Người Việt sống như thế nào giữa lệnh phong tỏa toàn bộ 60 triệu dân cả nước của Italy?

Sáng 8/3, chưa kịp mừng sinh nhật chồng, Stella Vũ sững sờ khi nghe tin cả vùng Piedmont mà mình sinh sống bị áp lệnh phong tỏa toàn bộ cả nước Italy.

 

Sắc lệnh phong tỏa của Thủ tướng Giuseppe Conte được thông qua lúc 2h sáng 8/3, khi nhiều người Italy, trong đó có Stella Vũ, vẫn đang say ngủ. Theo sắc lệnh này, vùng Lombardy cùng 14 tỉnh thuộc các vùng phía bắc bao gồm Emilia Romagna, Marche, Veneto và Piedmont sẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đến ngày 3/4 do số người nhiễm nCoV tại nước này tăng mạnh lên hơn 7.300 ca, trong đó có 366 trường hợp t ử von g.

Thành phố Domodossola mà cô gái người Việt đang sống thuộc tỉnh Verbano-Ossola-Cusio, vùng Piedmont, cũng được liệt vào “vùng đỏ”, nghĩa là mọi hoạt động ra vào đều bị cấm. Tối hôm trước, trên đường trở về nhà từ thủ phủ Torino, vợ chồng Stella Vũ đã có chút lo lắng khi đọc được thông tin trên báo chí Italy về dự thảo đưa hàng loạt thành phố vào danh sách “vùng đỏ”. Hai người suy tính xem nên làm gì để đối mặt với tình hình hiện nay nhưng không nghĩ nơi mình sinh sống cũng nằm trong số đó.

“Như người Việt Nam thường ví von là thông tin đến nhanh đến mức ‘không kịp trở tay'”, cô gái 28 tuổi, lấy chồng bản địa, chia sẻ với VnExpress. “Mình bàng hoàng mấy giây, tưởng vẫn còn đang mơ”.

Stella nhanh chóng gọi điện thoại dặn dò cô em gái đang học ở Torino, rồi gọi cho mẹ ở Việt Nam thông báo tình hình. Chồng cô khẩn trương hoàn thành công việc ở ngoài rồi cùng vợ đi siêu thị mua đồ ăn.

Cô nhận thấy mọi người xung quanh vẫn tỏ ra bình tĩnh khi có lệnh phong tỏa, đứng cách nhau một mét theo quy định và chỉ một nửa số khách mua nhiều hơn mức bình thường. Kệ rau củ quả, giấy vệ sinh vẫn đầy ắp. Điểm đáng chú ý duy nhất là nhân viên thu ngân của siêu thị bắt đầu đeo găng tay. Nhà chỉ có hai vợ chồng và hai chú chó nên Stella cũng quyết định không mua đồ tích trữ quá nhiều.

“Có thể một phần do Italy đa số là người già nên chưa cập nhật thông tin kịp thời, một phần là người dân bị cấm ra khỏi khu vực phong tỏa nhưng vẫn có thể đi lại trong thành phố một cách hạn chế. Tôi tự trấn an rằng ở trong vùng phong tỏa cũng không quá tệ vì ít ra sẽ hạn chế được việc tiếp xúc với những người từ tâm dịch đến”.

Vùng Piedmont có 47 thành phố, nhưng chỉ mới ghi nhận 13 ca nhiễm nCoV. Từ đêm 7/3, thông tin về kế hoạch phong tỏa bị rò rỉ trên báo chí đã khiến hàng nghìn người ở phía bắc vội vã tìm cách di tản về phía nam hoặc sang nước khác. Một người hàng xóm cùng tòa nhà với Stella cũng kịp rời thủ phủ Milan để trở về thành phố.

Sáng đầu tiên của lệnh phong tỏa, Trung Kiên, một sinh viên vừa tốt nghiệp ở Milan, đi siêu thị mua ít đồ ăn dự trữ để tránh phải ra ngoài trong những ngày tới. Các nhà hàng, quán bar, tiệm cắt tóc, cửa hàng điện máy, siêu thị châu Á hoặc của người Hoa đều đã đóng cửa không thông báo khi nào mở lại. Đường sá vắng vẻ hơn dù hệ thống giao thông công cộng vẫn hoạt động bình thường.

Ghé vào các siêu thị, Kiên nhận thấy điểm đặc biệt là không có ai tỏ ý kỳ thị khi thấy một người châu Á như mình đeo khẩu trang.

“Họ lịch sự xếp hàng ở quầy thu ngân, thậm chí nhường cho người mua ít đồ thanh toán trước”, Kiên mô tả. “Không có hiện tượng đổ xô tích trữ thực phẩm. Khách mua nhiều chủ yếu là người châu Á hoặc Trung Quốc. Họ mua cả chục lốc nước khoáng, thịt hộp, rau quả, trứng đầy ắp xe đẩy”.

Vào hiệu thuốc, Kiên được yêu cầu xếp hàng vì mỗi lần chỉ một người được vào trong đề phòng lây nhiễm. Khẩu trang vẫn “cháy hàng” như vài tuần trở lại đây, do không có nguồn cung.

“So với tuần trước, 10 người mới có 1 người đeo khẩu trang, thì nay tỷ lệ này tăng lên khoảng 3/10. Ngoài ra, họ đeo khăn quàng bao trùm mũi miệng. Tuy nhiên, một số người đeo khẩu trang che miệng nhưng hở mũi”, Kiên cho biết.

Điều mà Kiên thấy an tâm hơn và “tuyệt vời nhất” hôm đó là thay vì quét và lau sàn như bình thường, nhân viên vệ sinh tòa nhà mà anh đang sinh sống còn tưới nước khử trùng và dùng cồn lau tay nắm cửa.

24 giờ sau đó, Italy ghi nhận thêm gần 1.800 trường hợp dương tính với nCoV, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên hơn 9.100, số ca t ử v ong tăng lên 463, trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới. Tối 9/3, lệnh phong tỏa tiếp tục được mở rộng ra toàn quốc. Toàn bộ người dân được yêu cầu ở nhà, hoạt động đi lại trên toàn quốc sẽ bị ngừng đến ngày 3/4, trừ khi có lý do khẩn cấp hoặc vấn đề sức khỏe.

Thông tin này khiến nhiều người Việt có kế hoạch về nước hoảng hốt vì không biết liệu có được xuất cảnh hay không.

2h sáng, Nguyễn Giang, nữ sinh ở thành phố Modena, vùng Emilia Romagna, vẫn thấp thỏm không ngủ được. Giang cho hay mình đã mua máy bay về Việt Nam ngày 10/3 và không nhận được thông báo hủy chuyến nào. Cô đã chuẩn bị tờ khai theo mẫu của Bộ Nội vụ Italy, trong đó nêu rõ lý do khẩn cấp muốn rời khỏi nước này là để tránh dịch, nhưng không biết liệu có được chấp nhận hay không.

Trước Giang, có hai nữ sinh Việt khác đi cả đêm đến sân bay Milan để bay về Việt Nam nhưng sau khi làm thủ tục check in xong, chuẩn bị lên máy bay thì bị nhân viên soát vé chặn lại. Hai cô gái đã bật khóc khi được thông báo rằng họ bị cấm khởi hành vì đến từ “vùng đỏ”.

“Mình đã cố gắng chuẩn bị giấy tờ đầy đủ. Mình sẽ đến sân bay thật sớm để đề phòng sự cố xảy ra còn kịp xoay xở”, Giang nói.

Một góc vắng vẻ ở thành phố Venice sau khi có lệnh phong tỏa hôm 8/3. Ảnh: Phạm Hùng Vương.

Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Italy Phạm Hùng Vương cho biết có khoảng 900 sinh viên người Việt tại quốc gia châu Âu này. Tại vùng Lombady, có khoảng 60 sinh viên, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn là Milan, Brescia, Pavia, Varese. Từ 2 tuần trước, sinh viên đã được nghỉ ở nhà để phòng dịch và được học bù bằng hình thức học trực tuyến.

Ngoài những người xác định ở lại vì vướng công việc hoặc gặp vấn đề về hợp đồng nhà hay thẻ cư trú, nhiều người lo lắng đã đặt luôn vé về Việt Nam. Một số trường có sinh viên sang đây học theo dạng liên kết, trao đổi cũng đã khuyến khích và kêu gọi sinh viên về nước.

“Đây là tâm lý dễ hiểu. Trong trường hợp xấu phải vào bệnh viện, sinh viên nước ngoài cũng gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ nên khó giao tiếp và xử lý tình huống. Chi phí cũng có thể rất tốn kém”, Vương cho biết.

Khi lệnh phong tỏa đầu tiên được đưa ra, nhiều du học sinh ở ngoài các điểm nóng tiếp tục lên kế hoạch về Việt Nam. Tuy nhiên, khi toàn Italy được đặt trong tình trạng phong tỏa, nhiều bạn trẻ đã tìm đến Hội sinh viên để được trợ giúp với nỗi hoang mang “đi không được, ở không xong”.

Những người muốn rời đi cảm thấy bối rối khi không biết phải điền vào tờ khai của Bộ Nội vụ Italy như thế nào và lý do về nước tránh dịch liệu có được chấp thuận.

Hùng Vương cho hay để được phép di chuyển, mọi người cần tải bản khai báo thông tin trên trang web của Bộ Nội vụ Italy. Một số chốt an ninh cũng có tờ khai này để người dân điền ngay tại chỗ.

“Người dân chỉ được đồng ý cho di chuyển vì lý do công việc, sức khoẻ hoặc trường hợp bất khả kháng. Trường hợp bạn có công văn triệu tập về Việt Nam thì nên dịch ra tiếng Italy”, Vương cho hay. “Ai chưa đặt vé máy bay về Việt Nam nên suy xét cẩn thận bởi nhân viên an ninh có quyền từ chối nếu xét thấy lý do không hợp lý”.

Vương, người đang ở thành phố Venice, cho rằng vào thời điểm hỗn loạn này, cách tốt nhất là yên vị tại chỗ, dự trữ đồ ăn và bình tĩnh theo dõi thông tin, không quá hoảng loạn, hoang mang. Bản thân anh cũng không có ý định về Việt Nam, một phần vì bận công việc, một phần vì xác định đây là vấn đề toàn cầu và sẽ diễn tiến trong thời gian dài nên không thể né tránh.

“Ngay từ ngày đầu tiên công bố dịch, ban chấp hành Hội Sinh viên đã có những thông báo chính thức trên Facebook để cảnh báo sinh viên cũng như hướng dẫn những biện pháp phòng tránh lây nhiễm nCoV. Đại sứ quán Việt Nam tại Italy cũng thành lập đường dây nóng để hỗ trợ công dân Việt Nam và du học sinh. Hiện chưa ghi nhận ca nào nhiễm nCoV là công dân cũng như sinh viên Việt Nam tại Italy”, Vương cho hay.

Trong khi đó, những người ở lại băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm và việc khám chữa bệnh khi nhiễm nCoV, bởi ở Italy, hiện những ca dương tính ở thể nhẹ vẫn được cho tự cách ly tại nhà và tư vấn điều trị thông qua hotline, chỉ những ca nặng mới được nhập viện.

Ở lại Italy, Stella Vũ vừa lo cho mình vừa lo cho bố mẹ ở Việt Nam. Từ cuối tháng hai, xưởng rượu vang của vợ chồng cô bị hàng loạt khách hàng ở các nước hủy hẹn vì được khuyến cáo tránh đến Italy. Một sự kiện về rượu vang cũng bị hủy vì Italy cấm tụ tập đông người.

Nhà hàng và khách sạn nhỏ của gia đình chồng cô đối mặt với tình trạng hủy phòng dồn dập vì du khách lo sợ Covid-19. Các nhà hàng trong địa phương được mở cửa 6h-18h nhưng đành ngừng hoạt động bởi lượng khách thưa thớt không đủ để trả chi phí.

Những thông điệp kêu gọi đoàn kết và động viên người dân được dán ở bảng hiệu của toà thị chính thành phố Domodossola hôm nay. Ảnh: Stella Vũ

“Khi có thêm lệnh phong tỏa, người dân nhận ra sự việc nghiêm trọng hơn họ nghĩ và cũng nghiêm túc hơn trong việc phòng dịch”, Stella nói.

Mọi người quàng khăn che mũi, đeo găng tay khi nhận hay trả tiền cho khách hàng. Các nhân viên trong nhà hàng của nhà cô được phổ biến cách rửa tay và hạn chế tiếp xúc khách hàng, che miệng khi ho hay hắt hơi, không bắt tay, ôm hôn.

Stella cũng chuẩn bị sẵn nước rửa tay khô và khăn ướt diệt khuẩn, lau dọn nhà bằng nước sát khuẩn và mở cửa cho thông thoáng. Tuy nhiên, cơ quan y tế Italy không khuyến khích đeo khẩu trang khi không bị bệnh và Stella cũng không thể tìm được nơi nào bán khẩu trang để mua.

“Chính phủ Italy phải chấp nhận đóng cửa một vùng và giờ là toàn quốc dù quyết định này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Chỉ hy vọng người dân hiểu và chấp hành nghiêm túc quy định để kiểm soát dịch bệnh”, Stella nói.

Hôm qua, chồng cô đã đi mua gà về nuôi và dự tính hôm nay đi mua rau về trồng để tăng nguồn tự cung tự cấp qua thời kỳ dịch bệnh.

“Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ. Nó huỷ hoại mình hay làm mình mạnh mẽ hơn là do chính bản thân mình quyết định. Dù sao nhà mình vẫn còn đủ rượu vang để uống dần. Không khéo qua được đợt này, viết sách kể về trải nghiệm trong ‘vùng đỏ’ lại bán đắt như tôm tươi”.

 

Anh Ngọc / Vnexpress