‘Phụ nữ Việt là bác sĩ, kỹ sư nhưng sang Mỹ làm nghề rất thấp kém’
Suy nghĩ đó khiến đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh trở lại với một dự án phim mới, sau 7 năm, kể từ phim “Chạm”.
Từng gây tiếng vang nhờ tác phẩm đầu tay Touch (Chạm), đạo diễn Việt kiều Mỹ Nguyễn Đức Minh trở lại với Actress Wanted (Vai diễn đổi đời), bộ phim vẫn xoay quanh cuộc sống phụ nữ Việt ở hải ngoại nhưng với góc nhìn mang nặng tâm lý, ly kỳ và kinh dị hơn.
Là một đạo diễn Việt kiều sống tại Mỹ, anh biết tận dụng thế mạnh của mình để kể về những trăn trở trong cuộc sống của cộng đồng người Việt ở xứ cờ hoa.
Sau thời gian vắng bóng gần 7 năm, đạo diễn Nguyễn Đức Minh vẫn thể hiện được tài năng trong việc xây dựng tâm lý nhân vật và cách kể chuyện cuốn hút.
Chia sẻ với Zing.vn, vị đạo diễn Việt kiều kể về những khó khăn trong việc theo đuổi dòng phim độc lập cũng như đưa ra những đánh giá về thị trường điện ảnh trong nước.
Làm phim độc lập phải kéo dài mấy năm
-Lý do gì anh chuyển từ cách làm phim tình cảm lãng mạn sang thể loại tâm lý nặng pha kinh dị?
– Phim Chạm là phim đầu tay của tôi và may mắn nhận được nhiều sự yêu thích. Mọi người muốn tôi tiếp tục làm phim theo phong cách tình cảm, lãng mạn như thế. Nhưng thực ra, tôi luôn muốn trải nghiệm và làm được nhiều thể loại phim khác nhau
Khi bắt đầu đây là một câu chuyện rất nhẹ nhàng, lãng mạn giống như hình dung của khán giả về phim của tôi. Nhưng tôi không thích làm lại phong cách tôi từng làm với Chạm nên quyết định đổi hướng.
Tôi muốn xây dựng kịch bản kịch tính mà khán giả không thể đoán trước được. Mình dẫn họ đi tới đâu thì họ đi tới đó. Như vậy cái kết mới gây bất ngờ và đem lại nhiều cảm xúc. Có thể với dự án tiếp theo, tôi sẽ trở lại với sở trường của mình là tình cảm, nhẹ nhàng.
– Khán giả thắc mắc vì sao anh lại “mất tích” lâu như thế khi đã 7 năm trôi qua từ sau phim Chạm?
– Sở dĩ lâu như vậy là vì tôi chọn làm phim độc lập. Không dễ mà tự nhiên có người đưa cho mình một cục tiền để làm phim mà lại khó sinh lời. Khi đã chọn con đường này thì tôi đã xác định nó dài và khó khăn. Nhiều khi nó dẫn đến đường cụt, thì mình lại phải quay lại từ đầu (cười).
Nguồn kinh phí hạn hẹp dẫn đến việc mình phải chờ đợi rất nhiều thứ. Mình có ít tiền nên nếu muốn thuê người giỏi làm cho mình cũng phải đợi đến khi nào họ rảnh.
Từ trước đến giờ, tôi cũng rất muốn làm phim nhanh hơn nhưng tiếc là con đường mình đi không được may mắn, nhiều xui rủi và cũng chẳng êm ái lắm thì phải chịu thôi.
– Sau 7 năm, anh có những thay đổi nào đáng kể, trong cách làm phim?
– Làm công việc gì cũng vậy, càng làm lâu thì mình sẽ càng có nhiều kinh nghiệm. Mà khi đã thành thục hơn thì tôi làm mọi thứ nhanh hơn. Tôi quay phim nhanh hơn hoặc biết cách nói chuyện với diễn viên tốt hơn.
Ngoài ra, khi mình càng lớn tuổi thì sở thích, sự nhìn nhận về mọi thứ của mình cũng thay đổi. Ví dụ như phim Chạm của tôi ngày trước hơi sến, hơi ủy mị còn bây giờ thì tôi làm phim đỡ sến sẩm hơn (cười).
– Cuộc sống của anh tại Mỹ thế nào và nguồn thu nhập của anh ra sao khi không làm phim?
– Ở Mỹ, tôi kiếm sống bằng nghề dựng phim cho các studio phim lớn. Cũng tạm gọi là có nguồn thu nhập ổn định để sống và tiếp tục ấp ủ dự án làm phim.
Thế hệ người Việt trẻ ở Mỹ chẳng còn ai nói được tiếng Việt
-Tâm – nữ chính của “Chạm” và Mai trong “Vai diễn đổi đời” đều là câu chuyện của những người phụ nữ gốc Việt ở hải ngoại. Có phải thông qua những khía cạnh đó, anh muốn truyền tải thông điệp về cuộc sống của phụ nữ Việt ở nước ngoài?
– Tôi thấy phụ nữ thường có tâm lý phức tạp hơn đàn ông vì dù là hạnh phúc, khổ đau thì họ đều giữ ở trong lòng. Chính sự phức tạp, bí ẩn đó làm nên sức hấp dẫn của họ trên phim.
Còn với phụ nữ Việt ở Mỹ, tôi thấy rõ một câu chuyện thế này. Những người Việt khi còn ở trong nước có khi họ làm kinh doanh, là bác sĩ, giáo viên, luật sư nhưng khi qua Mỹ, họ phải bắt đầu lại từ đầu từ những công việc thấp bé, không được coi trọng.
Chứng kiến cuộc đời của mẹ hay của các dì tôi, tôi cảm được sự khó khăn của họ khi phải xây dựng lại tất cả, làm việc vất vả để kiếm tiền nuôi con. Đời sống ở hải ngoại không đẹp như người ta vẫn nghĩ đâu.
– Điều gì là trở ngại lớn nhất của anh khi thực hiện bộ phim này đặc biệt là về cộng đồng Việt kiều ở Mỹ?
– Cái khó lớn nhất chính là kinh phí. Khi bạn có ít tiền thì mọi thứ, mọi sự chọn lựa trở nên hẹp hơn. Bộ phim chỉ được thực hiện trong 18 ngày, ít bối cảnh, ít diễn viên bởi kinh phí hạn chế. Trong đó tôi vừa là đạo diễn, vừa là biên kịch, vừa là người dựng phim trong hơn một năm.
Hơn nữa, trong những gia đình Việt ở Mỹ, từ thế hệ sau này trở đi thì họ gần như không còn nói được tiếng Việt. Những người trẻ bên đó chỉ còn sử dụng tiếng Việt để nói chuyện với ba mẹ, ông bà. Chính vì vậy, việc tìm kiếm diễn viên gốc Việt vừa nói được tiếng Anh, tiếng Việt vừa diễn xuất tốt là bài toán cực kỳ khó.
– Là người từng trải thì theo anh, việc cộng đồng Việt kiều làm phim ở Mỹ có những thuận lợi và khó khăn ra sao?
– Cộng đồng người Việt bên Mỹ rất thích xem phim về Việt Nam, đặc biệt là những bộ phim khắc họa được cuộc sống của họ nơi đất khách. Thế nên, khi biết chúng tôi làm phim, họ ủng hộ rất nhiệt tình. Đa số địa điểm quay trong phim là do cộng đồng người Việt bên Mỹ hỗ trợ chúng tôi.
Diễn viên Thiên Nguyễn được đánh giá cao với vai diễn đầu tay.
– Vậy theo anh, đâu là điểm khác biệt giữa việc làm phim trong nước và làm phim ở Mỹ?
– Theo quan sát của tôi thì ở Việt Nam đã có những studio lớn để sản xuất phim một cách rất chuyên nghiệp, không thua kém nhiều với Mỹ.
Nhưng có một điểm khác biệt khá rõ là ở Mỹ có những studio nhỏ hoặc những nhà đầu tư chuyên sản xuất những dự án độc lập (có kinh phí dưới 5 triệu USD). Nếu Việt Nam có được nhiều nhà đầu tư yêu điện ảnh và chịu đón nhận rủi ro như vậy thì sẽ tốt cho thị trường phim ảnh.
– Những năm qua, anh có quan tâm theo dõi thị trường điện ảnh Việt không và anh có đánh giá như thế nào về chất lượng phim Việt hiện tại?
– Có chứ. Tuy ở nước ngoài nhưng tôi theo dõi rất sát sao các bộ phim trong nước. Nhìn chung, chất lượng phim Việt ngày càng phát triển. Mới đây tác phẩm Người bất tử của đạo diễn Victor Vũ làm tôi rất nể phục bởi sự đầu tư quá công phu, nội dung cũng rất thú vị.
– Anh có nghĩ với bộ phim “Vai diễn đổi đời”, khán giả sẽ đón nhận nhiệt tình như cách mà họ đã yêu thích phim “Chạm” trước đây của anh?
– Tất nhiên, tôi mong là khán giả vẫn sẽ hứng thú với phim của tôi, thậm chí hơn cả với Chạm cũng tốt (cười). Tôi biết hiện tại, khán giả Việt có nhiều chọn lựa đa dạng về dòng phim.
Nhưng tôi thấy phim Việt hiện tại đa phần là hài, tình cảm hoặc là kinh dị nhưng không có nặng về tâm lý, dòng phim tâm lý kinh dị, gay cấn còn hơi ít.
Tôi hy vọng những ai thích thể loại “khùng khùng điên điên” như Vai diễn đổi đời sẽ đón nhận bộ phim này. Bởi tôi vẫn đang trong hành trình tìm kiếm những khán giả dành riêng cho mình.
– Hai bộ phim của anh đều là phim độc lập có kinh phí thấp. Nếu trong tương lai anh nhận được sự đầu tư lớn để làm một phim “bom tấn Việt” hoành tráng thì anh có nghĩ mình sẽ làm tốt?
– Khi có nhiều tiền thì việc làm phim sẽ dễ dàng hơn. Nhưng chưa chắc có kinh phí lớn thì phim sẽ tốt hơn, hay hơn. Bằng chứng là ở Mỹ hay Việt Nam có nhiều phim đầu tư cao nhưng vẫn thành “bom xịt” như thường. Tôi là người sống khép kín nên có lẽ phim độc lập là lựa chọn tốt nhất cho tôi.
– Từ trước đến nay anh đều làm phim ở Mỹ với ê-kíp đều là người nước ngoài. Vậy anh có dự tính thực hiện một bộ phim làm hoàn toàn trong nước với các diễn viên Việt Nam?
– Có, tôi cũng đã có ấp ủ một dự án như thế. Lần này về Việt Nam ngoài chuyện phát hành Vai diễn đổi đời, tôi cũng đang làm việc với nhà sản xuất trong nước cho dự án thứ ba. Nhưng tôi không dám nói trước vì chưa biết mọi thứ sẽ đến đâu.