Sống ở Mỹ dễ hay khó? – Học, thi lấy bằng lái và mua xe

Với cá nhân tôi, việc lái xe cấu thành bởi mấy yếu tố: Kỹ năng điều khiển chiếc xe, tác phong chạy xe và khả năng về đường sá.

Có quyền thi rớt… 3 lần

Nếu đã biết lái xe ở VN, bạn sẽ không phải học thêm kỹ năng điều khiển xe, tuy nhiên bạn sẽ phải điều chỉnh phần nào tác phong chạy xe. Còn khả năng về đường sá thì ai cũng học từ đầu.

Ở nhiều bang có đông người Việt, người ta cho phép học và thi phần lý thuyết bằng tiếng Việt. Ở thành phố tôi ở, để vượt qua phần học và thi lý thuyết bằng tiếng Việt, mỗi người đến trung tâm đóng 50 đô la, học từ sáng đến nửa giờ buổi chiều thì thi luôn trong ngày. Hầu như ai cũng vượt qua phần này. Sau khi thi đậu, sẽ nhận một mảnh giấy A4, có chữ ký của… cán bộ chấm thi và có thể lái xe, nếu có một người trên 21 tuổi, có bằng lái trên 1 năm ngồi cạnh (số tuổi và thời hạn này có thể xê dịch ở mỗi bang). Vì vậy, về mặt lý thuyết, bạn bước chân ra khỏi nhà buổi sáng khi chưa biết gì, nhưng buổi chiều bạn đã có thể lái xe về nhà.

Luật không hề “làm khó nhau”, nhưng nếu kỹ năng lái, tác phong, đường sá chưa quen, bạn gây tai nạn là hàng tỉ thứ đổ xuống đầu ngay lập tức. Vì vậy, hãy bớt nóng, về nhà lo ôn lại lý thuyết cho nhuyễn, ngồi cạnh người khác, nhìn cách họ lái xe, quan sát đường sá, bảng chỉ dẫn một thời gian, sau đó hãy ngồi vào vô lăng. Cũng như phần thi lý thuyết, có nhiều cá nhân nhận dạy thi lấy bằng thực hành, giá khoảng 400 – 500 đô từ lúc bắt đầu cho đến khi có bằng. Ai không thích học thầy, có thể học với thân nhân.

Vì bất kỳ ai trên 21 tuổi, có bằng trên 1 năm (luật Texas) đều có thể dạy bạn lái xe. Không phải học và thi trong sa hình như ở VN mà mọi thứ đều bắt đầu luôn bằng thực tế. Cứ bò từ đường nhỏ, ra dần đường lớn. Trong khi sát hạch thực hành, người ta không bắt bạn chạy ra cao tốc, nên cứ yên tâm chạy cho nhuyễn trong đường nhỏ. Sau khi chạy đã… nhuyễn nhuyễn, bạn đến các trung tâm an toàn giao thông, nộp 25 đô để thi thực hành.

Bạn có quyền thi rớt 3 lần. Qua lần thứ tư phải đóng tiếp 11 đô. Trên lý thuyết, hễ thi rớt, bạn có thể đăng ký thi lại ngay lập tức. Nhưng “chiến tích” của bạn được giám khảo ngồi cạnh ghi hết vô biên bản và lưu trên hệ thống mạng. Giám khảo lần sau trước khi lên xe bạn để chấm sẽ ngó lại tên bạn trên hệ thống. Vì vậy, để cho chắc, nếu vừa thi rớt thì nên về nhà luyện lại một đôi tuần hãy quay lại.

Khi thi thực hành bạn có thể lái bất cứ chiếc xe nào mà bạn thấy quen, có quyền nhìn camera khi lùi, nếu xe có option này. Bài thi gồm lùi vào khoảng trống xe trước – sau (parallel). Băng qua vài cái stop sign, vài ngã tư, vài lần quẹo trái, quẹo phải. Miễn sao bạn lái đúng tốc độ, ra vô hợp lý, nhường nhịn đúng luật là có thể đậu. Song trong thực tế mình từng biết nhiều người thi trên dưới 10 lần vẫn… nhận đồng hồ quả lắc từ giám khảo. Sau khi cầm bằng lái trong tay, bạn sẽ còn lọng cọng một thời gian. Với đủ thứ bi hài. Va quẹt trầy xe đôi lần, phải đem đi sửa.

Công sửa xe ở Mỹ cực cao so với VN, một chỗ móp, một đường trầy nhỏ cũng vài trăm đô. Bảo hiểm có thể trả, nhưng “chiến tích” bị ghi vào lịch sử chiếc xe, không thể giấu diếm. Và tiền bảo hiểm phải đóng sẽ tăng lên. Chạy xe trên đường ở Mỹ bạn không thể bò chậm chậm, nhớn nhác kiếm chỗ quẹo mà phải lao theo tốc độ đồng bộ với các xe xung quanh. Cũng không thể tấp vô lề để… lấy bình tĩnh, cảnh sát sẽ đến hỏi ngay, vì làn dừng bên cạnh chỉ dành cho các tình huống khẩn cấp.

Vì vậy việc vọt qua chỗ cần quẹo sẽ xảy ra dài dài. Vọt qua rồi cũng không thể… gài số de hay quay đầu hồn nhiên, mà phải… chạy tiếp tìm lối quay lại. Đường ở Texas có hệ thống song song, nên có thể quay lại điểm cũ sau một đôi dặm, nhưng ở nhiều tiểu bang, nếu đã lỡ vọt qua, bạn có thể phải chạy hàng chục dặm mới có chỗ quay lại điểm cũ.

Đặc biệt, rất nhiều người cầm lái mười mấy năm vẫn không dám lên cao tốc, vì ở Texas tốc độ cho phép trên cao tốc nội đô đã khoảng 60 dặm/h (1 dặm bằng 1,6 km), ra ngoại ô cho chạy tới 70 – 80 dặm.

Chỉ cần lơ đãng là chiếc xe hơi sẽ hóa thành… trực thăng. Nhưng khi lái đã quen, cái cảm giác ôm vô lăng một chiếc xe trên cao tốc Mỹ nó… đã gì đâu. Mới tuần rồi, hai vợ chồng thay nhau chạy một chiếc Sienna, cùng các con vi vu với tốc độ 130- 140 cây số trên giờ, mà thấy vẫn còn có thể… đạp thêm ga.

Vì xe đầm, đường tốt. Nhìn cung đường phẳng phiu, rừng cây hai bên xanh như mộng, thấy… khó tin quá. Mong sao được lái xe an toàn, để cảm giác ấy còn hoài, vì với việc xe cộ, chẳng ai dám nói trước điều gì. Kỳ sau mình sẽ kể tiếp tới chuyện mua xe ở Mỹ.

Không có chiếc xe là… tuyệt vọng

Một trong những khoản mua sắm đầu tiên khi đến Mỹ của mỗi gia đình đó là chiếc xe hơi. Nó đơn giản như chiếc xe máy ở VN, đó là “đôi chân” của mỗi nhà. Thậm chí cần thiết hơn thế, bởi ở Mỹ người ta giãn dân rất tốt, khu vực nào cũng có đầy đủ các thiết chế hạ tầng, nên dân không hề muốn ở mấy vùng đô thị tập trung, ồn ào, chật chội.

Trung tâm nhiều thành phố lớn ở Mỹ, sau giờ làm việc, bạn có thể… trải chiếu ngủ giữa đường vì chúng vắng hoe. Chính vì giãn dân, nên đi làm, đi gặp bạn bè có thể phải chạy xe rất xa. Không có chiếc xe là… tuyệt vọng!

Tuy nhiên, mục đích mua một chiếc xe của mỗi người mới nhập cư còn hơn thế. Bởi như tôi đã nói ở phần đầu, mọi khoản chi dụng của người dân Mỹ đều gắn liền với tín dụng và dùng hàng trả góp. Muốn mua gì cũng phải có tín dụng, nhất là nhà cửa. Muốn xây dựng điểm tín dụng thời gian đầu, không gì tốt hơn mua một chiếc xe hơi mới trả góp – xin nhắc lại là mua mới trả góp, chớ mua trả một lần, coi như bạn bỏ qua cơ hội xây tín dụng.

Hằng tháng, nếu bạn thanh toán cho ngân hàng đầy đủ, đúng hạn, điểm tín dụng của bạn sẽ được bồi đắp dần, cho đến khi đủ dùng nó để mua nhà. Tuy nhiên, muốn mua một chiếc xe hơi trả góp, bạn… phải có tín dụng, đó là điều cắc cớ, khó khăn với không ít người. Cách thường làm đó là nhờ một người thân, có điểm tín dụng tốt, chịu đứng tên chung với mình để mua chiếc xe ấy.

Thực sự, việc nhờ vả này không hề dễ, nếu không phải là người thật thân. Vì chỉ cần bạn… lơ đãng quên trả, điểm tín dụng của họ cũng bị lôi tuột xuống theo, họ cũng phải tiết lộ thu nhập với ngân hàng, cùng nhiều hệ lụy khác. Mà người ở Mỹ lâu năm, mọi rắc rối kiểu này họ luôn có xu hướng… né xa.

Trong trường hợp không muốn mua xe hơi mới, bạn có thể chọn một chiếc xe cũ, loại mới lăn bánh khoảng vài chục ngàn miles, với giá thấp hơn hẳn.

Xe hơi ở Mỹ thì khỏi nói. Bởi tất cả các hãng xe trên thế giới đều coi thị trường Mỹ là quan trọng số một. Mọi ưu tiên về trang thiết bị, độ an toàn, chất lượng xe… thị trường Mỹ luôn ở hàng cao nhất. Một chiếc xe nhập khẩu từ Mỹ là niềm mơ ước của giới chơi xe ở VN.

Bởi cùng một hiệu xe, một dòng đời… thì bản lắp ráp nội địa VN luôn có chất lượng chỉ khoảng 2/3 xe Mỹ. Nhưng giá xe ở VN lại cao trung bình gấp 3 lần một chiếc xe cùng loại ở Mỹ. Ví dụ, hồi tôi mua chiếc Toyota Camry XLE đời 2016, với giá 27 ngàn USD, trong khi đó trên một trang bán xe ở VN rao giá 2,2 tỉ đồng.

Nguyễn Danh Lam