Người Việt không dám làm những thói xấu này ở nước ngoài: Nhìn ‘đắm đuối‘, chụp ảnh
Khu đèn đỏ Amsterdam
Cấm chụp ảnh
Vì lý do an ninh, tập quán của cư dân bản địa hoặc đó là khu vực nhạy cảm…, người ta sẽ đưa ra quy định cấm chụp ảnh. Phụ nữ Ả Rập ở Trung Đông là một ví dụ. Chúng ta đều biết phụ nữ ở các nước Hồi giáo Trung Đông tất thảy đều che kín mặt và mái tóc, chỉ để lộ đôi mắt.
Do đó không ai biết được người nữ ấy đẹp hay xấu cho dù rất tò mò muốn biết. Thế nhưng khi đến Trung Đông, có một quy định bắt buộc là cấm du khách chỉa máy ảnh vào khuôn mặt của người phụ nữ.
Cho dù vô tình hoặc cố ý chụp hình, cũng sẽ bị người ta phản ứng. Có một đối tượng khác ở Paris cũng phản ứng dữ dội khi bị chụp hình khiến chính người viết bài này bất ngờ.
Đó là lần đầu tiên tôi đến thủ đô của nước Pháp, cách nay chục năm, nhờ cháu Quỳnh Anh – ái nữ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lúc ấy đang du học tại Paris – làm “hướng dẫn viên” du lịch. Khi hai chú cháu xuống ga tàu điện ngầm, thấy có khá nhiều người xin ăn, tôi đặc biệt chú ý đến một ông lão (người da trắng) râu tóc bạc phơ ngồi nép vào vách tường chơi đàn violon. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa máy ảnh lên chụp mà quên tắt flash.
Tôi vừa chụp xong, ngay lập tức ông lão khoát tay một cách giận dữ, nói bằng tiếng Anh: “Cấm chụp hình!”. Tôi đớ người ra, rồi chợt hiểu hình như mình vừa có hành vi bất nhã với người ăn xin Paris. Hai chú cháu rón rén bước đến trước mặt ông già violon nói câu xin lỗi (bằng tiếng Pháp) và định cho ông 1 euro. Y như lúc sau khi bị chụp hình, ông già violon cũng khoát tay rồi nói bằng tiếng Pháp: “Không cần, xin cảm ơn!”.
Bảo tàng ở Dubai
So với ông già violon dưới metro Paris của nước Pháp thì những cô nàng hành nghề mại dâm ở Amsterdam (Hà Lan) dữ dằn hơn nhiều. Khi du lịch đến khu đèn đỏ khét tiếng ở Amsterdam, bạn phải biết một điều tế nhị: cấm chụp ảnh các cô nàng khêu gợi đứng sau cửa kính của nhà thổ.
Nếu muốn chụp ảnh công khai để đăng báo, như phóng viên các hãng thông tấn nổi tiếng thế giới từng thực hiện, bạn phải thỏa thuận một mức thù lao nhất định (giống như thuê người mẫu) cho các nàng thì mới được phép.
Metro ở Paris
Còn nếu không thì hậu quả khó lường. Đã có du khách “ngoan cố” chĩa máy ảnh vào nhà thổ chụp hình gái mại dâm liền bị mấy cô bước ra…xô rớt xuống kênh. Amsterdam có khá nhiều kênh rạch cặp theo phố đèn đỏ.
Ra nước ngoài, không chụp ảnh mà cứ nhìn “đắm đuối” vào một đối tượng nào đó cũng là điều nên tránh.
Nhìn chằm chằm là mang họa
Không lãng mạn như trong phim khi một anh chàng si tình chẳng hề rời mắt cô nàng dễ thương nào đó. Trong sinh hoạt đời thường, nếu nhìn theo kiểu Hollywood như vậy, thể nào bạn cũng gặp rắc rối, nhất là ở các nước phương Tây, tại sao? Vì hành vi ấy bị coi là bất nhã, thậm chí khép vào tội quấy rối tình dục bằng “thị dâm”…
Đưa ánh mắt đa tình của kẻ cuồng si mà nhìn…cảnh sát theo kiểu như vậy cũng không được nốt. Xin đơn cử một ví dụ. Nhóm Việt kiều nọ đi chung xe, lúc dừng đèn đỏ trên một giao lộ ở ngoại ô TP.Sydney bên Úc, có anh cứ “dán con mắt” vào viên cảnh sát công lộ đứng ở ngã tư. Theo linh tính nghề nghiệp, anh cảnh sát nọ phát hiện có người “theo dõi” mình.
Thông thường, chỉ khi nào bạn đang làm điều gì đó xấu xa, như vận chuyển ma túy hoặc vũ khí bất hợp pháp chẳng hạn, thì mới lo “canh me” cảnh sát, sợ bị phát hiện. Đúng như logic của tình huống, anh cảnh sát công lộ ngay lập tức ra hiệu cho chiếc xe hơi của nhóm Việt kiều tấp vào lề để kiểm tra. Sau khi không phát hiện có điều gì bất thường, viên cảnh sát hỏi tại sao có người ngồi trên xe cứ nhìn anh ta một cách dò xét như vậy? Một người trong nhóm cố giải thích cho viên cảnh sát nọ hiểu rằng: do người bạn mới lần đầu đi du lịch đến nước Úc nên tò mò muốn nhìn cảnh sát giao thông ở đây xem có gì khác so với cảnh sát giao thông ở… VN!
Nghe cũng dễ thông cảm, anh cảnh sát công lộ chẳng hỏi gì thêm, chỉ nhắc nhở: không được nhìn “đắm đuối” như vậy nữa!
(thanhnien)