Người Mỹ lư.ơng 100.000 USD/năm cũng không đủ sống
Hơn 1/3 người Mỹ có mức thu nhập cao vẫn cảm thấy thiếu tiền chi tiêu hàng tháng do sự ảnh hưởng của lạm phát. Tỷ lệ này đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Theo một cuộc khảo sát do công ty tư vấn Willis Towers Watson thực hiện, 36% dân văn phòng ở xứ sở cờ hoa có mức lương từ 100.000 USD/năm trở lên đang sống dè sẻn, không dám tiêu xài mạnh tay – cao gấp đôi so với năm 2019.
Thống kê cho thấy con số này cao hơn 2% ở phân khúc những người chi hết 50.000-100.000 USD/năm. 52% nhân viên có thù lao hàng năm dưới 50.000 USD cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Tuy nhiên, những người có thu nhập cao là nhóm duy nhất chứng kiến sự gia tăng rõ rệt nhất trong việc “kiếm nhiều nhưng không dư” trong vòng 3 năm qua, theo CNBC.
“Dù sở hữu mức lương cao, họ vẫn không thể tránh khỏi việc chi tiêu hàng ngày chỉ vừa đúng số tiền mang về”, Mark Smrecek, người đứng đầu thị trường phúc lợi tài chính cho Bắc Mỹ tại Willis Towers Watson, cho biết.
Công ty này đã thăm dò ý kiến của 9.658 nhân viên toàn thời gian từ các doanh nghiệp tư nhân lớn và vừa vào tháng 12/2021, tháng 1/2022, trước khi có lạm phát trở nên nghiêm trọng gần đây.
Thông qua dữ liệu, nhóm nghiên cứu phát hiện những xu hướng tương tự trong cuộc khảo sát LendingClub. Theo đó, 36% người kiếm được ít nhất 250.000 USD một năm cũng chỉ đủ sống.
Theo Smrecek, chi phí thực phẩm, giao thông và các lĩnh vực khác trong ngân sách hộ gia đình tăng nhanh đã gây sức ép lên khả năng tiết kiệm tiền của người dân.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 8,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2021, mức lạm phát cao nhất trong khoảng 40 năm, theo Bộ Lao động Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang (FED) cũng nâng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm hôm 15/6 – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994.
Như vậy, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5-1,75%. Đây được xem như một phần nỗ lực của cơ quan này nhằm kiềm chế giá cả leo thang. Tuy nhiên, động thái của FED đồng nghĩa với việc người dân sẽ không được hưởng mức lãi suất thấp kỷ lục khi vay mua nhà hay ôtô.
Giá cả hàng hóa, thực phẩm tăng cao khiến người Mỹ chật vật xoay xở. Ảnh: CNBC.
“Những con số này có thể sẽ tăng lên nếu chúng ta thấy hệ lụy của lạm phát vẫn tiếp diễn,” Smrecek nói về những người sống bằng tiền lương vừa đủ.
Trong buổi phỏng vấn với AP ngày 16/6, Tổng thống Joe Biden thừa nhận người dân Mỹ đã “thực sự thất vọng” khi phải đối mặt với lạm phát sau hơn thời gian dài hứng chịu đại dịch Covid-19.
Các yếu tố gây căng thẳng tài chính khác nhau tùy thuộc vào thu nhập. Những người có mức lương cao ngất ngưởng cho rằng chi phí nhà ở là thách thức lớn nhất, trong khi nhóm còn lại thường gặp khó khăn về nợ nần.
Mặc dù cuộc khảo sát không phân tích hạng mục này cụ thể, các nhà tuyển dụng cũng chỉ ra rằng chi phí thuê nhà và thế chấp gia tăng khi người lao động chuyển đổi chỗ ở trong đại dịch.
Những nhân viên có thu nhập cao hơn có cơ hội tìm kiếm các công việc cho phép họ làm việc từ xa.
Một số nhà hoạch định tài chính khuyên những ai đang sống trong tình cảnh thiếu thốn hãy thử áp dụng quy tắc 50-20-30 để chi tiêu phù hợp. Điều này liên quan đến việc phân bổ 50% thu nhập sau thuế cho các những khoản thiết yếu, 30% cho chi phí tùy ý và 20% còn lại cho tiết kiệm, đầu tư và giảm nợ.