, bạn có thể muốn ngâm mình trong bồn tăm 20 phút với các sản phẩm yêu thích, để thoát khỏi những suy nghĩ về hóa đơn phải trả”, Howard nói.

Đây là lý do vì sao nhiều sản phẩm như nước hoa xịt phòng hay nến vẫn có doanh số ổn định. Priya Raghubir – giáo sư tại Trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York cho biết đây được gọi là hiệu ứng son môi – người tiêu dùng vẫn chi cho các sản phẩm xa xỉ nhỏ như nước hoa hay mỹ phẩm dù kinh tế đang đi xuống.

Bà dự báo xu hướng này còn tiếp tục trong ngắn hạn. “Điểm khác biệt trong vòng xoáy lạm phát lần này là chúng ta vừa ra khỏi đại dịch. Mọi người có quá nhiều nhu cầu bị kìm nén. Họ muốn đi du lịch suốt 2 năm qua, muốn tổ chức tiệc kỷ niệm với gia đình, bạn bè. Vì thế, hoạt động du lịch, giải trí sẽ không đi xuống đâu”, bà nói.

Tất nhiên, nếu chi tiền cho những sản phẩm này, họ sẽ phải giảm chi cho mặt hàng khác, Neil Saunders – Giám đốc bán lẻ tại GlobalData Retail cho biết. “Mọi người sẽ phải lựa chọn. Chúng ta đang ở trong thời kỳ đầu của lạm phát. Nếu tình trạng giá cao kéo dài, chi tiêu sẽ bị cắt giảm sâu hơn và nhanh hơn nữa”.