Số ca mắc mới tại Đức tăng mạnh nhưng tỷ lệ nhập viện có xu hướng giảm

Số ca nhập viện do COVID-19 ở Đức đang có xu hướng giảm, ngay cả khi số ca mắc mới lên cao kỷ lục trong tháng 12 và biến thể Omicron ngày càng phổ biến tại nước này.


Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Cologne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng và trở thành biến thể chiếm đa số trong các ca mắc COVID-19 hiện nay tại Đức.

Tuy nhiên, số ca nhập viện trong tháng 1/2022 có chiều hướng giảm bất chấp số ca nhiễm mới được ghi nhận ở mức cao kỷ lục trong tháng 12 vừa qua.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho biết số ca nhập viện do COVID-19 ở Đức đang có xu hướng giảm, ngay cả khi số ca mắc mới tiếp tục tăng và biến thể Omicron ngày càng phổ biến.

 

Đức đã ghi nhận 58.912 ca mắc mới trong 24 giờ qua và RKI cảnh báo kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới vừa qua có thể làm tăng số ca mắc mới trong các thống kê chậm, thậm chí có thể làm sai lệch số ca mắc hằng ngày.

Theo RKI, số ca mắc mới liên tục lập kỷ lục buồn kể từ đầu tháng 12, trong đó số ca được xác nhận nhiễm biến thể Omicron tiếp tục tăng mạnh, với hơn 35.000 trường hợp, nhiều hơn gấp 3 lần so với số ca ghi nhận chỉ một tuần trước.

Giới chức y tế cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều, vì chỉ một phần nhỏ các xét nghiệm được giải trình tự gien để xác định các biến thể.

Hiện Omicron đã là biến thể chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 tại các bang Schleswig-Holstein và Niedersachsen.

Tại thủ đô Berlin, số ca mắc biến thể Omicron ước tính chiếm khoảng 44% tổng số ca mắc.

Mặc dù số ca trung bình tháng 12 cao hơn 88% so với một năm trước, nhưng số ca nhập viện ở Đức hiện thấp hơn khoảng 36% so với cùng thời điểm vào năm 2021.

Tác dụng của tiêm chủng với số ca nhập viện thể hiện rõ nhất ở những nhóm người từ 60 tuổi trở lên.

Ở độ tuổi này, những người chưa được tiêm vaccine có nguy cơ nhập viện cao hơn nhiều so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc tăng cường.

Tỷ lệ t ử v ong do COVID-19 ở Đức cũng giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục một năm trước.

Tỷ lệ này vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm ngay cả khi số ca nhiễm vẫn tăng lên và biến thể Omicron ngày càng trở nên phổ biến.

Thống kê trên được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể COVID-19 trước đó.

Theo kế hoạch, giới chức liên bang và tiểu bang của Đức sẽ nhóm họp vào ngày 7/1 để thảo luận xem có nên rút ngắn thời gian cách ly dựa trên những bằng chứng cho thấy biến thể Omicron nhẹ hơn hay không./.