Những người Hàn Quốc lo sợ Mỹ rút quân sau thượng đỉnh Trump – Kim

Nếu Trại Humphreys, một căn cứ quân sự khổng lồ tại Hàn Quốc, đóng cửa sau thượng đỉnh Mỹ – Triều, cửa hàng của Kim Chang-bae cũng sẽ phá sản.

Lính Mỹ đi qua khu mua sắm, ăn uống bên ngoài Trại Humphreys ở thành phố Pyeongtaek. Ảnh: AFP

Doanh thu cửa hàng chuyên bán đinh ốc, tua vít của ông Kim Chang-bae vẫn tăng đều hàng năm nhờ có Trại Humphreys, nằm cách thủ đô Seoul 60 km về phía nam, theo AFP.

Hơn 28.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc để sẵn sàng đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, theo thỏa thuận của liên minh an ninh Seoul-Washington sau khi chiến tranh liên Triều kết thúc bằng một hiệp ước đình chiến. Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội sắp diễn ra, có những nghi ngờ ngày càng gia tăng rằng hai bên sẽ nhất trí về các biện pháp phi hạt nhân hóa Triều Tiên và việc quân đội Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc có thể diễn ra sau đó.

Với những người Hàn Quốc mà nguồn sống phụ thuộc vào quân đội Mỹ như ông Kim Chang-bae, đó là một viễn cảnh đáng lo ngại. “Không có sự hiện diện của binh lính Mỹ, nhiều doanh nghiệp, trong đó cửa hàng của tôi, sẽ mất đi nguồn thu nhập chính”, ông nói. “Đó là một kịch bản ác mộng”.

Trại Humphreys, ở thành phố Pyeongtaek, là nơi đóng quân của hầu hết các binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc và là căn cứ quân sự ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ, rộng 14,7 km2, với 32.000 người sinh sống, gồm các binh sĩ và gia đình của họ.

Trại quân sự này cũng gồm một phi đội trực thăng Blackhawk và Apache, một sân chơi bowling, một sân golf 18 lỗ, nhiều trường học, nhà thờ và rạp chiếu phim.


Bà Choi Eun-hee tại nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ của mình bên ngoài Trại Humphreys ở Pyeongtaek. Ảnh: AFP

Hàng trăm nhà hàng và cửa hàng từ tiệm làm móng đến tiệm xăm đã mọc lên quanh căn cứ này. Theo dự án mở rộng, quy mô cuối cùng của Trại Humphreys sẽ tăng lên 43.000 người vào năm 2022.

“Tôi lo lắng rằng họ có thể rời khỏi đất nước này”, Choi Eun-hee, chủ một nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã tồn tại 10 năm nay, chỉ cách Trại Humphreys vài bước chân, nói. “Ít nhất 80% khách hàng của tôi là binh sĩ Mỹ”.

Tháng trước, bà Choi, 43 tuổi, đã tham dự một cuộc tuần hành cùng hàng chục người địa phương nhằm yêu cầu quân đội Mỹ ở lại. Các biểu ngữ “Phản đối Mỹ thì ra khỏi đây”, “Chúng tôi đi cùng nhau” được treo lên giữa những lá cờ Mỹ và Hàn Quốc.

Ông Kim, 57 tuổi, chủ tịch hội tiểu thương địa phương đại diện cho 230 chủ cửa hàng, cho biết những người Mỹ mặc quân phục đã trở thành một nét đặc trưng của thành phố.

Nếu chiến tranh liên Triều được tuyên bố chính thức kết thúc tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội và một hiệp ước hòa bình được ký kết, Bình Nhưỡng có thể tăng cường phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cố gắng dập tắt những lo ngại này. Hồi tháng một, ông cho hay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nói rằng việc tuyên bố kết thúc chiến tranh không liên quan gì đến lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc.

“Ông Kim Jong-un hiểu rằng vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Hàn Quốc và Mỹ”, ông Moon nói.


Các biểu ngữ “Phản đối Mỹ thì ra khỏi đây”, “Chúng tôi đi cùng nhau” được các tiểu thương giăng lên gần Trại Humphreys ở Pyeongtaek. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ông Kim Sung-han, giáo sư về quan hệ quốc tại đại học Hàn Quốc, nhận định rằng Seoul “không có lý do gì để tin” lời cam kết trên của Kim Jong-un.

“Triều Tiên dự kiến nói rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của nước này. Triều Tiên có thể tuyên bố chỉ có hòa bình thực sự khi quân đội Mỹ rời khỏi đây”, ông nói.

Tuy nhiên, kể cả khi không có hiệp ước hòa bình nào ở Hà Nội, cũng không có gì đảm bảo rằng quân đội Mỹ sẽ ở lại Hàn Quốc khi Tổng thống Trump đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Tuần trước, ông cho hay việc giảm lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc “không phải là một trong những vấn đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh” nhưng vẫn liên tục phàn nàn về chi phí đóng quân ở Hàn Quốc.

Hồi đầu tháng, Hàn Quốc đã đồng ý gánh thêm chi phí duy trì quân đội Mỹ ở nước này nhưng vì thỏa thuận mới chỉ có giá trị trong một năm, hai nước có thể sớm phải quay lại bàn đàm phán.

Song Wol-sook, 46 tuổi, chủ một tiệm làm móng tay, cho hay việc Mỹ rút quân sẽ khiến người Hàn Quốc cảm thấy bị cô lập và cô đơn ngay tại thành phố của họ, với một tương lai ảm đạm.

“Điều đó sẽ khiến khá nhiều cửa hàng phá sản, trong đó có tôi”, bà nói.

Theo: vnexpress.net