Sốc với phản ứng “lạ” của Putin khi Nga bị quân đội châu Âu hùng mạnh đe dọa
Mong muốn của châu Âu trong việc xây dựng một quân đội riêng và chấm dứt sự phụ thuộc vào Washington trong vấn đề phòng thủ là điều không chỉ dễ hiểu mà còn mang tính “tích cực” đối với thế giới đa cực, Tổng thống Vladimir Putin đã nói như vậy sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kịch liệt chỉ trích kế hoạch này. Phản ứng của Tổng thống Putin thực sự gây bất ngờ bởi trước đó Pháp tuyên bố muốn xây dựng một quân đội châu Âu hùng mạnh để đối phó với cả Nga và Mỹ.
“Châu Âu là …. một liên minh kinh tế hùng mạnh và sẽ chỉ là điều hết sức tự nhiên khi họ muốn độc lập và…..chủ quyền trong lĩnh vực an ninh và phòng thủ”, Tổng thống Putin phát biểu với hãng RT tại thủ đô Paris khi ông cùng với nguyên thủ của nhiều nước đến tham dự lễ kỷ niệm 100 ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ I.
Tổng thống Putin cũng miêu tả viễn cảnh châu Âu thiết lập quân đội riêng như một “tiến trình tích cực”, nói thêm rằng điều đó sẽ giúp “tăng cường sức mạnh của thế giới đa cực.” Nhà lãnh đạo Nga thậm chí còn thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon – người gần đây đang tích cực vận động cho ý tưởng trên bằng cách nói rằng lập trường của Nga trong vấn đề này “xét về một mặt nào đó trùng với lập trường của Pháp”.
Ông Macron đang nỗ lực tìm cách khôi phục lại kế hoạch tham vọng về việc xây dựng một quân đội châu Âu với lý do đây là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo an ninh cho Châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp cũng cho rằng, Liên minh Châu Âu (EU) phải trở nên độc lập với đồng minh chính ở bên kia Đại Tây Dương – Mỹ. Lời kêu gọi của Tổng thống Macron đã nhận được phản ứng tức giận từ Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kịch liệt phản đối ý tưởng trên, miêu tả đó là điều “mang tính xúc phạm”. Ông chủ Nhà Trắng đòi Châu Âu trả lại cho Mỹ những gì mà Mỹ đã “trợ cấp cho NATO”. Nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp sau đó đã tìm cách xoa dịu bất đồng khi họ đều nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng “một Châu Âu mạnh hơn” và miêu tả cuộc tranh cãi nói trên giữa họ chỉ là “sự hiểu nhầm.”
Tuy nhiên, Pháp và Mỹ dường như chưa đạt được một sự thỏa hiệp trong vấn đề liên quan đến an ninh. Tổng thống Trump vẫn khăng khăng đòi EU chia sẻ “gánh nặng tài chính của NATO” trong khi Tổng thống Macron đã thể hiện rằng ông này không sẵn sàng từ bỏ ý định xây dựng một lực lượng quân sự Châu Âu độc lập với Mỹ.
Tổng thống Trump vẫn thường cáo buộc các thành viên của liên minh NATO về việc chất mọi gánh nặng chi tiêu quốc phòng lên Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, Mỹ vẫn đang đầu tư tiền vào NATO nhiều hơn bất kỳ nước nào khác và rằng các nước thành viên NATO chỉ bắt đầu tăng phần đóng góp của họ kể từ khi ông này lên cầm quyền. Ông Trump kêu gọi các đồng minh phải tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng.
Một trong những vấn đề nóng nhất trong hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng Bảy là việc chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng. Tổng thống Trump từng cảnh báo sẽ rút quân Mỹ ra khỏi châu Âu và không đảm bảo an ninh cho châu Âu nếu các nước EU không tăng chi tiêu quốc phòng. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về an ninh trong các nước EU. Kết quả là ý tưởng thành lập một quân đội châu Âu đã ra đời.
Theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp, một quân đội châu Âu được xây dựng nhằm đối phó với cả Nga và Mỹ. Đây là lời kêu gọi bị Tổng thống Mỹ chỉ trích là một “hành động mang tính xúc phạm”.
Trong khi đó, phát biểu về mối quan hệ giữa Moscow với NATO và Washington, Tổng thống Putin cho rằng, Nga luôn sẵn sàng đối thoại, đồng thời thêm rằng hiện tại “quả bóng đang nằm về phía sân của Mỹ”. “Chúng tôi không phải là bên rút ra khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Mỹ mới là lực lượng muốn rút khỏi INF”, ông Putin nói. Ông chủ điện Kremlin bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán có thể được khôi phục, quan trọng nhất là ở cấp độ chuyên gia, để có thể cứu vãn thỏa thuận vũ khí đã tồn tại 30 năm qua.
Tổng thống Putin còn cho biết, Nga gần đây đã tránh không tổ chức một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần NATO để giảm căng thẳng trong khu vực. Ông Putin nhấn mạnh, Moscow “không có vấn đề gì” với các cuộc tập trận của NATO và hy vọng hai bên có thể tiến hành những cuộc đàm phán trong lĩnh vực này.