Sang Nhật làm việc: Không nên ảo tưởng “việc nhẹ, lương cao”
Đơn đặt hàng lao động từ phía Nhật Bản tăng cao nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải tăng hết công suất để đáp ứng nhu cầu.
Những ngày trước tết và sau Tết Nguyên đán, Công ty CP xuất khẩu lao động và DV-TM Biển Đông (Estrala) đang phải “chạy” hết tốc lực để đáp ứng một đơn hàng lớn từ phía đối tác Nhật. Estrala còn lên kế hoạch cho nhân viên tỏa đi các trung tâm việc làm, dạy nghề của Sở LĐ-TB-XH các tỉnh tìm người phỏng vấn, đào tạo để kịp đưa qua Nhật.
Tăng gấp 2 – 3 lần so với cùng kỳ
Ông Nguyễn Thế Đại, Phó tổng giám đốc Estrala, cho biết công ty vừa có hơn 100 đơn hàng cần lao động trong các ngành: điện tử, sản xuất máy lạnh, cơ khí, bán hàng ở siêu thị… từ phía đối tác Nhật. Con số này tăng gấp 2 – 3 lần so với dịp cùng kỳ. Thông thường, công ty phải phỏng vấn 3 người mới tìm được 1 ứng viên đáp ứng điều kiện để đưa đi đào tạo. Lý giải về việc đơn hàng lao động từ Nhật tăng đột biến, ông Đại cho hay tết âm lịch đúng vào mùa tuyển dụng lao động ở Nhật. Nước này cũng điều chỉnh chính sách nhập khẩu lao động so với trước, khi quy định tỷ lệ lao động trong một nhà máy đã nâng cao tỷ lệ lao động VN. Ngoài ra, Nhật tuyển thêm nhiều ngành nghề khác, như: bán hàng, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn… thay vì tập trung vào một nghề như trước đây.
Người lao động VN làm việc tại một công ty ở Nhật Bản ẢNH: LƯU HỢP
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho hay thị trường lao động Nhật Bản tăng đều trong suốt 5 năm qua. Năm 2018, Esuhai đưa gần 2.000 thực tập sinh (TTS) và khoảng 200 kỹ sư chất lượng cao sang làm việc ở Nhật. Ba tháng đầu năm 2019, Esuhai có khoảng 500 đơn hàng TTS sang Nhật làm việc. Riêng tháng 3.2019 đạt con số cao nhất khi tuyển dụng đến 300 vị trí. Ngoài các ngành nghề truyền thống, như: cơ khí, xe hơi, điện tử thì năm nay Nhật còn tuyển thêm những ngành nông nghiệp kỹ thuật cao, thủy sản, chế biến thực phẩm…
Thị trường khắt khe
Ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Nhật Bản, châu Âu và Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH), cho hay lao động VN sang thị trường Nhật Bản năm 2018 đạt 68.700 người. Trong năm 2019, khả năng lao động sang Nhật có khả năng tăng vì mới đây nước này có chính sách mới trong việc tiếp nhận lao động VN. Tuy nhiên, phải đến tháng 4.2019 mới biết rõ chính sách, quy định cụ thể.”Dự báo nhu cầu tăng nhưng việc đưa được người lao động sang Nhật hay không một phần phụ thuộc vào phía VN. Nhu cầu tăng mà không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ phía Nhật đưa ra cũng khó đưa người sang được”, ông Giang khẳng định.Theo ông Giang, quy định mới của Nhật cho phép tăng người lao động sang Nhật lao động nhưng người lao động phải có ngoại ngữ trình độ N4 (giao tiếp được), có kỹ năng trình độ, tay nghề tương đương TTS về nước.Trước đây Nhật đã từng đưa ra yêu cầu đối với một số lĩnh vực, ngành nghề, như: điều dưỡng, hộ lý có tiêu chuẩn cao hơn (trình độ ngoại ngữ N3, tốt nghiệp cao đẳng) nhưng phía VN vẫn thực hiện tốt, thậm chí chất lượng còn cao hơn lao động của các nước khác.
Ông Giang cho biết chủ trương của VN là đưa người lao động sang những nước đáp ứng tốt về mức thu nhập, trình độ tay nghề, tính kỷ luật cao. Nhật Bản đang là nước đáp ứng tốt yêu cầu đó. Sau này về nước người lao động sẽ đủ trình độ, tay nghề để tham gia phát triển đất nước.”Trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước và báo chí, chúng tôi thường xuyên cập nhật công văn chỉ đạo doanh nghiệp lẫn việc giám sát trong việc đăng ký, thực hiện hợp đồng… Hằng năm phía Nhật đều có chương trình theo dõi, làm việc, giám sát về TTS. Nếu doanh nghiệp làm không tốt sẽ đưa vào danh sách đen và có phương hướng xử lý kịp thời”, ông Giang khẳng định.
Theo ông Nguyễn Thế Đại, người lao động sang Nhật ngoài việc đi làm nên đầu tư việc học, rèn ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa chứ không nên ảo tưởng “việc nhẹ, lương cao” sẽ dễ đến thất vọng và khó có cơ hội phát triển lâu dài.
Lương cao, giỏi tiếng Nhật về nước dễ xin việc
Mức lương ở Nhật áp dụng theo lương vùng và theo ngành nghề. Trung bình mức lương dao động từ 26 – 32 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ thuế, bảo hiểm, tiền nhà, trừ chi phí ăn uống, người lao động sẽ tiết kiệm 16 – 17 triệu đồng. Nếu người lao động tăng ca, mỗi tháng sẽ có thêm 4 – 10 triệu đồng tùy mức độ tăng ca, ngành nghề.
Quan trọng hơn, bên cạnh thu nhập ổn định, người lao động sang Nhật có thêm cơ hội học thêm tiếng Nhật. Trình độ N1 (thành thạo tiếng Nhật), N2 (khá thành thạo), N3 và N4 (có thể giao tiếp). Ngoài giờ làm, chủ doanh nghiệp dành hẳn ra 1 giờ để dạy tiếng Nhật cho người lao động. Nếu lao động đạt trình độ ngoại ngữ N3 thì mức lương được trả thêm 30 yen/giờ, N2 trả thêm 40 yen/giờ để khuyến khích người lao động học tập. Thậm chí những người có bằng N1, N2, N3 khi về nước dễ xin việc làm hơn học tiếng Nhật (trình độ đại học) tốt nghiệp trong nước.