Nữ tiếp viên hàng không bật mí bí mật lương thưởng: Nhận tận 3 khoản tiền khác nhau, thu nhập 1,1 tỷ đồng/năm nhưng thi tuyển còn “khó hơn vào Harvard”

Tiếp viên hàng không là công việc trong mơ với nhiều người bởi mức lương thưởng hậu hĩnh và những đặc quyền đáng ghen tỵ. Nhưng chỉ những người trong nghề mới có cái nhìn chân thực nhất về độ khó của công việc này.

Nhận tận 3 khoản tiền khác nhau

Đã bao giờ bạn tự hỏi một tiếp viên hàng không kiếm được bao nhiêu tiền? Một tiếp viên hàng không tên Daniella đã tiết lộ trên Tiktok về số tiền kiếm được từ công việc cho phép cô đi máy bay vòng quanh thế giới. Nữ tiếp viên đang làm việc cho hãng hàng không Emirates cho biết lương của một tiếp viên gồm 3 phần là: lương cơ bản, lương theo giờ bay và chi phí quá cảnh.

Nữ tiếp viên hàng không bật mí bí mật lương thưởng: Nhận tận 3 khoản tiền khác nhau, thu nhập 1,1 tỷ đồng/năm nhưng thi tuyển còn “khó hơn vào Harvard” - Ảnh 1.

Daniella

1. Lương cơ bản

Lương cơ bản là số tiền bạn kiếm được mỗi tháng bất kể bạn làm việc bao nhiêu giờ. Theo trang web Daniella lấy làm dẫn chứng thông tin, lương cơ bản của một thành viên phi hành đoàn hạng phổ thông là khoảng 1.160 USD/tháng. Mặc dù điều đó nghe có vẻ không nhiều, nhưng đó không phải là số tiền duy nhất họ kiếm được.

2. Lương theo giờ bay

Ngoài lương cơ bản, tiếp viên hàng không còn được hưởng tiền theo số giờ bay.

“Chúng tôi không được trả tiền cho bất kỳ sự chậm trễ nào gặp phải trên mặt đất. Số giờ phát sinh trên mặt đất đã được chi trả trong mức lương cơ bản của chúng tôi”, Daniella chia sẻ trong video. Mức lương theo giờ bay là 16,68 USD/giờ, vậy nên số tiền ước tính mà một tiếp viên hàng không kiếm được một tháng là 2.660 USD/tháng.

Nữ tiếp viên hàng không bật mí bí mật lương thưởng: Nhận tận 3 khoản tiền khác nhau, thu nhập 1,1 tỷ đồng/năm nhưng thi tuyển còn “khó hơn vào Harvard” - Ảnh 2.

Một tiếp viên hàng không người Mỹ Ally Case cũng từng tiết lộ trên Tiktok rằng tiếp viên hàng không chỉ được trả tiền từ khi máy bay đóng cửa, không tính thời gian lên máy bay để chuẩn bị trước đó hay thời gian dọn dẹp sau khi hành khách đã rời đi.

“Khi cửa máy bay đóng lại, đồng hồ mới hoạt động và khi cửa mở ra thì đồng hồ sẽ ngưng. Vì vậy các tiếp viên sẽ không được trả tiền cho các hoạt động ngoài quãng thời gian phục vụ đó”, Ally Case nói.

3. Chi phí quá cảnh

Khoản tiền cuối cùng tiếp viên hàng không nhận được là chi phí quá cảnh. “Tất cả chi phí nghỉ ngơi đều do công ty chi trả, bao gồm tiền ăn ở khách sạn. Chúng tôi cũng nhận được tiền bổ sung tùy thuộc vào điểm để để trang trải chi phí khi ở đó”, Daniella nói thêm.

Theo nữ tiếp viên này, mỗi lần được thăng chức thu nhập của họ sẽ tăng lên đáng kể cùng nhiều đặc quyền và phúc lợi khác nên vị trí tiếp viên hạng thương gia vô cùng đáng giá.

Nhiều đặc quyền đi kèm loạt tiêu chuẩn “khó nhằn”

“Công ty cung cấp chỗ ở khi sống ở Dubai, đưa đón chúng ta đến và đi từ sân bay”, Daniella nói. Điều này có nghĩa là các tiếp viên hàng không có thể bỏ túi tất cả tiền lương của mình mà không tốn kém quá nhiều cho phí thuê nhà, giao thông đi lại.

Khi một số người để lại bình luận rằng 2.000 USD/tháng quá ít với khối lượng công việc tiếp viên phải làm, Daniella đã giải thích thêm rằng cô kiếm được nhiều hơn mức trung bình mà trang web đưa ra.

“Tôi bay khoảng 100 giờ/tháng, mức lương trung bình là hơn 4.000 USD/tháng”, Daniella để lại bình luận. Trong 1 năm, mức lương Daniella nhận được có thể lên tới 48.000 USD (~1,1 tỷ đồng).

“Chỗ ở, hóa đơn và phương tiện di chuyển đến sân bay đều do công ty cung cấp. Công việc cũng đi kèm với rất nhiều đặc quyền như miễn phí sử dụng phòng gym và giảm giá đến nhiều nơi quanh Dubai. Chúng tôi có 1 chuyến bay miễn phí mỗi năm và giảm giá cho các chuyến bay khác”, nữ tiếp viên chia sẻ thêm.

Nữ tiếp viên hàng không bật mí bí mật lương thưởng: Nhận tận 3 khoản tiền khác nhau, thu nhập 1,1 tỷ đồng/năm nhưng thi tuyển còn “khó hơn vào Harvard” - Ảnh 3.

Emirates là hãng hàng không quốc gia của của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), được Condé Nast (Mỹ) bình chọn là hãng hàng không tốt nhất trên thế giới. Emirates có trụ sở tại Dubai, nổi tiếng với những phi cơ hạng sang cùng hàng loạt dịch vụ đẳng cấp phục vụ giới nhà giàu.

Cùng với mức thu nhập khủng và đãi ngộ tốt là vô số yêu cầu ngặt nghèo mà các tiếp viên phải đáp ứng. Theo tiết lộ của Siti Nurazlin – nữ tiếp viên hàng không làm việc tại khoang hạng nhất (First Class) của hãng Emirates, họ phải đạt độ tuổi tối thiểu là 21, chiều cao ít nhất là 5 feet 2 (khoảng 1m58), tầm với đạt khoảng 7 feet (hơn 2m) trên mũi chân để với được các khoang hành lý trên cao, thông thạo tiếng Anh, có ít nhất bằng cấp 3 và đặc biệt là không có hình xăm lộ rõ khi mặc đồng phục.

Nữ tiếp viên hàng không bật mí bí mật lương thưởng: Nhận tận 3 khoản tiền khác nhau, thu nhập 1,1 tỷ đồng/năm nhưng thi tuyển còn “khó hơn vào Harvard” - Ảnh 4.

Siti Nurazlin

Các tiếp viên sẽ phải bắt đầu sự nghiệp từ vị trí thấp nhất là tiếp viên phục vụ các chuyến bay ngắn (nội địa) ở khoang phổ thông (Economy Class). Lịch trình bay của họ cũng thay đổi theo tuần, đòi hỏi họ luôn phải duy trì sức khỏe và ngoại hình chỉn chu. Tiếp viên hàng không của hãng phải trang điểm tự nhiên, đeo bông tai kim cương hoặc ngọc trai nhưng không được mang vòng cổ, giữ móng tay sạch sẽ.

Về mặt chuyên môn, các tiếp viên luôn đảm bảo quan tâm và biết khách hàng của mình muốn gì, thậm chí là nắm rõ thông tin của khách khoang hạng nhất để hỗ trợ họ tối đa. Ngoài ra họ cũng cần thông thạo nhiều ngoại ngữ để phục vụ khách hàng từ nhiều quốc gia.

Các hãng bay khác cũng sẽ có những yêu cầu riêng, điểm chung có thể kể đến là chiều cao – cân nặng theo tiêu chuẩn, có bằng tốt nghiệp cấp 3 hoặc tương đương, sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ, vượt qua vòng kiểm tra lý lịch và phỏng vấn, có kinh nghiệm trong ngành dịch vụ, chăm sóc khách hàng là một điểm cộng,…

Nữ tiếp viên hàng không bật mí bí mật lương thưởng: Nhận tận 3 khoản tiền khác nhau, thu nhập 1,1 tỷ đồng/năm nhưng thi tuyển còn “khó hơn vào Harvard” - Ảnh 5.

Đặc quyền và mức lương hấp dẫn cùng tính chất linh hoạt, được đi khám phá những vùng đất mới đã thu hút ngày càng nhiều người trẻ ngày càng quan tâm đến công việc này, đẩy tỷ lệ chọi lên cao đến khó tin. Theo dữ liệu mà hãng bay Delta Air Lines (Mỹ) công bố năm 2016, có khoảng 150.000 người nộp đơn thi tiếp viên, nhưng chỉ 1% trong số đó đỗ. Trong khi đó, số người trúng tuyển ĐH Harvard khoá 2021 là 5,2% trong tổng số hơn 39.500 thí sinh.

(Cafef)