Số phận của người phụ nữ Việt Kiều bơ vơ xứ người ở tuổi 50: Về không được mà ở cũng chẳng xong
Có người hỏi sao tầm tuổi này chị không chọn ổn định tại quê nhà. Chị nói ai cũng có hoàn cảnh riêng dẫn đến những quyết định lớn trong đời. Ở quê nhà làm ăn khó quá…Chị nói dạo này có nhiều biến cố trong cuộc sống riêng và cần có người chia sẻ.
Ở xứ này, thời gian quý như vàng theo đúng nghĩa đen của nó. Mọi người mải cuốn theo nhịp sống công nghiệp, lo làm ăn, lo cho gia đình con cái, thế nên một cái hẹn với người bạn thân mà mãi mới thực hiện được.
Sang trời Tây, chị làm quen và chơi thân với vài đồng hương học cùng lớp ngôn ngữ bản địa. Khóa học này do chính quyền thành phố tài trợ, giúp những người mới nhập cư nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Lúc đó, chị đã chạm ngưỡng năm mươi. Nhiều lần trong những giờ giải lao, có người hỏi sao tầm tuổi này chị không chọn ổn định tại quê nhà. Tuổi ấy con người ta cần người thân, gia đình lớn bên cạnh, hơn là bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. Chị nói ai cũng có hoàn cảnh riêng dẫn đến những quyết định lớn trong đời. Gia đình chị có tám anh chị em ruột.
Ở quê nhà làm ăn khó quá, hơn nữa anh em ai cũng lo cho cuộc sống riêng của mình. Ở tuổi này không nghề nghiệp ổn định, không chồng con, chị không muốn vô hình trung trở thành gánh nặng cho những anh chị em khác. Thông qua một người bạn giới thiệu, chị quen chồng chị bây giờ, một người đàn ông Tây góa vợ, cũng rất cần một chỗ dựa tinh thần khi về già. Anh chị đến với nhau một cách tự nguyện, vui vẻ, trên tinh thần tôn trọng, lắng nghe và cảm mến nhau.
Chị kết hôn, nhanh chóng hưởng những phúc lợi xã hội của người nhập cư nhờ chính sách nhân văn của đất nước sở tại.
Chị cũng bắt đầu đi làm, dần gửi tiền về quê nhà phụ giúp những anh chị em khác. Người thân bắt đầu quý chị ra mặt, thường xuyên gọi điện, thư từ sang hỏi thăm động viên chị. Mỗi lần chị dẫn chồng về quê hương, các anh chị em ruột đưa hai vợ chồng đi thăm thú cảnh đẹp, thăm họ hàng thân thích. Họ không giấu niềm tự hào trong gia đình có người chị lập gia đình và định cư ở một đất nước châu Âu hiện đại.
Tuy nhiên, thần may mắn không mỉm cười mãi với chị. Anh chị sống với nhau chưa được bao lâu thì trong một lần khám sức khỏe định kỳ, anh được bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi. Vậy là thay vì được nắm tay anh đi hết tuổi già và tận hưởng cuộc sống hưu trí an nhàn ở phương Tây, giờ đây những tháng ngày vất vả bận rộn của chị chỉ xoay quanh giường bệnh của chồng.
Nửa năm sau, chồng chị mất. Những đứa con riêng của anh cùng người vợ cũ với luật pháp nắm trong tay, tìm cách hất chị ra khỏi ngôi nhà lâu nay anh chị gắn bó bên nhau. Nơi đất khách quê người, chị bơ vơ không chỗ ở, không người thân thích. Những nhà hoạt động xã hội ra tay giúp sức để chị có một căn phòng nho nhỏ làm chốn dung thân.
Khi tâm thế bình phục trở lại, chị lại đau đáu cho những người thân nơi quê nhà. Chị lao ra ngoài đi làm. Đồng ngoại tệ có sức mạnh lớn lao. Chỉ trong vòng tám năm sau đó, nhờ chịu khó làm ăn tích góp gửi về, chị đã kịp lo cho hai đứa em hai căn hộ chung cư.
Nhưng rồi chị yếu dần. Căn bệnh thấp khớp tìm đến chị, nhất là trong điều kiện thời tiết châu Âu lạnh lẽo.
Chị thèm và nhớ nắng ấm phương Nam ngập tràn bốn mùa nơi quê nhà. Nghĩ tuổi già quạnh quẽ, với tâm lý “lá rụng về cội”, chị lo giấy tờ tìm cách hồi hương. Nhưng lần về thăm gần đây nhất, những đứa em của chị đã làm chị vỡ mộng.
Chị nói với hai đứa em, chị về già rơi vào cảnh không chồng không con. Hai căn hộ của hai đứa phần nhiều nhờ công sức của chị. Chị muốn hồi hương, ở chung cùng một trong hai đứa, rồi lấy việc chăm sóc các cháu làm niềm vui tuổi già. Nhưng lòng người vốn khó lường, hai đứa em chị đứa nọ đùn đẩy đứa kia, chẳng ai chịu chia sẻ với chị lúc chị bước vào tuổi xế chiều cô quạnh. Chúng nó còn trơ tráo, ở nước ngoài sướng vậy, có chính sách cho người già đủ đầy, mắc mớ gì chị hồi hương, làm gánh nặng cho anh chị em khác.
Chị ngớ người. Hóa ra bài học về đồng tiền và cách sử dụng chúng, ở tầm tuổi này chị vẫn phạm phải sai lầm. Giờ đây tuổi già bơ vơ nơi xứ người, chị về không được mà ở cũng chẳng xong…
(tapchicanada.com)