Ông già gốc Việt hớt tóc, lấy ráy tai ‘gây nghiện’ ở Little Saigon, Mỹ
Ông Sáu Linh đang hớt tóc cho khách
“Thằng Johny bây giờ 33 tuổi rồi, là sĩ quan thủy quân lục chiến đang đóng ở Tây Đức. Còn tui, tui 79 tuổi rồi… Mấy năm rồi, tui xuống San Diego ở với con gái lớn nên ít ghé cha Sáu tán dóc. ‘Chả’ lấy ráy tai ‘đã’ lắm”, ông nói tiếp.
Với những người Việt như ông Kang, khi sang Mỹ, tìm được một người cắt tóc vừa ý là một điều không dễ: “Bởi vậy hồi đó, ‘mò’ được cha Sáu, tui mừng lắm. Chừng hai tuần, hai cha con tui ghé ‘chả’ một lần. Cắt tóc, cạo mặt rồi lấy ráy tai. Thằng Johny bây giờ còn nhớ vụ này. Lâu lâu, nó nhắc”.
Cũng là khách quen của ông Sáu Linh, ông Nguyễn Hữu Tâm, ở Cypress, nói với báo Người Việt: “Hồi trước, tháng nào tui cũng gặp ‘cha Sáu’ để ‘tân trang’ mái tóc một lần. Cắt xong rồi hớt, hớt xong rồi nhuộm… Bây giờ có tuổi rồi, đi đâu mà hơn 10 phút là tui làm biếng vô cùng. Mà từ tui lên ‘cha Sáu’ ít nhất phải từ 23 tới 27 phút nếu không kẹt xe. Bởi vậy…”.
Ông Phan Văn Ngành, ở Santa Ana, cho rằng ông Sáu Linh có bí mật nghề nghiệp gì đó. Ông nói: “Tui đi hớt tóc ráy tai nhiều chỗ rồi, nhưng đi đâu rồi tui cũng quay lại Sáu Linh. ‘Chả’ có bí quyết gì đó tui không biết, nhưng tui khoái kiểu làm của ‘chả’”.
Về phía ông Sáu Linh, ông cho biết bí mật nghề nghiệp của ông chỉ là yêu nghề và giữ vệ sinh cho mọi người: “Hớt tóc là nghề rất lương thiện ở chỗ, nếu không yêu nghề, người ta biết liền. Nhìn cái đầu xấu hoắc, không giấu ai được. Hay cạo mặt, người ta không thoải mái. Ráy tai, người ta không ‘đã’”.
Ông nhấn mạnh: “Phải yêu nghề thì công việc mới tốt. Còn chuyện giữ vệ sinh là lương tâm của mình. Nếu vì mình mà cả một cộng đồng mắc bệnh truyền nhiễm, liệu mình có chịu nổi không”.
Ông Sáu Linh
Khi được hỏi rằng cạo mặt có hợp pháp không, ông nghiêm mặt nói: “Có chứ! Tôi có bằng thợ cạo, có nghĩa là có quyền cạo mặt đàng hoàng. Hồi đi thi, tui phải cạo mặt cho giám khảo coi thì mới được cấp bằng thợ cạo chớ bộ”.
Tuy nhiên, chuyện lấy ráy tai là một vấn đề rất tế nhị. “Họ (hội đồng thẩm mỹ California) không ra mặt cho phép, nhưng cũng không tuyệt đối cấm. Mình phải hiểu ngầm là cứ cố gắng làm việc cho đàng hoàng, đừng để ai phàn nàn thì không sao”, ông Sáu Linh nói. “Suốt mấy chục năm nay, chưa ai chê tui bất cứ điều gì nên họ vẫn để yên cho tui”.
Từ lâu, ông vẫn tới nhà chăm sóc khách quen: “Người thì cần cạo gió, người giác hơi. Cái gì tui cũng làm được… Khách không tới mình thì mình tới khách. Họ hoặc vì bận rộn, hoặc vì bệnh tật, không tới tui được thì tui chịu khó lái xe. Tui thích làm khách vui nên cái gì chìu được là tui chìu liền”.
Ông sáu kể: “Mùa trái gió, trở trời, nhiều khách quen bị ‘rêm mình’, tới tiệm không được. Tui sẵn sàng chạy xe tới nhà cạo gió, giác hơi cho họ khỏe. Làm trọn bộ hết 45 phút. Đến hồi trả tiền cho tui, thì không nói gì. Có người đợi tui làm xong rồi cười trừ. Tui không bao giờ làm khó họ hết. Anh em hết mà, miễn họ vui là… vui rồi”
Ông kể rằng những người không trả tiền này, lần sau gọi ông nữa, ông vẫn đến nhà họ: “Kệ, họ kẹt tiền mới làm vậy, tui không trách đâu… vui là chính. Nhằm gì mấy đồng bạc”.