Nhiều Việt Kiều đánh cược cả mạng sống của mình: Rời bỏ đất mẹ VN, trốn chui sang xứ người, nuôi hi vọng đổi đời

Phần đa người Việt Nam rời bỏ quê hương sống cuộc đời tha phương cầu thực là vì muốn mưu cầu một cuộc sống ấm no hơn, giúp đỡ cho cha mẹ, anh em, gia đình mình được nhiều hơn và mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy và tự do hơn.

Vì thế, rất nhiều người đã đánh cược cả mạng sống của chính mình từ giây phút rời bỏ đất mẹ Việt Nam. Nếu may mắn gặp được đường dây tốt, được bay thẳng thì không có nhiều lo lắng. Nhưng nếu chỉ bay được sang Nga hoặc Slovakia… thì phải băng rừng, vượt suối, đi bộ hàng cây số trong đêm tối giá lạnh, thậm chí đi trong trong tuyết âm hàng chục độ. Với những người dân ở Việt Nam, chưa từng sống ở nhiệt độ âm bao giờ, thì đó chính là cửa tử đầu tiên, nếu vượt qua được mới mong đặt chân tới được ,,miền đất hứa“. Sau rét là cái đói, khát vì phải trốn tránh truy đuổi của công an và nhiều khi nằm ở trong rừng nhiều ngày dài, không được ăn uống. Có nhiều người đã bỏ mạng chốn này.

Quãng đường vượt biên từ Nga sang Slovakia, Séc hoặc Ba Lan rồi vào Đức được đánh đổi bằng tiền, mồ hôi, máu và cả mạng sống.

Phần đa người miền Trung quê tôi, tính từ thời của mẹ tôi những năm đầu của thập niên 1990 đều đi con đường này. Thời đó hiếm có được chuyến bay thẳng và nếu có thì cũng là của những người có mối quan hệ ghê gớm và lắm tiền, dân thường hiếm khi tới lượt.

Dì ruột của tôi cũng vậy. Dì rời Việt nam hơn một năm mà ở Đức mẹ tôi vẫn không có tin của dì, chưa đón được dì. Dì biệt vô âm tín khiến cả gia đình nghĩ dì đã thiệt mạng nên cùng họp lại, bàn bạc và chia ba người con của dì ra để nuôi. May mắn thay chưa kịp chia xong thì nhận được tin dì tôi bị đi tù ở Ba Lan đã hơn một năm nay. Sau cùng, sau gần hai năm dì được thả ra và sang được nước Đức.

Mãi tới vài năm trở lại đây, đường bay thẳng vào khu vực Schengen của Châu Âu mới được mở rộng và ngày càng có nhiều hình thức đi hơn như sang du học nghề: điều dưỡng, nhà hàng khách sạn… thì độ rủi ro khi đi đường mới giảm đi ở mức tối thiểu.

Những năm đầu 2000, tôi gần như là người Quảng Bình duy nhất bay thẳng vào Đức và đi du học đại học. Và khu vực miền Trung cũng chẳng có được mấy người. Vì may mắn hơn người khác là có một khởi đầu tốt đẹp nên tôi rất trân trọng những con người kém may mắn hơn mình. Họ phải vất vả đánh đổi cả tính mạng để được đặt chân sang đây. Tôi chưa bao giờ gọi họ hoặc miệt thị họ bằng những từ ngữ như: ,,thằng tị nạn, con tị nạn, thằng/con bán thuốc…” mà trong tôi chỉ có người có nhân cách hay người mất tư cách, người tốt hay người xấu, người biết điều hay là người không biết điều, người lương thiện hay kẻ ác, người chăm chỉ hay kẻ lười biếng, người có lý tưởng, có khát vọng hay kẻ hèn nhát, an phận thủ thường… ?

Bởi tính cách, nhân cách mới làm nên một con người chứ không phải chiếc túi Hermes, Chanel, ngôi nhà hay chiếc xe người đó đi. Và vì chúng ta đang sống ở một đất nước tự do và nhân quyền, cho nên ta đánh giá một người qua năng lực, nhân cách sống, tính cách và cách đối nhân xử thế của con người đó.

Cuộc sống mưu sinh ở xứ người vốn đã vất vả, đặc biệt với những người đi đường lậu và sang đây không có giấy tờ. nên yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là điều nên làm bởi chúng ta đều là người Việt Nam máu đỏ, da vàng.