Những người Việt “bị” về nước và cái giá “được” ở lại Đức

Trở lại Đức sau hơn 20 năm thực sự hồi hộp. Tôi cũng tự đoán trước rằng, nước Đức cũng không thay đổi nhiều lắm, đặc biệt vùng Tây Đức cũ, quả là như vậy.

 

Các thành phố phía Tây Đức không thay đổi nhiều, còn phía Đông Đức thì nhà cửa mới và đẹp hơn nhiều thay cho các khối nhà Bê-Tông đậm chất DDR. Hiếm thấy loại xe Trabi, Wartburg cũ kỹ nhếch nhác hồi mới thống nhất.

Người dân Đông Đức có cuộc sống chắc chắn khá hơn trước nhiều.

Lần này trở lại Đức cùng con gái lớn, chẳng rõ nguyên do gì tới quá khứ của Tôi, một người “bị về nước” trong thời điểm khó khăn nhất 1993-1998 mà con gái tôi được nhận vào học về ngành Sinh học (Biologie).

Một ngành mà cháu yêu thích từ nhỏ.

 

Cháu cũng biết ít nhiều về những tháng ngày lưu lạc của Bố Mẹ, nhưng có lẽ cháu không thể nào hình dung thời điểm ấy tôi cùng rất nhiều người Việt cùng trang lứa vượt rừng lội suối đi thâu đêm từ Tiệp, qua “cửa” Zittau-Liberec vào Đông Đức cũ.

Thời ấy ở Tiệp Khắc cũ, chúng tôi sang đó kẻ là Sinh Viên, đứa làm Học sinh học nghề đã oai lắm, còn đa phần là Công Nhân trong các nhà máy lương khoảng 2000 Korúna, Làm ca-kíp bụi bặm, vất vả.

Người Việt ta trải khắp nơi từ Košice của Slovakia đến Chomotow trên vùng Czech.
Ở Nhà máy dệt MDŽ – Bratislava của tôi, nơi có hơn 500 cô gái Việt, khu nhà ở đậm chất “ký túc xá” toàn nữ, ra vào bị kiểm tra. Nhưng chúng tôi sống vui vẻ và ai cũng bằng lòng với cuộc sống bằng các cuộc vui, liên hoan cuối tuần.

Đông Đức xụp đổ, Tiệp Khắc biểu tình sôi xục, chúng tôi cũng lo ngại và hoang mang việc phải về Việt Nam sớm hơn dự định. Cũng chẳng phải chúng tôi “chống Cộng” hay “đòi hỏi Tự Do dân chủ” cho Việt Nam, mà đa phần họ cũng như tôi: mình phải ra đi tiếp, cố tự lo cho mình, chứ về Việt Nam làm gì ra tiền, làm gì có việc làm…
Một số người đã vượt biên và xin Tỵ Nạn tại Đức, Áo quay lại chơi kể:
“ở trại họ cấp hơn 400 D-Mark (tương đương 2 tháng lương tại Tiệp Khắc) , gửi cho gia đình 100 D-Mark vẫn thoải mái sống.”

Ấy thế là chúng tôi đã ra đi…

Trở lại Đức lần này sau hơn 20 năm
Nhìn cảnh đoàn người Ty nạn Syria, Iraq, Afghanistan… chen chúc nhau, nằm la liệt tại các nhà Thể thao của trường học, tôi lại thấy hình ảnh mình trong đoàn người trong trại tiếp nhận ở Hannover, Bad-Lauterberg, Bad Salzdetfurth và ngôi nhà lợp mái Tôn, nóng như lửa ở Salzgitter năm 1990-1991.

 

Nhà văn Việt kiều Đức là Nguyễn Văn Thọ có viết cuốn tiểu thuyết “Quyên” có dựng thành phim, nhưng trong truyện thực tế hơn nhiều so với cái cảnh cô “Quyên” trong Phim luôn mặc váy và….lững thững bước nhẹ nhàng.

Trong trại chúng tôi có nhiều đoàn Ty nạn từ Liên xô sang, rất nhiều cô gái trẻ, nghe nói bị bọn “đưa người” giữ lại vài tuần ở gần biên giới Czech mới đưa sang.

Mấy chị lớn tuổi thì thầm: “Con H ấy vừa phải nhờ phiên dịch đưa đi nạo thai đấy, rõ tội.”

Những gương mặt dại phờ, đượm buồn như mất hồn của mấy cô gái ở trại Nhập cư tôi còn nhớ rõ.

Hồi trong trại tôi rất quý một gia đình nhỏ. Họ là người Hà Nội gốc (ít nhất cũng vài đời và Sinh trưởng ở Hà Nội). Anh chị lấy nhau vì tình yêu thời bao cấp, Chị làm một trong bốn nghề “Oách nhất” thời Bao câp: “Nhân viên cửa hàng mậu dịch”.

Rời chiến trường Campuchia, Anh sang Đông Âu cũ xuất khẩu lao động, chị vợ ở nhà vài năm mới vỡ lở Anh có bồ bên đó. Họ không bỏ nhau, chị chấp nhận nén nỗi đau riêng, bán căn nhà mặt đường phố cổ để cùng anh trốn sang Đức xin Tỵ nạn.

Nghe nói căn nhà ấy bây giờ ngót nghét 20 tỉ đồng, một số tiền khá lớn.

Gặp lại người bạn cũ ở München cho xem ảnh Chị và cháu gái, con gái chị sau hơn 20 năm, tôi lặng người, miệng đắng ngắt.

Cháu đã có chồng, 26 tuổi mới học xong Nghề trợ lý, cháu đã có đứa con trai lai chắc 4-5 tuổi, có lẽ việc học hành không suôn sẻ.

Nhớ lời chị tâm sự hồi trong trại:
“Chị là đàn bà, lấy chồng thì theo chồng, chỉ muốn gần chồng con, sau này con cái Chị có điều kiện học hành.”
Giờ đây nhìn ánh mắt đượm buồn của Chị và đứa con gái bên người chồng Tây xăm trổ, nhớ tới nụ cười rạng rỡ của đứa bé gái trong tấm ảnh mà tôi còn đây, khi chụp chung với cháu hồi trong Trại Tỵ nạn…lòng tôi nặng trĩu, ngột ngạt, khó thở.

Chị sang Đức ngần ấy năm, không học tiếng Đức, chưa đi làm nếu có chỉ là Aushilfe (làm thêm, không phải trả thuế, giới hạn khoảng 500€/tháng).

Mấy người bạn cũ cho hay:
“Chị bây giờ già trước tuổi, hình như lẩn thẩn, hay nói chuyện một mình, Cha Mẹ Anh Em bên Việt Nam không còn ai, chị chẳng biết về làm gì, con gái chị chỉ nói được vài từ Tiếng Việt.”

Nghe nói Người chồng cũ của Chị bị về Việt Nam vì buôn thuốc lá lậu, cũng gần 60 tuổi, buôn bán lặt vặt, luôn lên facebook hẹn nhau “quẩy”, khoe cảnh hát hò karaoke và khen cô vợ mới cưới rất trẻ là “tình yêu thực sự”, là” sự lựa chọn đúng nhất”.

Mình trộm nghĩ, khi lời khen đậm màu nịnh đầm, đượm mùi tiểu thuyết…đều tiềm ẩn điều gì đó không chân thật.

Những người Việt “bị” về nước

 

Thời ấy, trong đợt trục xuất ấy có tôi và nhiều người khác, đa phần độc thân, chưa có việc làm.
Nhiều người than thở vận đen, không may mắn, không tìm được ai “có giấy tờ” để cưới. Cũng có người sang vùng Đông Đức cũ bán thuốc lá bị bắt, nên bị trục xuất ngay.

Tôi thì đơn giản, chúng tôi từ bên Tiệp sang, chưa cưới hỏi nên chỉ là những “người độc thân” đối với chính quyền Đức. Chúng tôi cũng không có lựa chọn khác vì tiền, vì chia đàn xẻ nghé nên chấp nhận sự trở về.

Những người quen cũ và mới của Tôi sau nay có khá nhiều người thành công tại quê nhà.
Họ lập Cty xây dựng, Sản xuất nhựa, mở Đại lý Hàng nhập khẩu hay mở Nhà hàng. Gặp nhau vẫn ánh nên sự tươi rói trên khuôn mặt.

Cũng có người về vất vả mưu sinh hàng ngày, họ cũng ít gặp và giao lưu với bạn bè cũ.

Mặc dù chúng tôi biết ở quê nhà còn nhiều thứ không thể bằng bên Đức như: Giáo dục, Y tế, Giao thông….Nhưng hầu như chúng tôi hài lòng về cuộc sống tại Quê nhà.

Nhưng thực sự thì đa số người Việt tại quê nhà có cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều, so với thời Bao cấp.

Cái giá của “được” ở lại Đức
Đưa con gái sang Đức học vào dịp Tết Việt Nam, nghe nói Hội Người Việt bên này nhiều lắm, nguyên “Hội Đồng hương” tới hàng chục, Liên hiệp Người Việt được chính phủ Việt Nam công nhận thì nhiều chuyện đằng sau tranh giành đấu đá gì đó nên cộng đồng ít quan tâm.

Sang phía Tây Đức cũ vẫn tồn tại 2 Hội người Việt “chống Cộng” và “thân Cộng”.

Chẳng hiểu sao Tôi thấy sau 40 năm hòa bình trên đất Việt mà vẫn còn khái niệm “người việt Tỵ Nạn Tây Đức”, rất nhiều người “Việt kiều cũ” thế hệ trước khi Đông Âu sụp đổ vẫn còn phát biểu:

“Chúng ta tưởng nhớ tới đồng bào Việt Nam trong nước đang bị đói khổ đàn áp, họ phải sống trong lầm than vì thiếu tự do dân chủ…”
Tôi thầm nghĩ:
“Chắc chắn Bạn không cập nhật thông tin…sau gần nửa thế kỷ rồi và sự Hội nhập ở Đức của Bạn chắc cũng vậy!”

Công bằng mà nghĩ, ở đâu cùng còn khó khăn, vất vả, người nghèo khó, bất công xã hội kể cả ở Đức.

Nỗi buồn của người nhận Trợ cấp xã hội Hartz IV khi bị Nhân viên JobCenter “hành” có lẽ không khác người dân bên Việt Nam bị “hành” khi ra chính quyền, nhưng cảnh vài tháng lại bị JobCenter lôi ra “hoạnh họe” mà không bày tỏ bằng tiếng Đức thì có thể gọi là nỗi đau khôn tả.

Thời của chúng tôi đều chưa rõ việc sẽ được về hay ở bởi 99,99% người Việt đặt đơn xin tị nạn đều “hưởng” cái giấy phép Tạm dung (Duldung) 3 tháng 1 lần gia hạn.

Việc làm thì riêng tiểu bang Niedersachsen lại càng khó, do vậy đa phần ít ai để ý tới việc học tiếng Đức để ra đi làm.

Bẵng đi một thời gian dù được ở lại Đức nhiều người mải mê đi làm (là điều kiện mà chính phủ Đức cho họ ở lại) nên việc học tiếng Đức, hội nhập xã hội Đức bị giậm chân tại chỗ.

Một người Bạn cũ “ở lại”
Cũng mừng khi gặp lại cậu Bạn cũ đồng hương Hà Nội trong trại Tỵ Nạn ở Hannover hồi năm 1990. Còn nhớ mãi cảnh cậu bạn gầy gò chụp tai nghe bên cái máy Sony Walkman để nghe đọc tiếng Đức trong khi cả trại “nghiền” phim bộ dài tập và cuối tuần đợi Anh Việt kiều chở Mì tôm, nước mắm và Phim bộ tiếp tế cho cư dân trong trại.

Vâng, tôi mừng và hãnh diện cho người Bạn cũ được ở lại của mình đã toại nguyện và thành công. Anh đang làm Kỹ sư trưởng trong nghành Tin học/Truyền thông.

Cháu gái lớn hồi trong trại Nhập cư cùng bố còn bé xíu, giờ cháu đã là Bác Sĩ Răng ở phía Tây Đức, cháu nói và viết tiếng Việt rất tốt.

Từ khi còn là Sinh viên Y Khoa, năm nào cháu cũng về Việt Nam tham gia hoạt động nhân đạo trong Bệnh viện, cơ sở Y tế.

Những người Bạn cũ cùng thế hệ và Người Việt ở Đông Đức cũ
Sang phía Đông Đức cũ, Tôi cũng mừng khi nhìn thấy đoàn người ta biểu tình trước Sứ Quán Trung Quốc. Họ mưu sinh trên đất khách nhưng vẫn hướng về Quê Hương, về Biển đảo đang bị Trung cộng lăm le độc chiếm.

Các hội đoàn hoạt động riêng rẽ, chưa thể nói giúp đỡ Cộng đồng nhập hội khi mà việc đơn giản về thông tin, tư vấn cho Đồng bào mới đến Đức còn không có.

Khá nhiều Bạn cũ của chúng tôi được ở lại Đức, họ cũng vất vả mưu sinh và nhập hội. Việc này tôi có nghe và đọc khá nhiều, tôi nhận thấy thực tế còn khá xa.

Sau khi nước Đức thống nhất, khá nhiều người hợp tác Lao động nhận một khoản hỗ trợ để về nước. Số còn lại vật lộn mưu sinh với đủ nghề bán rau quả, hoa tươi, quần áo hàng chợ rẻ tiền…
Nhiều nhà máy, công xưởng của Đông Đức phá sản, rất hiếm người kiếm được việc làm ổn định. Sau một thời gian cũng khá nhiều người có đời sống khá giả do buôn bán kinh doanh Nhà hàng may mắn.

Việc Hội nhập Xã hội Đức khó có thể nói thành công nếu ít nói tiếng Đức và ngày làm tới 18 giờ trong Tiệm Imbiss như một phóng sự về Người Việt ở Berlin tôi đã xem.

Nhiều người quen cũ than thở:

“Con cái chúng ít nói tiếng việt, hầu như không quan tâm tới Gia Đình, rồi mình đi làm cố lo cho chúng bằng bạn bè….”.

Nhưng thực tế nhiều gia đinh Bố mẹ chỉ làm việc thu nhập trung bình nhưng mua “”, Iphone cho con, và mình thì “cần cái xe ô tô xịn …cho người Đức họ nhìn vào”.

Họ không biết đấy thôi, người Việt ta hay thích khoe mẽ bề ngoài, để mong che lấp những thứ kém cỏi về văn hóa và nhận thức.

Hội nhập đâu phải chỉ hoạt động Cộng đồng
Các chính trị gia Đức lo lắng việc người nước ngoài sống tập chung, ngại học tiếng Đức, trong gia đình chỉ nói một thứ tiếng và sống bao bao bọc trong một cồng đồng toàn người đồng hương. Đây chính là dự luật mới về phân bổ người tị nạn, chống hình thành các khu Ghetto mới trên đất Đức.

Hẳn người Đức họ có cách nhìn xa trông rộng, hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống tương lai lâu dài trên quê hương thứ Hai này, không thể sống túm tụm và nói tiếng mẹ đẻ thì chưa chuẩn, tiếng Đức thì pha trộn mặc dù sinh ra ở Đức.

Đến các quận Neu-Kölln, Berlin nơi mà kỷ lục tỉ lệ dân ngoại quốc ở Đức tới 23%, số người Việt ta cũng sống đây cũng khoảng 7800 người. Bạn sẽ thấy cảm giác như đang không phải là nước Đức.

Tôi chắc rằng, những đứa trẻ ngoại quốc ở đây nói tiếng Đức đặc sệt âm Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ gặp khó khăn thế nào để nhập hội, học nghề hay đi làm trên đất Đức.

Tôi cũng chẳng thấy vui khi trên mạng người Việt ta khoe sẽ “thống trị nghành Neo(Nails)” ở Đức, bởi vừa đây xong, trong khi chờ đợi Check-In, một Anh Chồng Đức có vợ Việt cùng chuyến bay nhếch mép hỏi tôi giọng địa phương sächsisch (vùng Sachsen-Anhalt):

“Kosmetik, Nails ô tò (oder) Imbiss? – nhà Anh/Chị làm Nails hay bán đồ ăn nhanh?”.

Tôi chỉ nhẹ nhàng nhún vai đáp lại:

“Keiner der oben genannten! – thưa không, tôi làm công việc khác!”.

Bởi tôi nghĩ tới những câu chuyện đàm tiếu, sáo ngữ (tiếng Đức: Klischee), có ý không thiện cảm như:

Ra mua rau quả và xe ô tô cũ là gặp người Thổ
dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng là người da đen
lau dọn phòng Khách sạn là gặp người Ba Lan, Đông Âu…
Làm việc gì mà kế mưu sinh của họ không thể là điều căn bản đánh giá con người, càng không thể khi một nghề nào đó để “nhận dạng” một dân tộc.

Máy bay cất cách, nhìn nước Đức xa dần với làng mạc, thành phố về đêm khác hẳn cảm giác trong chuyến bay “bị về” của chúng tôi năm nào.

Nhớ cô con gái bé nhỏ của tôi đang một mình, một cuộc đời Du học mới, với vốn Tiếng Đức tạm đủ.

Tôi không biết là Cháu sẽ “bị về” hay “được ở” như thế hệ cha mẹ cháu năm nào.

Nhớ những người bạn cũ còn lại ở Đức với câu chuyện vui buồn của họ, lòng tôi lại nặng trĩu, mênh mang.

Tôi cũng mong cho những người đồng hương được ở lại của tôi, có một cuộc sống đúng nghĩa “Đi Tây sống sướng như Tây”.

Tôi cầu mong cho họ có cuộc sống thực sự hòa nhập trên quê hương thứ Hai của mình, đủ tiếng Đức, kiến thức xã hội và việc làm, để không phải sống trong cô đơn, buồn tẻ nơi đất khách.

Khi người đi kẻ ở
Sự về hay ở vẫn chỉ là một bước ngoặt cuộc đời.

Nhưng tôi tin, ai cũng có cơ hội và sự thành công phải đến bằng sự cố gắng của chính mình, chứ không phải hoàn toàn do hoàn cảnh về Địa lý hay Xã hội.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của Tác giả hiện đang sống ở Hà Nội và gửi riêng cho báo điện tử TINTUCVIETDUC
Xin cám ơn Chị và Chúc chị thượng lộ bình an. Chúc cháu gái của chị ở lại Đức học tốt, Tự tin và Thành công.

 

© Trần Thu Hương – Báo TINTUCVIETDUC