Sở hữu căn nhà 16 tỷ ở Mỹ, vợ chồng siêu mẫu Đức Tiến vẫn muốn về Việt Nam nghỉ hưu
Đức Tiến và vợ – hoa hậu Bình Phương – chờ khi con gái đủ 18 tuổi sẽ về Việt Nam định cư và mở trường dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ.
– Gần 10 năm định cư Mỹ, anh đặt ra những mục tiêu nào trong cuộc sống?
– Chín năm trôi qua thật nhanh. Tôi không thể ngờ mình đã ở đây lâu đến thế. Bạn bè, công việc và gia đình, mối bận tâm về tương lai của con cái… cuốn tôi đi. Nhưng dù sống ở đâu, tôi luôn mong muốn xây dựng sự nghiệp và nguồn kinh tế vững vàng để lo cho gia đình. Ngoài ra, sự an vui của mỗi thành viên là điều quan trọng hơn cả.
Sang năm 2022, tôi và bà xã dự định mở một công ty dịch vụ để thỏa mãn đam mê và cải thiện thu nhập. Còn mục tiêu chính vẫn là chăm sóc bé Mèo, giữ sức khỏe và tích cóp để thực hiện kế hoạch sinh thêm em bé.
– Anh từng chia sẻ nguyện vọng về Việt Nam định cư vì cuộc sống quá áp lực, tại sao vẫn đầu tư mở rộng kinh doanh tại Mỹ?
– Về Việt Nam là ước mơ trong tương lai xa. Khi bé Mèo trưởng thành, tôi muốn chọn quê hương là nơi nghỉ hưu. Tôi muốn sống bên bố mẹ, tận hưởng cuộc sống gần gũi thiên nhiên, ăn những món Việt và thưởng thức trái cây miệt vườn tươi ngon. Người già bên này sung sướng theo kiểu Mỹ nhưng cô đơn trong mắt người Việt. Sau thời gian dài bôn ba nước ngoài, tôi hướng về nguồn cội. Làm cả đời rồi, già thì phải nghỉ dưỡng. Mà nghỉ dưỡng thì nơi đâu hơn quê nhà.
– Vợ anh – hoa hậu Bình Phương – lớn lên ở Mỹ. Chị ấy phản ứng ra sao khi anh bày tỏ mong muốn về nước nghỉ hưu?
– Bà xã tán thành ý kiến của tôi. Cô ấy muốn về Việt Nam mở trường dạy kỹ năng cho trẻ bị tự kỷ. Hiện tại, Phương đã bắt đầu tìm hiểu về mô hình này và lên kế hoạch thực hiện từng bước. Ở Mỹ, trẻ bị tự kỷ được hưởng môi trường giáo dục rất tốt còn ở Việt Nam, trường lớp dành cho các cháu chưa nhiều. Chúng tôi hy vọng dự định này sẽ thành hiện thực và ít nhiều giúp đỡ các em vượt qua khó khăn.
– Vợ chồng anh từng bày tỏ mong muốn sinh thêm con trong năm Nhâm Dần. Cả hai làm gì để chuẩn bị cho kế hoạch này?
– Chúng tôi rất muốn sinh con thứ hai trong năm nay, nhưng có lẽ phải hẹn sang năm. Bé Mèo nhà tôi mới chuyển trường, đang trong thời gian thích nghi còn hai vợ chồng quá bận vì vừa chăm con, vừa đi làm và quán xuyến việc nhà. Chúng tôi bàn bạc và quyết định sẽ chờ thêm đến khi con được ba tuổi. Bé cứng cáp và tìm được vú em ưng ý, chúng tôi sẽ triển khai.
Bên cạnh sức khỏe của bà xã, chúng tôi cần chuẩn bị tinh thần và tài chính. Nuôi con ở Mỹ có rất nhiều vấn đề phải lo.
– Theo anh, điều gì là áp lực nhất khi nuôi con ở Mỹ?
– Trẻ ở mỗi độ tuổi, bố mẹ sẽ có những lo toan khác nhau. Bé Mèo sinh vào mùa dịch nên chúng tôi phải canh chừng con rất kỹ. Những lúc bé ho, sốt hay cảm lạnh, chúng tôi vô cùng căng thẳng. Đặc thù công việc khiến tôi phải ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người thì tôi cần cẩn trọng hơn. Ngoài việc mang theo thuốc bên mình, mỗi khi đi xa về, tôi thường chủ động tự cách ly hai ngày để tránh lây bệnh cho con.
Bên cạnh đó, chi phí nhà trẻ tư thục, quần áo, tã bỉm… ở Mỹ khá đắt. Ngoài ra, nếu muốn đầu tư giáo dục cho con trong tương lai, chúng tôi cũng phải tích cóp từ bây giờ.
– Bên cạnh những khó khăn, ưu điểm nào của đất nước này giúp anh thấy yên tâm khi sinh và nuôi con ở đây?
– Ai cũng biết chế độ phúc lợi ở Mỹ rất tốt, đặc biệt là y tế và dịch vụ bảo hiểm. Những điều đó khiến chúng tôi an tâm phần nào khi sinh và nuôi con ở đây. Nhưng chúng tôi không chủ quan mà rất cẩn thận trong việc giữ gìn sức khỏe cho con. Nếu bé bị bệnh nhẹ, chúng tôi cũng chủ động điều trị chứ không phụ thuộc vào bác sĩ. Ở Mỹ, ai cũng bận rộn, viện phí lại cao nên nếu cứ ốm là đi bệnh viện thì sẽ phải nghỉ làm để chăm nhau, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Giáo dục tiên tiến, môi trường cởi mở cũng là những ưu điểm cho trẻ phát triển ở Mỹ.
– Vợ chồng anh nuôi dạy con gái theo lối sống Mỹ hay kiểu truyền thống Việt Nam?
– Bé Mèo đang học ở trường mẫu giáo 100% cô giáo và các bạn là người Mỹ. Ở nhà, con tiếp xúc hai ngôn ngữ nên chậm nói hơn các bạn, nhưng khi nói được sẽ có cả tiếng Mỹ và tiếng Việt. Bên này, con cái được tự lựa chọn và quyết định hướng đi riêng, cha mẹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Chúng tôi không đưa ra phương pháp cụ thể để dạy cháu theo kiểu Việt hay Mỹ. Bé thích học hỏi và phát triển theo cách nào thì con sẽ chủ động. Chúng tôi mong bé yêu thích và hiểu cả hai nền văn hóa.
Hiện tại, bé Mèo có tính cách mạnh mẽ và dạn dĩ. Khi bé lớn lên, tôi mong con dù chọn ngành nghề nào cũng giữ được những đức tính quý báu của người phụ nữ Việt Nam như chăm lo cho gia đình, siêng năng và nhân ái. Ngoài ra, con có thêm lối sống cởi mở, thân thiện như người Mỹ thì rất tốt.
Nguyên Thảo – ngoisao.net