Người Việt sang Séc bao nhiêu lâu sẽ mua được nhà, so với ở Việt Nam việc đánh đổi có quá mạo hiểm
Em không biết những cô cậu thanh niên trẻ khoẻ mới sang Séc một hai năm nay, tương lai sẽ thế nào. Họ có được thẻ vĩnh trú không, có được ổn định cuộc sống hay không thì tương lai còn phía trước
Nhưng em cứ thử giả thiết sau 5 năm họ vất vả làm việc ở trong nhà máy, để rồi vừa làm vừa học tiếng Séc. Đủ 5 năm họ thi được bằng tiếng Séc hạng A1 rồi đệ đơn xin PR.
Sau khi họ có được PR thì họ không còn phải phụ thuộc vào hợp đồng lao động trong nhà máy nữa. Lúc đó họ có thể ký làm việc cho nhà máy với mức lương và trợ cấp cũng như điều kiện tốt hơn. Hoặc ai có chút ít vốn liếng thì đăng ký giấy phép kinh doanh, rồi mua lại một cơ sở kinh doanh nào đó của người quen để tiếp tục buôn bán và thay đổi cuộc sống so với khi làm việc trong nhà máy.
Để giàu có thì cơ hội đột biến ở bên Séc này là rất hiếm, nhất là với những người bắt đầu từ con số không. Nhưng không phải là không có cơ hội để ổn định. Từ 1 người mới chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang đây, trong tay không có gì, nợ nần cả ở bên này lẫn ở nhà, nhưng họ chịu khó thì sau 2 năm sẽ trả được hết nợ. Rồi 3 năm tiếp theo sẽ làm việc để tích cóp và lo cho việc xin vĩnh trú.
Người vĩnh trú sẽ có những quyền lợi gì tiếp theo ngoài việc được bảo hiểm y tế (ở Séc bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội là bắt buộc, thuế thì tự đóng, nhưng nếu trốn thuế sẽ bị quy vào tội hình sự)? Đó là người có PR được quyền mua bất động sản và sở hữu bất động sản tương đương như người Séc. Có nghĩa là sau 5 năm, một cô bé hay cậu bé từ một làng quê nghèo khó ở Việt Nam đặt chân sang Séc, sẽ có cơ hội mua được 1 bất động sản cho riêng mình. Với những người có bảng lương ổn định, có chút tiền đóng cọc ban đầu (10 tới 30% giá trị tài sản) thì có thể vay tiền ngân hàng mua nhà trả góp.
Đa phần người Việt mình vẫn mang theo quan niệm ở Việt Nam là mua nhà để kinh doanh, đồng thời nếu ở được thì càng tốt. Nên trong chục năm trở lại đây, đa số người Việt mua nhà theo hình thức trên ở dưới bán hàng, hoặc phía sau ở, phía trước làm cửa hàng. Vừa kinh doanh buôn bán, vừa ở để tiện lợi và lấy thu nhập từ cửa hàng để trả lãi hàng tháng.
Tại sao người Séc họ không làm vậy, để người Việt Nam đa phần vẫn có cửa để buôn bán nhỏ lẻ. Bởi quan niệm cuộc sống của người dân Séc họ khác, họ không thể nào giống với người Việt chúng ta được. Đa phần người Séc đặt nặng vấn đề tiện nghi và nghỉ ngơi. Họ chỉ làm việc theo đúng mức độ và ít ai đánh đổi tiền bạc lấy công việc cả. Bởi quan niệm của họ là làm việc để hưởng thụ cuộc sống, chứ không phải là làm việc để kiếm tiền, chấp nhận hy si..nh sự tiện nghi và hưởng thụ của đa phần người Việt. Càng kiếm được nhiều tiền, người Việt càng ham làm, càng muốn kiếm được nhiều hơn nữa.
Ngay như bản thân em, nếu trước đây buôn bán kinh doanh thì có khi cũng chẳng có thời gian để vào đây đọc tin chứ chưa nói tới chuyện chém gió. Nhưng giờ đi làm thuê, ăn lương, miễn đảm bảo công việc, còn lại muốn làm gì thì làm, nên mới ngồi chia sẻ với các cụ, các mợ như thế này
Giờ em nói sang chuyện du học sinh người Việt Nam sang học tại Séc theo dạng có học bổng. Thời kỳ sau khi XHCN sụ..p đổ thì CH Séc vẫn bảo lưu lại thoả thuận từ thời +sản giữa Tiệp Khắc và Việt Nam. Theo thoả thuận đó thì hàng năm nhà nước Séc vẫn dành cho phía Việt Nam một số suất học bổng toàn phần đại học và sau đại học.
Có nghĩa là hàng năm, ở Việt Nam sẽ có một số suất học bổng dành cho các sinh viên đạt yêu cầu. Đa số các sinh viên, nghiên cứu sinh chọn sang Séc, một phần vì họ không đạt yêu cầu sang các nước có điều kiện học tập và nghiên cứu tốt hơn. Nhưng học ở Séc cũng là một lựa chọn không tồi. Sau năm 5 học đại học và 4 năm học sau đại học thì đa phần đều có được PR, thậm trí một vài trường hợp đặc biệt được nhận quốc tịch Séc, nếu chấp nhận ở lại.
Đa số những người bạn của em trong thời gian học ở đại học giờ đều thành đạt cả. Có người về lại Việt Nam, có người qua Mỹ, Canada làm việc, có người ở lại Séc phát triển sự nghiệp. Nói chung những ai đã chọn con đường học vấn thì đa phần đều làm việc đúng ngành nghề, bởi nhu cầu việc làm trình độ cao ở Séc vẫn khan hiếm.