Nữ du học sinh và nỗi sợ mùa dịch Covid-19: Những sinh viên nghèo và học sinh quốc tế không có tiền để về nhà thì sao?
“Tôi đang sống trong giấc mơ thuở bé của mình là được đi du học. Thế nên tôi không muốn mình suy nghĩ quá nhiều tiêu cực. Dẫu sao, tiền học phí của tôi gấp 3 lần sinh viên bản xứ, tôi cũng phải học cho tử tế”.
Vào ngày 13/3 (giờ Mỹ), tổng thống Donald Trump chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngay sau quyết định đó, người ta thấy được một nước Mỹ vô cùng “hỗn loạn” khi hàng nghìn người dân đổ xô vào siêu thị tranh giành nhau mua hết nhu yếu phẩm.
Hàng loạt trường đại học cũng đã buộc phải tuyên bố đóng cửa, chuyển sang học online và yêu cầu sinh viên rời khỏi kí túc xá. Sinh viên dần trở nên giận dữ khi việc học không được đảm bảo và mong muốn nhà trường giảm tiền học phí hay có biện pháp thích hợp khác. Nhiều bạn du học sinh cũng mong muốn được trở về, nhưng hẳn nhiên không phải ai cũng có điều kiện quay trở lại quê hương.
Mới đây, nữ sinh Hồ Vũ Yến Linh (sinh viên trường University of Connecticut, Mỹ) đã viết tâm thư chia sẻ về nỗi trăn trở của du học sinh khi ở lại giữa mùa đại dịch. Cô bạn quan sát những sinh viên xung quanh và nhận ra điều đáng sợ là họ ngày càng tiêu cực và quá lo lắng cho số phận của mình. Hơn ai hết, Yến Linh thấu hiểu nỗi lo sợ đó nhưng nữ sinh mong các bạn sinh viên nơi đây cùng đồng lòng chống dịch và tin tưởng vào tương lai mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.
Nguyên văn đoạn chia sẻ của Yến Linh như sau:
Khi tổ chức WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, hệ thống giáo dục Mỹ lần lượt cho phép các trường đại học đóng cửa. Những trường đại học với nguồn quỹ lớn như Harvard và Yale công bố sẽ chuyển sang học online đến cuối học kì. Kể cả những trường nhỏ hơn cũng vậy. Riêng có trường tôi University of Connecticut, một trong những trường công lập top 25 của Mỹ và có đội bóng rổ hàng đầu thế giới, chỉ có một email rằng trường có thể đóng cửa, nghiên cứu khoa học vẫn sẽ diễn ra và sinh viên có thể phải rời kí túc xá. Tôi không trách họ, những người làm giáo dục hẳn cũng rất bối rối lúc này.
Nhưng toàn thể sinh viên trường tôi lại cực kì giận dỗi. Tôi hiểu họ. Họ có toàn quyền để lo lắng.
Suốt 2 ngày hôm nay, những người lạ mặt tôi gặp ở trên đường đến trường đều có một tiếng nói chung: Họ đều lo lắng về một con virus mà mắt con người chúng ta không hề thấy. Thay vì trấn an tinh thần của nhau, những người sinh viên ở Mỹ đều phàn nàn về rất nhiều vấn đề. Rằng trường tôi nên đóng cửa ngay lập tức, họ không hề muốn đi học. Họ hi vọng rằng bài kiểm tra ABCD sẽ được dời đi. Rằng nếu trường chúng tôi cho nghỉ, nhà trường phải hoàn lại học phí. Và cả câu hỏi khó khăn: Những sinh viên nghèo và học sinh quốc tế không có tiền để về nhà thì sao?
Mặc cho những bài toán để cân bằng giữa bảo vệ sinh viên khỏi dịch bệnh và học tập vẫn chưa có hồi kết, các bạn sinh viên năm cuối trở nên bối rối về việc tốt nghiệp và công việc. Mạng xã hội là cuộc bùng nổ của sự nổi giận, phóng đại cho một sự việc chưa có một tiếng nói nhất định. Hơn hết, ở nơi tôi đang học, chúng tôi chưa vượt qua cũng như giải quyết được việc trường tôi đã có 2 vụ tự tử vì trầm cảm từ giữa năm 2019 và một sự việc phân biệt chủng tộc nổi tiếng đến nỗi lên báo quốc gia. Tôi khó mà tập trung làm việc khi không khí xung quanh tôi đều trùng xuống.
Lúc đó, tôi nghĩ ngay đến những người đang thèm khát vị trí của tôi đó là tôi được đi học. Tôi còn đang sống trong giấc mơ thuở bé của mình là được đi du học. Thế nên tôi không muốn mình suy nghĩ quá nhiều tiêu cực. Trong lúc quẫn túng giữa sức khoẻ, thành tích, vấn đề dịch chuyển, tôi mong các bạn của tôi có thể kiên nhẫn chờ đợi và vẫn tiếp tục cuộc sống thường ngày của sinh viên. Đồng thời, tôi cũng ước trường tôi có thể lên kế hoạch tiếp tục được học và được nghiên cứu dù là từ xa. Dẫu sao, tiền học phí của tôi gấp 3 lần sinh viên bản xứ, tôi cũng phải học cho tử tế.
Giáo sư đứng lớp của chúng tôi chia sẻ: “Tôi biết các em đang rất sợ hãi và lo lắng về tương lai của mình. Nhưng trong những trường hợp mà các em không thể kiểm soát, việc cuối cùng các em có thể làm đó là không được phép sợ hãi và kéo người khác sợ hãi theo. Tôi khuyên các em phải luôn cố gắng trong phạm vi của mình kể cả có bất biến.” Kết thúc lớp học, giáo sư nói :”Dù đây có thể là lớp học cuối cùng trong học kì này của chúng ta với nhau. Tôi chúc các em sức khỏe và phải luôn tích cực.”.
Cuối ngày hôm qua, tôi tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ tại nơi mình ở với các bạn người Việt ở trường. Lúc ra về, đứa sắp về nước lại giỡn: “Gặp mày ở trạm cách li ở Củ Chi”, đứa ở lại thì nói: “Ba mẹ em sắp gửi khẩu trang từ Sài Gòn sang và không cho em bán. Các anh chị đợi hàng tới nhé!”
Tôi hi vọng rằng các bạn du học sinh, dù các bạn có lựa chọn về với vòng tay của cha mẹ hay ở lại vì bất cập của các thủ tục rườm rà, hãy giữ cho mình một tinh thần thoải mái! Tôi hoàn toàn hiểu các bạn. Lúc này là du học sinh, đến từ một đất nước như Việt Nam, cha mẹ các bạn hàng ngày phải cày bừa ngày đêm để cho các bạn một nền giáo dục hiện đại. Thế nhưng lần này, cha mẹ các bạn còn phải nặng đầu suy nghĩ lấy tiền ở đâu để cho các bạn tiếp tục học. Sẽ có rất nhiều thay đổi sắp tới sẽ xảy ra. Nhưng các bạn nên nhớ, mình là người Việt Nam, đừng quên sẻ chia với người khác và phải chuyển mình trước những thay đổi.
HỒ VŨ YẾN LINH, THEO TRÍ THỨC TRẺ