Sang Séc 25 năm, cứ đến Tết Việt mẹ đảm 7X háo hức chuẩn bị trước 2 tháng
Dù sống ở Châu Âu hơn 20 năm nhưng gia đình chị Trần Thị Hưởng (45 tuổi) ngày nào cũng chỉ ăn món Việt Nam. Cứ đến dịp Tết Việt hàng năm, chị và gia đình rất háo hức, chuẩn bị trước 2 tháng để đón dịp đặc biệt này!
Dù xa xứ ít hay nhiều năm, nhưng cứ đến dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều người Việt định cư ở các nơi trên Thế giới lại háo hức đón chờ, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị các món ăn để đón năm mới vẫn như những khi ở quê nhà.
Gia đình chị Trần Thị Hưởng (45 tuổi), sống ở Séc 25 năm cũng vậy. Đối với chị và gia đình, Tết ở Việt Nam như thế nào thì chị “mang” không khí sang y như vậy. Đó cũng là một cách để chị cùng chồng con không bao giờ quên đi cội nguồn.
Là một bà mẹ đảm đang, thích nấu ăn nên tất cả các bữa cơm trong gia đình đều do chị Hưởng đảm nhiệm. Thỉnh thoảng chị sẽ học thêm một vài món ăn mới lạ của các chị em người Việt chia sẻ trên mạng xã hội. Chồng cùng các con chính là động lực, cảm hứng để bà mẹ 45 tuổi vào bếp nấu nướng mỗi ngày.
Chị Hường cùng gia đình sống ở Châu Âu 25 năm
Dù sống ở Séc lâu năm như vậy nhưng chồng không ăn được đồ Tây, do đó, 3 bữa cơm của gia đình chị Hưởng đều là món Việt Nam.
Chị chia sẻ, “Hàng ngày, cứ 4 giờ 30 phút sáng là mình phải xuống bán hàng. 7 giờ sáng, nghỉ ngơi 1 tiếng, lên nấu ăn sáng và bỏ đồ từ tủ lạnh ra để chuẩn bị cho bữa tối. Rồi lại đi làm việc. Đến trưa nghỉ 2 tiếng, nấu món nhanh ăn trưa, rồi dọn dẹp nhà cửa. Đến 5 giờ chiều, lên nhà chuẩn bị nấu ăn”. Cuộc sống theo guồng quay như thế nhưng chẳng khi nào bà mẹ 7X cảm thấy mệt mỏi mà luôn hào hứng về nhà nấu nướng.
Để cả nhà thưởng thức ngon miệng, chị luôn chế biến các món chồng, con thích. Do quỹ thời gian eo hẹp, chị chỉ có thể dành ra từ 30 phút đến 1 tiếng để chuẩn bị bữa cơm hàng ngày với 4-5 món ăn.
“Nếu những món ăn hầm lâu, hay cần nhiều thời gian, chẳng hạn như hầm thịt chân giò, chả nem… mình thường chuẩn bị sẵn, sáng hầm qua để đấy, chả nem sơ chế qua để sẵn vào tủ mát, lúc nào cần ăn sẽ đem ra chế biến cho hoàn thiện”, chị tâm sự. Cũng may mắn, chồng và các con luôn là các “phụ bếp” chăm chỉ nên việc nấu nướng của chị nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Dù là cơm ngày thường hay vào các ngày đặc biệt, gia đình chị Hưởng đều ăn các món Việt Nam
Các con tuy đều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng vẫn luôn được vợ chồng chị giáo dục sống và làm việc như chị những ngày còn ở Việt Nam. “6 tuổi các con phải học tiếng Việt, 8 tuổi đã theo mẹ nấu nướng, và phải học dọn dẹp nhà cửa, việc gì cũng phải giúp đỡ bố mẹ. 1 tuần đi mua đồ ăn 1 lần”, bà mẹ 7X cho biết.
Vì không ăn đồ Tây nên trong nhà chị Hưởng lúc nào cũng sẵn gia vị, nguyên liệu để nấu đồ Việt. Chị cho biết, muốn có đồ ăn Châu Á, gia đình phải đặt trước rồi người ta mang đến tận nơi. Trong tủ đông lúc nào cũng phải có sẵn đồ để nấu, gia vị thì luôn đầy đủ, không thiếu thứ nào. Chị còn kể, riêng những nguyên liệu Việt Nam, muốn mua phải đặt trước từ 1 tuần đến một tháng mới có vì thế chị luôn yêu quý chúng. Chẳng thế mà mỗi lần về Việt Nam chơi, chị lại mang sang cả… tạ nguyên liệu để dùng dần.
Mỗi bữa ăn bình thường dành cho 5 người chị sẽ làm từ 4-5 món. Mỗi tuần chị sẽ cho cả nhà thưởng thức 4 ngày cơm, còn lại 3 ngày sẽ “đổi gió” bằng bún, phở hoặc các món khác cho tăng phần hấp dẫn.
Là người chỉ chuộng đồ truyền thống, lại chưa khi nào quên đi cội nguồn của bản thân nên cứ khi nào dịp Tết Việt Nam chuẩn bị đến, chị Hưởng cùng chồng con lại vô cùng háo hức chuẩn bị trước 2 tháng. Chị tâm sự, gia đình sẽ cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Riêng các nguyên liệu như đồ khô chị sẽ mua và để sẵn từ trước.
Các nguyên liệu chị chuẩn bị cho ngày Tết không thiếu thứ gì
Các lễ cúng của chị từ ông Công ông Táo, cúng Tất niên, giao thừa, ngày đầu năm mới… chị đều thực hiện không thiếu lễ nào. Mỗi mâm cỗ chị sẽ chuẩn bị ừ 9-10 món ăn truyền thống của người Việt như giò, chả, nem, ninh, mọc, bánh chưng, xôi gấc… đầy đủ hết các món. Các con chị còn háo hức mong Tết đến từng ngày.
Những mâm cỗ Tết đầm ấp của gia đình chị
“Không khí Tết Việt Nam ở bên này rất vui. 25 năm lúc nào cũng vậy, gần tết các anh chị em, mua đồ gà, giò, bánh chưng hay mứt tết, tặng từng nhà. Cũng liên hoan cúng tết niên, 3 ngày Tết, đến nhà nhau ăn cơm và chúc Tết, mừng tuổi cho cả nhà. Gia đình mình năm nào cũng vậy, trên những mâm cỗ Tết chỉ có đồ ăn Việt Nam thôi. Tết quê hương như thế nào, bên này mình mang sang y như vậy”, Chị Hưởng xúc động nói.
Chị còn chia sẻ, vào ngày 30 Tết, các con chị làm cơm cúng cùng với mẹ, chuẩn bị quần áo đẹp, đón giao thừa, chờ bố ra ngoài về chúc Tết, và mừng tuổi. Để các con luôn nhớ về quê hương, cội nguồn, mấy ngày Tết, cả nhà chị luôn cùng nhau nấu cỗ. Nhờ có sự chỉ dẫn của mẹ mà các con chị biết làm hết tất cả các món Tết cổ truyền.
Riêng chiều mồng 1 Tết, chị Hưởng đặc biệt làm 3 đến 4 mâm cỗ để mời tất cả anh chị em họ hàng đến nhà ăn Tết. “Còn mồng 2 và mồng 3 cũng phải thắp hương, qua mồng 4 mới làm cơm hóa vàng. Các con mình luôn mong đến Tết để cả nhà cùng sum họp, không khí vô cùng đầm ấm, vui vẻ”, bà mẹ 7X tâm sự.
Chị luôn mong các con không quên cội nguồn
Với chị Hưởng, điều chị mong muốn nhất trong ngày Tết là các con dù có đi đâu, hay sinh ra ở nơi nào, nhưng phải luôn nhớ về quê hương, gia đình. Và mai sau, khi chị gia đình, các con vẫn luôn giữ được nền nếp, phong tục của Việt Nam, đó chính là cội nguồn của dân tộc, không thể để phai mờ.