Nỗi lòng xa xứ: ‘Nỗi nhớ cùng lắm chỉ một đời người…’
Với những người ở nhà, Tết ùa về khi đất trời nồng lên mùi lá dong, rau mùi già, đỗ xanh nấu chè kho, phố phường rực rỡ hoa dơn, thược dược, violet… Còn với người Việt tha hương, dư vị Tết Việt nằm trong hoài niệm của những ngày cách đây 10-30 năm…
Vũ Văn Ngôn (Việt kiều tại Tver, Nga): Hai tiếng “Quê hương” lúc nào cũng chất chứa trong lòng
Năm nay là Tết thứ 31 tôi xa Việt Nam, cái Tết đánh dấu nửa đời người tha hương nơi xứ người. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình, nhớ người thân và nhất là nhớ hương vị Tết cổ truyền của dân tộc trỗi dậy.
Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở làng quê vùng ven biển thuộc tỉnh Nam Định. Làng tôi có thể nói là vùng đất địa linh nhân kiệt. Làng tôi xưa là ấp Hưng Lộc, thuộc xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định. Với tôi, Tết Âm lịch – Tết Nguyên đán là cái Tết có đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn Tết đoàn viên. Ai sinh ra cũng có một gia đình, có một quê hương. Nơi ấy chúng ta cất tiếng khóc chào đời, với bao kỉ niệm tuổi thơ, với bao vui buồn cùng những ước mơ cháy bỏng. Đến khi trưởng thành rồi, như những cánh chim rời xa tổ ấm, bao người con tung bay khắp bốn phương trời… Hai tiếng “Quê hương” lúc nào cũng chất chứa trong lòng.
Tôi nhớ lắm thời thơ ấu ở quê, được sống trong tình thương của cha mẹ, gia đình cùng bà con họ hàng lối xóm thuần Việt. Ngày đó, mỗi lần cận kề Tết nguyên đán tôi thích lắm. Tôi là con út trong gia đình nên hay được cha mẹ ưu ái, được mẹ mua cho bộ quần áo mới. Đứa trẻ nào cũng háo hức chờ đợi đến đêm Giao thừa, sáng mùng Một, được mặc áo mới tung tăng khắp xóm, được lì xì mừng tuổi. Trẻ con chúng tôi sung sướng chờ Tết, trong khi mẹ tôi cứ chạy đôn chạy đáo lo đủ thứ.
Ôi nhớ làm sao cái không khí chuẩn bị đón Xuân, khi những tờ lịch cuối cùng của năm được gỡ dần xuống. Tết là lúc mẹ tôi cùng các anh chị rủ nhau đi sắm cành đào, kiểng quất, là khi những bánh pháo được treo lên cành đào, mọi người quây quần bên nhau gói bánh chưng… Người già thì ngồi nhìn ra cửa đón người thân từ khắp các miền tổ quốc, từ nước ngoài về sum họp, họ quây quần bên nhau bên ấm trà nóng đượm tình quê. Những câu chuyện râm ran không ngớt… Tết làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Vào dịp Tết, mọi người có thể rũ bỏ tất cả những ưu tư phiền muộn, nhọc nhằn, bon chen để sống trong yên bình thực sự.
Ngày xưa, cứ dịp đầu năm, mẹ thường phân công tôi mang lễ sang nhà ngoại. Nhà ngoại cách nhà tôi khoảng 4km. Tôi thường đi bộ tắt qua cánh đồng, vừa đi vừa tung tăng chân sáo, đi trong tiết trời lất phất mưa phùn, những hạt mưa nhỏ li ti không đủ ướt đầu ướt áo. Khi xa rồi tôi mới cảm nhận, cái thứ mưa Xuân miền Bắc sao mà da diết, thân thương lạ kỳ.
Cứ đến Tết Nguyên đán, nỗi nhớ nhà trong tôi lại quay quắt. Quê hương – nơi ấy có biết bao nhiêu ký ức, những hình ảnh thân thương của gia đình, bạn bè, những mối tình thơ ngây vụng về tuổi học trò. Tất cả như cuốn phim hiện về mỗi dịp đầu Xuân… Tuổi trẻ đi qua thật nhanh. Tôi đã rời quê 31 năm. Sống ở xứ sở lạnh giá quanh năm, có những mùa Đông lạnh hơn 30 độ âm, nhưng, cái lạnh đó với tôi không “thấm” gì với cái lạnh trong lòng khi thiếu vắng tình cảm gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè ở quê nhà.
Ở Nga, khi nhớ về quê hương, chúng tôi thường cùng nhau tổ chức đón Xuân theo tục lệ tết cổ truyền Việt Nam. Nơi tôi sống là thành phố Kalinin, cách Thủ đô Matxcova 170km. Chúng tôi đi tàu đến Matxcova cũng chỉ mất 2 tiếng ngồi tàu điện nên việc mua sắm đồ Việt chẳng khó khăn gì. Đêm Giao thừa chúng tôi tổ chức vui chơi ca hát và chúc tụng nhau tại cung văn hóa của nhà máy sợi hóa mà ngày trước có rất nhiều người Việt sang lao động hợp tác tại đây. Ba ngày Tết chúng tôi tự gọi bánh chưng. Không có cành đào thì chặt cành táo hoặc cành mận rồi về lấy giấy màu cắt hoa gắn vào… Cảnh có thể tạo được, nhưng làm sao có thể thay thế được cảm giác trầm mình giữa quê hương, hít căng lồng ngực tiết trời Xuân thiêng liêng như 31 năm về trước!
Phạm Quang Huy (Việt kiều tại Tver, Nga): Nỗi nhớ quê cồn lên trong mùi hương khói đêm 30
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa lại ùa về trong tâm trí những người con Thủ đô xa xứ như chúng tôi. Nhớ lại những cái Tết năm xưa mà bồi hồi cảm xúc.
Hồi ấy, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau vào tận Bình Đà, Thanh Oai mua thuốc nổ về làm pháo. Cả nhà ai cũng bận rộn với nhiệm vụ của mình. Bố lo sắp xếp dọn dẹp ban thờ và bày biện mâm ngũ quả, mẹ lo ngâm gạo đãi đỗ cho nồi bánh chưng xanh, và nồi chè kho.
Đã mấy chục năm trôi qua, nay tôi lấy vợ Nga, sinh sống trên xứ sở bạch dương tuyết trắng, đảm đương vai trò trụ cột gia đình. Nhưng năm nào vợ chồng tôi cũng sửa soạn đón Tết Nguyên đán để hai con gái hiểu phong tục truyền thống Việt Nam.
Ở Nga, trước Tết khoảng chục ngày, các gia đình người Việt tại thành phố Tver góp tiền cử người đi Matxcơva mua thực phẩm Việt về đón Tết. Bên này đầy đủ gia vị chẳng kém quê nhà, cũng lá dong gói bánh chưng xanh, cũng bóng bì, nấm hương, mộc nhĩ, cũng nước mắm, mì chính, gạo nếp, đỗ xanh… Chuyến xe chở hàng Tết “cập bến” lúc nào cũng tưng bừng, ai cũng phấn khởi vì “đêm nay được tụ tập để gói một nồi to bánh chưng”. Khoảnh khắc đợi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp, các bà các mẹ có tiết mục karaoke, mấy ông chồng có “chầu” tá lả thâu đêm không phải xin phép… vợ.
Hà Nội những ngày tháng Chạp này chắc phố phường đã nhộn nhịp người mua sắm, những người tha hương bên Nga chỉ quây quần sum họp với nhau bởi người Nga sau dịp nghỉ Tết dương đang vào guồng làm việc. Nhiều người Nga xung quanh tôi biết sắp đến Tết của người Á Đông, họ thi thoảng hỏi han chúc Tết khiến tôi bâng khuâng… Xuân ở quê “nở hoa” trong lòng người xa xứ.
Thiêng liêng nhất là đêm 30, bàn thờ nhà tôi đầy đủ mầm ngũ quả, chỉ khác chai Russky Standard được thay cho chai Lúa Mới trong ký ức ngày xưa. Tuy nhà tôi “nửa tây nửa ta” nhưng các con vẫn được giáo dục hướng về cội nguồn. Đêm 30 bố làm chủ tế, các con cũng phải quỳ lạy tổ tiên tạ ơn sinh thành và mong các cụ phù hộ độ trì cho năm mới. Mùi hương khói hòa quyện trong đêm làm tôi lại thấy bùi ngùi nhớ xuân xưa. Tiếc rằng chưa có điều kiện cho các con về quê nhà vào dịp Tết cổ truyền để các con cảm nhận được tình cảm yêu thương gia đình, làng xóm và bạn bè mỗi dịp tết đến xuân về.
Hạnh Phan (Việt kiều tại Lübben, Đức): Nửa đời người đón Tết “trắng”…
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhìn cặp bánh chưng vuông vức, nhìn chảo mứt dừa trắng xốp trên bếp đang già lửa… lúc nào tôi cũng thấy Tết ùa về. Nửa đời người tha hương nơi đất khách quê người, tôi thường đón Tết “trắng”, Tết tha hương, không có hương vị đặc trưng của không khí truyền thống Việt Nam, đôi khi thấy mình đánh rơi điều gì đó rất thiêng liêng…
Nhớ năm xưa, khi tôi còn là cô bé 18 tuổi, ngu ngơ, lần đầu tiên xa nhà, nước mắt lưng tròng khi Tết đến, tôi nhớ bố mẹ, nhớ em, nhớ người bạn đầu đời, nhớ nồi bánh chưng nghi ngút khói, nhớ đào quất rộn ràng… Những cái Tết đầu tiên xa xứ chìm trong nước mắt. 30 năm sau, dù đã quen với nhịp sống ở Đức, nỗi nhớ nghẹn ngào ấy vẫn không thôi khiến tôi khắc khoải khi Tết về.
Trước đây, khi còn thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, Tết của người Việt ở Đức chỉ là những buổi họp mặt, liên hoan “cây nhà lá vườn”, chẳng có bánh chưng, chẳng có giò chả… chỉ có cánh hoa đào từ những bàn tay khéo léo cắt tỉa, chỉ có những giọt nước mắt nhớ nhung khắc khoải.
Thời gian trôi đi, thời cuộc thay đổi, Tết giờ đã đủ đầy nhưng vẫn không phải là Tết cổ truyền đúng nghĩa, thiếu hương vị Tết, thiếu nụ cười Xuân, thiếu nhiều những mong chờ háo hức ngày đoàn viên, chỉ nỗi nhớ nhà khắc khoải…
Ai đó vô tình hỏi, xa quê, xa xứ lâu thế có còn nhớ, còn mong Tết cổ truyền Việt Nam không, tôi thường cười và nói: “Không nhớ, không mong nhiều đâu… Cùng lắm chỉ gần hết một đời người…”.
Hồng Hạnh (Việt kiều ở Peine, Đức): Dù đi trăm nẻo, ngàn nơi/Vẫn yêu đào thắm, nhớ mùi bánh chưng…
Bao năm đón Tết xa nhà
Hỏi rằng nơi ấy rất xa thế nào?
Xưa: Cũng măng miến, giò xào
Nem tươi, nem rán nhưng mà chỉ xôi
Không lá gói bánh ai ơi
Pháo tràng, mứt Tết một thời trong mơ
Nhớ về quê mẹ có hoa
Lay ơn, Violet, đào ta, quất vàng
Mồng một lũ trẻ gắng ngoan
Sợ dông năm mới cả làng chỉn chu
Cũng việc quét nhà thư thư
Lộc Tài lưu giữ cho vừa quanh năm
Qua bao chìm nổi lênh đênh
Nay đời sống đã bớt ghềnh, ấm no
Tư bản thị trường tự do
Lá dong gói bánh, lạt khô, mứt, trà
Của ngon, vật lạ quê nhà
Cũng nhờ có cái Visa du hành
Bưởi, bòng với đào Nhật tân
Chờ người khá giả khỏi cần tìm xa
Hội đoàn tổ chức hát ca
Chung vui đón tết mọi nhà hân hoan
Nhiều anh có mẽ giàu sang
Đốt tràng pháo bánh cả làng cùng nghe
Nghi lễ Tết cũng lê thê
Đầy đủ bản sắc, tứ bề đổi thay
Những người điều kiện khá thay
Bay về ăn Tết tại ngay quê nhà
Ai mà vướng bận việc gia
Hướng con nghi thức Tết ta thế nào
Tết nào cũng có mâm cao
Tết nào cũng áo, váy sao đẹp người
Tết ta lấy lệ vui chơi
Ôn lại truyền thống một thời đã qua
Nhập gia tùy tục mở mang
Tết tây mới thực hành trang đời mình
Cũng vì cuộc sống mưu sinh
Nhập gia xa thẳm cái tình chẳng quên
Những gì đẹp đẽ, bình yên
Ta nên trân quí lưu truyền cho nhau
Mong rằng con cháu mai sau
Vẫn hay vẫn biết thế nào Tết ta
Mang dòng máu Việt vàng da
Một năm ta đón Tết ta, Tết người
Dù đi trăm nẻo, ngàn nơi
Vẫn yêu đào thắm, nhớ mùi bánh chưng.
Minh Châu (ghi)