Những điều thú vị về ngọn tháp cao nhất Nhật Bản
Số thép để xây tháp truyền hình Tokyo Skytree tương đương trọng lượng 200 chiếc máy bay chở hàng.
Chắc hẳn các bạn sống ở Nhật ít nhất cũng một lần nghe đến tháp Tokyo Skytree (東京スカイツリー). Địa điểm này luôn nằm trong top các địa điểm không thể bỏ qua khi đến Tokyo. Các bạn có biết những điều thú vị về tháp truyền hình nổi tiếng này?
Tokyo Skytree là một tháp phát sóng cao nhất thế giới. Bắt đầu khởi công năm 2008, đến tháng 5 năm 2012, tháp chính thức khánh thành đi vào hoạt động. Với chiều cao 634m, Tokyo Skytree đã thay thế Canton Tower (Trung Quốc) trở thành tháp cao nhất thế giới. Và nó cũng là kiến trúc cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Burj Khalifa (Dubai).
Sau khi mở cửa năm 2012, Tokyo Skytree đã trở thành điểm đến được quan tâm hàng đầu ở thủ đô của Nhật Bản. Tọa lạc tại quận Sumida, tòa tháp cao 634 m là công trình cao nhất đất nước mặt trời mọc và đứng đầu trong số các tháp truyền hình cao nhất hành tinh.
Vì Tokyo có nhiều tòa nhà cao 200 m ở trung tâm nên việc xây dựng tháp truyền hình cao hơn 600 m để phục vụ cho việc truyền phát sóng trở nên cấp thiết.
Kế hoạch xây dựng công trình này bắt đầu từ tháng 2/2005 do công ty đường sắt Tobu làm chủ đầu tư, hãng kiến trúc Nikken Sekkei thiết kế chính. Để đối phó với vấn đề động đất thường xuyên xảy ra, họ áp dụng kỹ thuật xây dựng giống như ngôi chùa Horyuji ở cố đô Nara. Công trình 5 tầng này đã đứng vững hơn 1.300 năm với một cột trụ lõi chính giữa.
Các kỹ sư cũng thả bóng bay thời tiết lên độ cao 600 m để thu thập dữ liệu về tốc độ gió và nguy cơ xảy ra các xáo trộn tại độ cao đó. Thiết bị đo chấn động ở độ sâu 3 km được thiết lập để tìm hiểu dạng đất và các tình huống xảy ra nếu có động đất.
Theo thiết kế ban đầu, công trình sẽ cao 610 m. Tuy nhiên, để đảm bảo đây sẽ là tháp truyền hình cao nhất thế giới, con số 634 m được đưa ra. Kỷ lục Guinness đã đươc trao cho Tokyo Skytree vào ngày 17/11/2011 trong danh mục tòa tháp (không phải là tòa nhà) cao nhất thế giới. Thêm vào đó, con số 634 phát âm theo tiếng Nhật cổ là mu-sa-shi gợi tới tên tỉnh Musashi xa xưa phủ trên diện tích gồm cả Tokyo, tỉnh Saitama và một phần của tỉnh Kanagawa.
Tokyo Skytree được sơn màu trắng nổi trên nền trời xanh biếc của thủ đô. Khi sơn tháp, các kỹ sư đã thêm vào một chút sắc Aijiro – gam sáng nhất của màu xanh chàm truyền thống Nhật, giống như những món đồ men sứ trắng. Ban đêm, tháp được chiếu sáng nhiều màu với những chủ đề khác nhau.
Tokyo Skytree khánh thành sau gần 4 năm thi công, từ tháng 7/2008 tới 2/2012. Nếu đi bộ lên tháp, bạn sẽ phải leo 2.523 bậc thang. Khoảng 36.000 tấn thép đã được sử dụng để xây tháp, tương đương trọng lượng của 200 chiếc máy bay chở hàng Jumbo Jet. Diện tích của cả hai đài quan sát trên tháp có thể chứa 2.900 người. Nhiều buổi tiệc được tổ chức nơi đây mang đến không khí khác lạ giữa lưng chừng trời mây.
Tokyo Skytree mở cửa từ 8 tới 22h, thời gian đông khách nhất thường vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều. Giá vé lên tầng 350 là 2.060 yen (438.000 đồng), muốn lên tầng 450, bạn bỏ thêm 1.030 yen (220.000 đồng). Giá đồ uống từ 450 yen (khoảng 90.000 đồng). Nếu thời tiết đẹp, bạn có thể nhìn thấy đỉnh núi Phú Sĩ phía đường chân trời. Các màn hình dài hơn 5 m chụp cận cảnh các tòa nhà và địa điểm bên dưới cho phép du khách tương tác (phóng to, thu nhỏ, chọn mở thông tin chi tiết về lịch sử…).
Để khám phá toàn bộ Tokyo Skytree Town, bạn nên dành ít nhất một ngày để vừa ngắm cảnh, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu lịch sử và công nghệ. Tokyo Skytree nằm liên thông với trung tâm mua sắm Solamachi; khu Sumida Machidokora bán các sản phẩm thủ công truyền thống; Học viện Công nghệ Chiba, nơi trưng bày các công nghệ robot mới nhất; Sumida Aquarium – nhà của đàn chim cánh cụt và bảo tàng Postal. Bạn có thể đến đây bằng đường tàu điện tới ga Tokyo Skytree hoặc ga Oshiage. Ngoài ra, Skytree Shuttles Bus khởi hành từ nhiều điểm chính như ga Tokyo, Ueno-Asakusa Area, sân bay Handeda, Tokyo Disney Resort, ga Wakoshi, ga Asakadai và ga Shiki.
Hoài Nam/Vnexpress.net