Sang Việt Nam 7 lần mới chinh phục được bố vợ, trai Tây “van xin” một điều khiến ai nấy phì cười
Mấy lần đầu sang Việt Nam, anh còn không được gặp bố vợ tương lai, tới lần thứ 5 mới nhận được cái bắt tay, lần thứ 6 được một câu “hello”.
Người ta có câu “ghét của nào trời trao của đấy”, câu nói này có lẽ đúng với câu chuyện tình yêu của chị Phạm Minh Phương (32 tuổi) và anh Dalen Mcclintock (33 tuổi, người Canada, làm phần mềm chấm điểm cho Bộ giáo dục Canada). Được biết, chị Minh Phương hiện là hiệu trưởng trường Ngoại ngữ Sophie Language – một trường ngoại ngữ về tiếng Việt – Trung ở Canada. Để đạt được thành tựu như ngày hôm nay, đó là một hành trình 6 năm ròng rã của chị Phương ở Toronto và con đường đó sẽ chẳng bao giờ đơm hoa kết trái nếu thiếu đi sự đồng hành của chồng chị.
Cùng là du học sinh Trung Quốc, hai người từ ghét sang yêu
Chia sẻ trong chương trình Người kết nối, chị Phương cho biết ngày trước chị và anh Dalen đều là du học sinh tại Trung Quốc, cả hai học chung trường nhưng khác ngành nên không biết nhau. Mãi tới khi anh chị được bạn bè kết nối đi quay quảng cáo cho một hãng điện thoại Trung Quốc thì cả hai mới quen biết nhau.
Lần đầu gặp, chị Phương đã có ấn tượng không tốt với anh Dalen, bởi anh hay làm trò hài hước, trêu ghẹo và chụp hình chị khiến chị không thoải mái, cảm thấy rất mất lịch sự. “Trò hài hước của người Tây thì người châu Á mình không hiểu nên tôi cảm thấy anh rất mất lịch sự. Chẳng hạn như anh hay ghẹo tôi, cụ thể là mặt tôi đã tròn rồi anh còn chụp sát.
Tôi mượn điện thoại anh rồi âm thầm xóa hết những bức ảnh đó. Biết chyện anh la lớn lên khiến đạo diễn, các bạn du học sinh đều quay lại nhìn tôi. Từ lúc đó tôi ghim anh luôn, càng không thích anh hơn”, chị Phương chia sẻ.
Thực ra, anh Dalen thích chị Phương nhưng nghĩ chị đã có bạn trai rồi nên anh không dám chủ động tiến xa hơn. Do đó, anh mới chọc ghẹo chị như vậy để thu hút sự chú ý của người thương.
3 tháng sau đó, chị Phương đại diện nhà trường tham gia cuộc thi thuyết trình và cần người minh họa phía sau cho bài thuyết trình thêm hấp dẫn, nhưng chị lại không nhờ được ai vì mấy người bạn đều bận cả. Ngồi lướt điện thoại, bỗng dưng chị thấy trong danh bạ có cái tên Dalen nên đánh liều gọi nhờ giúp đỡ.
“Thật sự lúc đó tôi không nhớ anh là ai, nhưng đoán đây là du học sinh nước ngoài nên tôi gọi để nhờ. Nghe tiếng anh Dalen tôi mới nhận ra đây đúng là người mình ghét cách đây 3 tháng trước”, chị Phương kể lại. Anh Dalen nhận lời và giúp đỡ chị Phương rất nhiệt tình nên chị cũng dần thay đổi cái nhìn về anh.
Sau buổi thuyết trình, cả hai quyết định làm bạn và dần thân thiết hơn. Thậm chí khi anh Dalen cùng mẹ sang Việt Nam du lịch, chị còn nhiệt tình làm hướng dẫn viên du lịch, đưa mẹ con anh đi ăn, đi chơi khắp chốn.
7 lần sang Việt Nam chinh phục bố mẹ vợ
Sau chuyến du lịch Việt Nam, khi cả hai quay về Trung Quốc để tiếp tục học, chàng trai Canada cảm thấy anh đã thực sự yêu cô gái người Việt Nam này mất rồi. Anh thấy vui vẻ, thoải mái khi ở cạnh chị Phương nên quyết định lấy hết dũng khí để tỏ tình.
Về phía chị Phương, tuy chị thích anh Dalen nhưng thứ tình cảm đó chưa đến mức gọi là yêu. Hơn nữa, thời điểm đó anh Dalen chuẩn bị tốt nghiệp về nước, cảm thấy mối quan hệ này không thể phát triển nên chị luôn giữ khoảng cách với anh. Biết sự lo lắng của chị Phương, anh Dalen đã xin thêm học bổng để ở lại bên người anh yêu.
Tốt nghiệp xong, cả hai tiếp tục học tiến sĩ ở Trung Quốc, nhưng học khác thành phố. Dẫu cả hai cách nhau hàng nghìn cây số nhưng anh Dalen không hề ngại xa xôi, mỗi tuần đều ngồi xe lửa 10 tiếng để đến thăm chị Phương. Hành động này khiến trái tim cô gái Việt Nam thổn thức, và chị biết rằng chị đã yêu người đàn ông này thật lòng mất rồi nên quyết định tiến đến tình cảm lâu dài với anh.
Dẫu vậy, tình cảm của hai người lại vấp phải sự phản đối từ gia đình chị Phương. Bố chị không muốn con gái lấy chồng xa. Nhưng vì đã trúng “tiếng sét ái tình” với chị Phương nên dù khó khăn thế nào anh Dalen cũng quyết tâm lấy người con gái ấy bằng được.
Để lấy lòng bố vợ tương lai, anh Dalen đã đi học tiếng Việt. Khi bị bố bạn gái từ chối gặp mặt hết lần này đến lần khác, anh vẫn kiên trì không chịu bỏ cuộc. Mãi tới khi sang Việt Nam lần thứ 7, anh mới chinh phục được bố vợ tương lai.
Chị Phương chia sẻ: “Anh Dalen sang Việt Nam 7 lần mới chinh phục được bố tôi. Mấy lần đầu bố tôi còn không chịu gặp luôn, tới lần thứ 5 mới bắt tay được một cái, lần thứ 6 nói được 1 tiếng “hello”. Tới lần thứ 7, chúng tôi nói với bố rằng cả hai sẽ tiến tới hôn nhân trong năm tới, nên chúng tôi muốn nói chuyện với bố và gia đình về chuyện tình cảm của hai đứa vì cả hai đã quen nhau trên 3 năm rồi, thì khi đó bố mới chịu ngồi xuống nói chuyện. Lúc đó anh Dalen nói câu “ba ơi thương lấy bí con, tuy rằng khác giống nhưng chung một nhà” mà tôi và bố bật cười”.
Sau khi được bố chấp thuận, anh Dalen mời mẹ qua Việt Nam để thưa chuyện với bố mẹ chị Phương. Ngày 8/8/2015, cặp đôi tổ chức đám cưới. Năm 2016, cả hai tốt nghiệp tiến sĩ ở Trung Quốc rồi sang Canada sinh sống.
Cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người và ngày gặt hái được “quả ngọt”
Vì tốt nghiệp tiến sĩ, lại có nhiều kiệm giảng dạy ở Trung Quốc nên chị Phương khá tự tin khi cùng chồng qua Canada sinh sống. Nhưng rồi, chị đã bị sốc trước thực tế phũ phàng. Canada không công nhận kinh nghiệm làm việc ở các nước ngoài Canada nên lúc mới sang chị không thể tìm được công việc giảng dạy yêu thích mà chỉ có thể đi làm thu ngân ở siêu thị.
Chị Phương kể: “Chúng tôi vừa đi học tiến sĩ ở Trung Quốc, vừa mở trường tiểu học dạy tiếng Anh, song ngữ cho các bé tiểu học, nhưng khi về Canada tôi đã bị sốc. Canada không công nhận kinh nghiệm làm việc ở các nước ngoài Canada, nên khi tôi mới sang đây, dù có nhiều kinh nghiệm dạy học ở Trung Quốc nhưng thời gian đầu tôi đã gặp nhiều khó khăn, vất vả, không xin được công việc đi dạy nào. Tôi chỉ xin được công việc thu ngân ở một siêu thị thôi.
Buổi sáng tôi đi làm ở siêu thị, buổi chiều đi học thêm về các chứng chỉ dạy học ở Canada rồi làm tình nguyện dạy miễn phí cho các trường tiểu học, cao đẳng để lấy thêm kinh nghiệm giảng dạy ở Canada, để sau này xin được việc làm tốt hơn. Sau 2 năm, tôi xin được công việc giảng dạy tại trường tư”.
Sau một thời gian đi dạy, vì thấy chị dạy tốt nên nhiều phụ huynh hỏi tại sao chị không tự mở trường thì chị có ý nghĩ tự mở trường học. Tuy nhiên mọi thủ tục, giấy tờ chị đều không biết, đành phải nhờ chồng làm rất cả. Đến hiện tại, công việc và cuộc sống đều thuận lợi nên chị Phương cảm thấy rất vui và mãn nguyện với những gì chị đang có. Trong tương lai, chị có ý định mở thêm trường mầm non song ngữ.