Nuôi con ở Séc, vợ Mạc Hồng Quân không cần lo kinh tế
Con trai thứ hai của Kỳ Hân được chính phủ hỗ trợ tài chính, bản thân cô cũng kinh doanh online nên không phụ thuộc chồng dù ở nhà làm ‘mẹ bỉm sữa’.
– Gần một năm qua, chị sống ở CH Czech thế nào?
– Cuộc sống của tôi ở Praha rất đơn giản. Tôi chưa xác định ở lại lâu dài nên chỉ coi giai đoạn này như một kỳ nghỉ. Hàng ngày, tôi sinh hoạt trong gia đình có bố mẹ chồng, các anh chị chồng đều là người Việt Nam. Nhiệm vụ chính của tôi là chăm sóc hai con, chỉ thỉnh thoảng mới ra ngoài mua đồ, thăm họ hàng hoặc đi dạo để thay đổi không khí.
Vì đại gia đình cùng chung sống nên chúng tôi vẫn giữ được nếp sinh hoạt của người Việt. Bữa cơm hàng ngày là các món truyền thống như thịt rang, cá kho, canh rau…
– Chị thích nhất điều gì khi sống ở đất nước này?
– Tôi thích sự riêng tư. Ở đây, không ai để ý hay làm phiền đến cuộc sống của ai. Mỗi hành động liên quan đến nhân quyền đều bị hạn chế vì có thể vi phạm pháp luật.
Y tế và phúc lợi ở Czech cũng rất tốt. Tôi đi sinh hoàn toàn không mất chi phí. Em bé thì được hỗ trợ số tiền khoảng 300 triệu đồng chia đều cho mỗi tháng, mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng.
– Còn điều gì khiến chị chưa thích?
– Đó là rào cản ngôn ngữ. Người Czech nói tiếng Czech và một chút tiếng Anh nhưng hai thứ tiếng này, tôi đều không biết. Có lúc tôi thấy mình như bị câm điếc vì không hiểu và cũng không nói được. Thậm chí, chồng tôi còn trở thành “phiên dịch viên bất đắc dĩ” cho tôi trong phòng sinh. Anh ấy nghe các bác sĩ hướng dẫn cách rặn đẻ rồi cố gắng mô tả lại cho tôi hiểu.
Sau này, tôi đã khắc phục bằng cách sử dụng phần mềm dịch thuật trên điện thoại. Nó mất thêm thao tác, tốn thời gian khiến cho hoạt động của tôi bị chậm lại nhưng trước mắt vẫn giúp tôi chủ động được khi ra ngoài một mình.
– Ở Việt Nam chị kinh doanh còn sang Czech chỉ tập trung chăm con. Chị nghĩ sao khi phải phụ thuộc kinh tế vào chồng trong thời gian này?
– Việc kinh doanh ở Việt Nam của tôi gặp khó khăn do Covid-19. Tôi đã thanh lý toàn bộ các cửa hàng từ trước khi sang đây. Dù ở nhà chăm con, tôi vẫn tự lo được tài chính cho bản thân nhờ bán một số sản phẩm của châu Âu về Việt Nam. Tôi sẵn “máu” kinh doanh online nên đi đâu cũng buôn bán được.
Ngoài ra, chúng tôi có ngân sách tích lũy từ trước để trang trải lúc sinh nở, lo cho tương lai của hai con. Vậy nên tiền bạc không phải vấn đề khiến tôi lo lắng.
– Vắng chồng, chị xoay xở thế nào để cùng lúc chăm sóc hai con?
– Anh Quân (cầu thủ Mạc Hồng Quân – PV) qua Czech để đưa tôi đi sinh và nán lại cho đến khi bé Dưa Hấu tròn 10 ngày tuổi thì phải về Việt Nam. Sau đó, tôi đã chủ động chăm sóc hai con với sự giúp đỡ của bố mẹ chồng. Hàng ngày, ông bà phụ tôi chuyện ăn uống, trông nom bé Tỏi, giữ Dưa Hấu những khi tôi cần nghỉ lấy sức. Tỏi phần lớn thời gian chơi và ngủ cùng ông bà nội nên tôi chỉ tập trung lo cho bé út thôi.
– Bé Tỏi đã học mẫu giáo ở Czech được hai năm. Chị thấy con thay đổi thế nào?
– Học cùng các bạn người Czech suốt hai năm nhưng Tỏi vẫn nói tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng trẻ con có khả năng đặc biệt nào đó để giao tiếp với nhau dù không cùng ngôn ngữ. Ban đầu, Tỏi lúng túng mất vài tuần nhưng sau đó con đã thích nghi rất nhanh nhờ vào sự hoạt bát và thân thiện. Lúc đó, con đã biết gọi điện về Việt Nam khoe mẹ về các bạn và cô giáo mới.
Hiện tại, Tỏi hiểu được lời của cô giáo và đáp lại bằng những câu tiếng Czech ngắn. Nhưng có lúc cô vẫn than: “Thỉnh thoảng tôi không hiểu con của chị nói gì cả”. Tôi nghĩ một trong số những nguyên nhân Tỏi không chịu nói tiếng Czech vì sống trong đại gia đình toàn người Việt. Bé vẫn tiếp xúc với tiếng Việt hàng ngày nên khó tiếp thu một ngôn ngữ mới.
– Dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống của gia đình chị?
– Tôi mang thai đúng giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất. Khi đó, tất cả các loại hình dịch vụ đều đóng cửa, chỉ những nơi cung cấp sản phẩm thiết yếu như y tế, thực phẩm, siêu thị mini mới được hoạt động… Chính phủ Czech đưa ra khuyến cáo người dân nên ở yên trong nhà. Gia đình tôi cũng tuân thủ điều đó nên chỉ ra ngoài khi đi chợ hoặc sang chơi nhà họ hàng.
Vì Covid-19, tôi đã được trải nghiệm lần sinh nở đặc biệt. Bệnh viện hạn chế số người vào chăm nên duy nhất chồng tôi được bên vợ trong lúc vượt cạn. Sau đó, anh ấy cũng phải về để lại tôi ở một mình với các bác sĩ, y tá. Rất may là họ chăm sóc chu đáo nên tôi không cảm thấy buồn bã hay tủi thân.
Cũng vì dịch bệnh nên dù qua đây gần một năm, tôi vẫn chưa có cơ hội đi thăm thú nơi nào cả. Czech mới tạm kiểm soát được Covid-19 từ vài tháng trước sau khi mọi người đã lần lượt tiêm vaccine.
– Chị dự định khi nào về Việt Nam?
– Hiện bé Dưa Hấu được tám tháng tuổi. Tôi chờ một thời gian ngắn nữa là sẽ đưa hai con về Việt Nam. Trước đây, tôi tính gửi Tỏi ở Czech cùng ông bà để bé được hưởng môi trường giáo dục tốt nhất. Nhưng khi sinh bé Dưa Hấu, tôi nghĩ không nên tách hai đứa trẻ khỏi nhau. Nếu đưa Dưa Hấu về Việt Nam trong khi để Tỏi lại, bé sẽ thấy tủi thân lắm.
– Trong tương lai, chị chọn cuộc sống ở Việt Nam hay Czech?
– Chúng tôi sẽ sang Czech nhưng chưa phải bây giờ. Cả nhà vẫn dự định ở Việt Nam thêm vài năm. Năm ngoái, tôi quyết định qua đây sinh con để kịp gia hạn visa và hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc lấy quốc tịch. Sắp tới khi dịch bệnh ổn định, chúng tôi cũng đi lại thường xuyên giữa hai nước để thăm hỏi bố mẹ.
– Bé Tỏi phải liên tục thay đổi môi trường sống trong những năm đầu đời. Điều này ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của bé?
– Tôi nghĩ Tỏi sẽ chậm hơn về ngôn ngữ so với những trẻ sống cố định. Nhưng điều này không đáng kể mà nhìn theo khía cạnh tích cực, bé được tập cách thích nghi với môi trường mới. Khi về Việt Nam, chúng tôi sẽ cho con học trường quốc tế để đảm bảo tiếng Việt và tiếng Anh của bé đều tốt. Sau này qua Czech, con cũng có vốn tiếng Việt chắc chắn rồi.