Người Việt ở phương Tây: Giá cả tăng chóng mặt, lương thì không
btv32022-10-04T10:22:51+07:00Thăm dò nhỏ của Zing cho thấy lạm phát tác động tới mọi ngóc ngách cuộc sống người Việt ở châu Âu và Bắc Mỹ, khi họ phải chi nhiều hơn cho nhu cầu cơ bản và siết chặt hầu bao.
Ổ bánh mì ngoài siêu thị. Tã cho người già. Hộp thịt bò xay 400 gram. Một kg ức gà. Gas, dầu ăn. Một túi cà chua. Bó rau muống. Lọ nước sơn móng tay…
Trên đây là một số mặt hàng mà 34 người Việt ở châu Âu và Bắc Mỹ trả lời Zing khi được hỏi họ nhìn thấy lạm phát rõ rệt nhất ở sản phẩm, dịch vụ nào.
Lạm phát đang bao trùm hầu hết quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, và được cảm nhận ở gần như mọi ngóc ngách, từ các hành lang trong siêu thị, trong tiệm spa, trong một góc nhà hàng, đến những con đường lớn.
Những người Việt tham gia một cuộc khảo sát nhỏ của Zing vào giữa tháng 6 đều chia sẻ tình trạng tăng giá ở hầu hết mặt hàng, kèm những lời than phiền như:
“Ngán ngẩm trước tình cảnh hiện nay”.
“Xót ruột”.
“Gần đây tôi đã phải xem giá khi đi chợ – điều mà tôi chưa từng làm trước đây”.
“Giờ tôi phải nhìn giá từng cây xăng để chọn đổ cây rẻ nhất”.
Kết quả thăm dò của Zing được thực hiện trong bối cảnh các báo cáo về sự gia tăng lạm phát thời gian gần đây ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đạt 8,6% trong tháng 5, mức cao nhất trong 40 năm kể từ tháng 12 năm 1981, Bộ Lao động Mỹ (DOL) báo cáo vào ngày 10/6.
Trong khi đó, theo một ước tính nhanh của Eurostat – văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu (EU), khối này ghi nhận mức lạm phát 8,1% vào tháng 5, tăng từ mức 7,4% vào tháng 4, đạt mức cao nhất kể từ năm 1997.
Theo các dự báo tài chính, những mức này vẫn chưa đạt đỉnh và dự kiến còn tăng, kéo theo giá hầu hết mặt hàng tiêu dùng tăng, khiến phần lớn người tham gia khảo sát nói rằng họ đang phải chắt bóp chi tiêu.
Một số ít cho biết họ vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng nếu tình trạng này tiếp tục, họ rất có thể phải thay đổi thói quen sinh hoạt như nhiều người khác.
Giá tăng chóng mặt, trừ lương
Những người tham gia khảo sát của Zing chủ yếu trong độ tuổi 18-40 (chiếm 85,3%), chủ yếu là người đã có thu nhập.
Với đối tượng ở châu Âu, họ đến nhiều nhất từ Đức, sau đó tới Pháp và Thụy Điển. Một số người ở Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Na Uy, Italy và Thụy Sĩ.
Ở Mỹ, Zing khảo sát được những người Việt sống tại bang New York, Texas, California, Illinois và New Jersey. Ngoài ra, cũng có một người sống tại Canada tham gia vào khảo sát này.
Có tới 31/34 người tham gia khảo sát nhận thấy tình trạng giá cả leo thang ở nơi họ đang sinh sống.
Những người tham gia khảo sát chi tiêu nhiều nhất vào nhà cửa và thực phẩm. Các nhu cầu khác như du lịch và ăn uống ngoài hàng xếp phía sau, cùng với xăng dầu và di chuyển.
Một điểm chung là hầu hết người tham gia khảo sát ở cả Bắc Mỹ và châu Âu đều nhắc nhiên liệu – gồm có xăng, khí đốt và điện – và thực phẩm là mặt hàng họ nhận thấy tăng nhiều nhất.
“Xăng dầu, thực phẩm tăng dẫn đến toàn bộ mặt hàng đều tăng giá chóng mặt”.
“Hiện tại cái gì cũng tăng”.
Một du học sinh Phần Lan đang đi trao đổi ở Đức cho hay chi phí di chuyển khi du lịch và chi tiêu ăn uống “tăng rất nhanh”.
Có người đề cập tới các sản phẩm châu Á như nước mắm và bún khô. Dầu ăn cũng là sản phẩm được nhắc tới nhiều sau giá xăng.
“Khan hiếm dầu ăn, giá cà chua tăng chóng mặt, không đủ bột mì để mua”.
Ngoài ra, giá nhà cũng là thứ mà một vài người tham gia khảo sát chú ý tới.
Một số câu trả lời đáng chú ý gồm
“Bánh mì từ 5 USD lên 8 USD, beefsteak từ 30 USD lên 45 USD”
“Số tiền tôi chi cho xăng mỗi tuần nhiều hơn khoảng 20 euro so với trước kia”;
“Thịt ức gà 6,99 euro/kg lên 9,99 euro/kg, cà chua từ 1,98 euro/kg lên 3,99 euro/kg”;
“Dầu ăn từ 1-1,5 euro/l tăng lên 5 euro/l”;
“Thịt lưng bò trước đây 11,29 euro/kg, hiện tại là 15,99 euro/kg”;
“Đồ ăn nào giá hiện tại cũng cao hơn 20-25%”;
“Trứng từ 2,3 USD/12 quả lên 3,4 USD/12 quả”;
“Tiền thuê nhà tăng khoảng 15-25% so với cùng thời điểm năm ngoái”;
“Sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc móng, nước sơn móng tay,… đều tăng giá”;
“Nước mắm từ 2-3USD/chai lên 10-15/USD chai tùy loại; bún khô tăng gấp 3 lần, từ hơn 2 USD/gói đến gần 7 USD/gói”.
“Rau muống tăng từ 7-10 USD/bó so với 5 USD/bó trước đây; gạo tăng gấp rưỡi”.
“Cắt được gì thì cắt”
Trước tình hình giá cả leo thang chóng mặt, đa số người tham gia khảo sát phản ứng tiêu cực trước bão giá, nói rằng họ “mệt mỏi”, “lo lắng” trước biến động mạnh của thị trường.
Chỉ 2/34 người cho hay họ cảm thấy bình thường và rất ít bị ảnh hưởng. Hai người này là người đã nghỉ hưu và có tài chính gia đình ổn định.
Trong khi đó, 2 người khác tỏ thái độ chấp nhận và phó mặc cho thời cuộc.
“Tôi chỉ có thể cố bình tâm mà sống tiếp, đợi cơn lạm phát này qua đi, chứ cũng không thể làm gì khác”.
Trước tác động mạnh của biến động thị trường, những người tham gia khảo sát của Zing đã tiết lộ các giải pháp riêng của họ để chống chọi với bão giá, chủ yếu là cắt giảm việc đi du lịch, ăn ngoài, hoặc tìm hiểu các lựa chọn thay thế để giảm chi phí.
Dưới đây là các câu trả lời phổ biến nhất, chiếm khoảng 50% phản hồi:
“Đợi đợt giảm giá, mua nhiều thịt về cất tủ đông ăn dần”.
“Đổi sang đi các chợ hoặc siêu thị có giá thấp hơn”.
“Chăm săn đồ giảm giá”
“Nghĩ kỹ trước khi mua”.
“Nấu ăn tại nhà”.
Một số người thậm chí cho biết đã phải “mua ít đồ ăn lại” để tiết kiệm.
Một số khác chia sẻ họ đang tập chuyển sang đi bộ, đi xe đạp, xe điện, hoặc phương tiện giao thông công cộng, để tiết kiệm tiền xăng cũng như tiền đỗ xe.
“Tôi đã mua một chiếc xe máy điện để gia đình đi làm”, một người đàn ông cho hay.
Các chi phí liên quan đến giải trí, du lịch, mua sắm không thiết yếu (như giày dép, quần áo, đồ dùng không cần thiết) cũng được phần lớn cư dân cho vào danh sách những thứ cần loại bỏ hoặc cắt giảm.
“Cắt được gì thì cắt”, một người khác chia sẻ.
Dự định và công việc bị gián đoạn
Lạm phát trở thành câu chuyện mà người dân ở khắp mọi nơi quan tâm.
New York Times dẫn khảo sát của Gallup cho thấy lần đầu tiên trong 4 thập niên, người Mỹ đánh giá lạm phát là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Ở Washington, đây được coi là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự lập pháp của Tổng thống Joe Biden và triển vọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
Tại châu Âu, trang McKinsey dẫn cuộc thăm dò hồi tháng 4 cho thấy 44% người tiêu dùng được hỏi ở châu Âu xác định mối quan tâm số một của họ là giá cả tăng cao, trong khi xung đột tại Ukraine xếp thứ 2. Đại dịch Covid-19 – chủ đề thống trị đời sống cộng đồng trong suốt 2 năm qua – giờ chỉ đứng thứ 3.
Trong khi đó, một khảo sát khác ở 10 nước EU cùng Anh cho thấy khi được hỏi điều gì gây lo lắng nhất khi chiến sự Ukraine nổ ra, người tham gia khảo sát ở Đức, Italy và Pháp lo ngại nhất về chi phí sinh hoạt và giá năng lượng, Guardian đưa tin.
Thực trạng này dẫn đến việc các công đoàn khắp châu Âu đang đấu tranh đòi tăng lương cho người lao động, theo Financial Times. Trong khi đó, các nhà hoạch định tại Ngân hàng Trung ương châu Âu lo lắng về viễn cảnh áp lực giá cả trở nên cố hữu, dẫn đến nguy cơ “vòng xoáy giá cả – tiền lương” xuất hiện.
Theo khảo sát của Zing, hơn 50% người khảo sát cho biết lương của họ “không tăng”, trong khi khoảng 24% chọn “tăng ít”.
Một người ở Đức cho hay tạm thời lương tối thiểu đã được tăng lên 12 euro/giờ. Còn với người chưa có thu nhập, hiện tại chỉ có khoảng hơn 30% phải cắt bớt “một ít” tiền tiêu vặt.
Gần một nửa số người tham gia khảo sát (15 người) tiết lộ rằng khoản tiết kiệm của họ bị thâm hụt khi phải chi tiêu nhiều hơn. Điều đó phần nào đồng nghĩa với việc những kế hoạch và dự định lớn bị chững lại.
Nhiều người Việt đề cập tới việc họ phải hoãn mua nhà và về Việt Nam bởi chưa thể sắp xếp được chi phí khi lạm phát đang “phi mã”.
Một số gián đoạn khác bao gồm:
“Không về nước, giảm đi công tác”.
“Hoãn sửa nhà”.
“Hoãn mua nhà hoặc mua xe”.
“Hoãn đi du lịch”.
“Giá vé máy bay tăng nhiều nên không săn được vé giá rẻ về Việt Nam”.
“Hoãn công việc kinh doanh”.
Có hai người lựa chọn “có” khi được hỏi về ý định chuyển đến một nơi có vật giá ổn định hơn. Tuy nhiên, hầu hết đều chọn “không”, với lý do như “vì giá cả đều tăng hầu như khắp nơi” hoặc “không biết đi đâu”.
Hoang mang về tương lai
Hôm 7/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận tình trạng lạm phát ở Mỹ hiện tại sẽ không phải “tạm thời” mà còn kéo dài và ở mức cao. Tuần trước, Bộ trưởng Yellen cũng nói bà chưa thể dự báo được hết tác động mà sự tắc nghẽn nguồn cung, cũng như các cú sốc không lường trước được, có thể gây ra cho nền kinh tế Mỹ.
Theo CNBC, các chuyên gia cho rằng Mỹ khó tránh khỏi suy thoái, có thể bắt đầu vào quý III, khi lạm phát tăng vọt khiến tâm lý người tiêu dùng tụt dốc và tiết kiệm của người dân sụt giảm.
Trong nghiên cứu công bố vào tháng 6, bà Anna Wong – chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bloomberg – dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2022 là 25%, nhưng tỷ lệ này có thể lên tới 75% vào năm 2023.
“Một cuộc suy thoái vào năm 2022 là khó xảy ra, nhưng suy thoái năm 2023 sẽ rất khó tránh khỏi”, bà Wong bình luận.
Trong khi đó, Euro News đưa tin Ủy ban châu Âu đã phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro vào năm 2022 xuống 2,7%, trong khi tăng dự báo lạm phát lên 6,1%. Lạm phát của toàn EU dự kiến đạt 6,8% trong năm nay.
Trước những dự đoán kinh tế đó, ít nhất 4 người tham gia khảo sát của Zing (bao gồm một mẹ đơn thân và một chủ doanh nghiệp ở Texas, một sinh viên ở California (Mỹ), và một sinh viên khác ở Đức) thừa nhận hiện tại họ chưa thực sự bị ảnh hưởng nặng do lạm phát, nhưng lo ngại nếu xu hướng tiếp tục tăng, họ sẽ đối mặt với tình hình “đáng lo ngại”.
“Tôi hoang mang không biết khi nào ‘cơn bão’ này mới kết thúc”, một người chia sẻ.