Sống ở nước ngoài hơn 10 năm, tiến sĩ người Việt: Xin cha mẹ đừng cho con đi Tây du học

‘Tưởng cô ở nước ngoài thế nào, ai lại đi khuyên cháu thế bao giờ’, phụ huynh này ngạc nhiên khi được tư vấn rằng đừng cho con trai đi du học.

‘Tưởng cô ở nước ngoài thế nào, ai lại đi khuyên cháu thế bao giờ’, phụ huynh này ngạc nhiên khi được tư vấn rằng đừng cho con trai đi du học.

Chị N.K, một tiến sỹ người Việt hiện là chuyên gia nghiên cứu tại trường Excelia – Pháp. Với kinh nghiệm nhiều năm học hành và làm việc tại nước ngoài, chị có nhiều bài viết về các vấn đề giáo dục và những chia sẻ về kinh nghiệm du học, kỹ năng học tập và phát triển bản thân cho các em học sinh, sinh viên.

Ngày cuối tuần, tôi nhận được cuộc gọi từ một người bạn ở Việt Nam. Con trai chị đang học lớp 11, chị muốn chuẩn bị cho con du học sau khi kết thúc lớp 12. Chị hỏi tôi nên cho con đi đâu, học trường nào?

Chị cứ ngỡ rằng sống lâu ở châu Âu, lại làm việc trong ngành giáo dục, hẳn tôi “cái gì cũng biết”. Câu trả lời của tôi khiến chị ngỡ ngàng:

– Em làm sao biết được, chị phải hỏi con trai chị chứ.

Không muốn phụ lòng bạn tôi, tôi cố gắng hỏi thêm vài câu hỏi để biết rõ thông tin, hy vọng có thể đưa ra lời khuyên chính xác. Nhưng đáng tiếc là, cuối buổi nói chuyện, tôi lại khuyên chị nên cho cháu ở nhà.

Du học cũng cần có LÝ DO

Trong suốt 10 năm sống ở nước ngoài, tôi thường xuyên được các bạn trong nước xin lời khuyên về việc du học. Có thể thấy, nhu cầu được du học là rất lớn và lý do mong muốn đi du học cũng rất đa dạng.

Đối với các bé cấp 3, phần lớn lý do các cháu đi du học là “bạn bè trong lớp đều đi cả, cháu cũng muốn đi”. Đáng tiếc là không chỉ các cháu mà nhiều phụ huynh cũng có suy nghĩ như vậy. Vì nhìn thấy bạn bè xung quanh đều đã cho con du học cả, mà con mình lại học ở Việt Nam thì bỗng nhiên cảm thấy thiệt thòi cho con quá.

Nếu các cháu học cấp 3 ở trường tư hay quốc tế thì con đường du học gần như hiển nhiên. Một số khác học ở trường chuyên, lớp chọn, nếu điều kiện kinh tế của cha mẹ không quá dồi dào thì các cháu sẽ dốc sức để tìm học bổng. Ngày này, cơ hội tiếp cận thông tin rất lớn, chưa kể các trung tâm tư vấn mọc lên nhan nhản nên việc tìm hiểu khoá học, trường học dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vì nhiều khi để đi cho bằng bạn bằng bè, nên vội vã nhắm mắt chọn đại 1 chương trình nào đó.

Một bộ phận phụ huynh khác cũng suy nghĩ rằng cho con ra nước ngoài để con đỡ hư, vì sợ rằng ở môi trường đại học trong nước, các con sẽ dễ tiếp xúc với nhiều bạn hư. Nhất là giờ đã lớn, suy nghĩ đã tự do hơn, cha mẹ không quản được.

Có lẽ phụ huynh không biết rằng, du học thì các con vẫn có thể “hư”, theo một cách nào đó. Nhốt mình trong phòng chơi điện tử suốt đêm, có hư không? Ăn uống thì toàn dùng đồ có sẵn, có hư không? Bỏ học đi chơi, có hư không? Vào bar, hút cần, bia bọt tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, có hư không? Ở Việt Nam có gì thì ở Tây cũng có đủ, muốn hư là hư được ngay.

Chuyên gia nghiên cứu giáo dục N.K
Có lẽ phụ huynh không biết rằng, du học thì các con vẫn có thể “hư”, theo một cách nào đó. Ở Việt Nam có gì thì ở Tây cũng có đủ, muốn hư là hư được ngay.

Một nhóm khác, hầu hết là những người đã tốt nghiệp đại học và đi làm được vài năm, bỗng chốc bùng lên mong muốn được đi nước ngoài. Một mặt cũng là vì bạn bè cùng lứa đã đi du học (và cuộc sống qua MXH của họ mới đáng mơ ước làm sao chứ!); mặt khác, cũng là vì cảm thấy bế tắc, chán nản với công việc, cuộc sống hiện tại ở Việt Nam nên muốn ra nước ngoài để trải nghiệm cuộc sống mới. Cho nên khi tôi hỏi họ muốn học gì, ở đâu khi ra nước ngoài thì các bạn đều trả lời rất mông lung, vì chính họ cũng không thể xác định được mình muốn gì.

Thực ra, mong muốn “trải nghiệm cuộc sống mới” cũng không có gì sai trái cả, có điều, đó lại không phải là một lý do thuyết phục đối với việc HỌC. Trong những người tôi đã từng trò chuyện, rất ít người hiểu rõ họ muốn học gì, tại sao, và lộ trình sau khi học xong sẽ thế nào.

Rất có thể, chính vì không tìm hiểu kỹ ngay từ đầu mà nhiều người đã phung phí rất nhiều tiền bạc lẫn thời gian ở một nơi mình không thuộc về, thậm chí là tổn hại đến cả sức khoẻ lẫn tinh thần.

Du học không chỉ là màu hồng như chúng ta thường thấy

Trên thực tế, cuộc sống ở nước ngoài không phải là màu hồng như chúng ta vẫn thường thấy trên mạng xã hội.

Một người mới ra nước ngoài lần đầu tiên sẽ thường phải đối mặt với những rào cản về ngôn ngữ (kể cả khi chúng ta đã đạt chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu), rào cản văn hoá, lối sống, luật lệ. Đó là còn chưa kể đến những xa cách, thiếu thốn về mặt tình cảm. Nhiều du học sinh Việt Nam cũng thiếu kỹ năng sống một cách đáng kể, đặc biệt ở bậc đại học.

Chuyên gia nghiên cứu giáo dục N.K
Một người mới ra nước ngoài lần đầu tiên sẽ thường phải đối mặt với những rào cản về ngôn ngữ, rào cản văn hoá, lối sống, luật lệ. Đó là còn chưa kể đến những xa cách, thiếu thốn về mặt tình cảm. Nhiều du học sinh Việt Nam cũng thiếu kỹ năng sống một cách đáng kể, đặc biệt ở bậc đại học.

Tôi còn nhớ một mùa hè năm nọ tôi đưa bố mẹ tới Bordeaux, một thành phố thuộc phía tây nam nước Pháp, chơi. Để tiết kiệm, chúng tôi mượn căn hộ của một du học sinh Việt Nam để ở tạm vài ngày, trong khi em ấy về nghỉ hè thì căn hộ cũng để trống.

Nhưng khi bước vào phòng chúng tôi không tin nổi vào mắt mình. Khắp căn phòng quần áo ném vương vãi, đồ dùng vứt lung tung. Bước vào bếp, tôi choáng váng vì thậm chí thức ăn thừa đã mốc lên trong nồi và lũ gián đang hăng say tung hoành gian bếp. Cứ như thể, em sinh viên bỏ chạy về Việt Nam trong vội vã và không kịp dọn dẹp gì.

Mẹ tôi đã phải thốt lên: “Nếu cha mẹ biết con cái đi Tây mà sống thế này, hẳn sẽ phải đau lòng lắm!”.

Chúng tôi không còn cách nào khác, đành phải trả lại căn hộ và ra ngoài thuê khách sạn.

Việc học tập ở nước cũng đòi hỏi khả năng tự học rất lớn, nghĩa là giáo viên thường không đi theo sau để đốc thúc, giục giã mà người học cần phải tự chủ hoàn toàn. Vì thế, ban đầu sinh viên cứ tưởng rằng thầy cô ở Tây dễ tính, việc học bên Tây cũng thoải mái, nhẹ như lông hồng, nhưng đến gần cuối kỳ thì mới “sáng mắt ra”.

Đừng chỉ nhìn cuộc sống màu hồng trên mạng xã hội.

Ngoài ra, không chỉ tự chủ mà còn đòi hỏi người học cần phải biết tự học, tự nghiên cứu, chứ không chỉ thầy giảng trò ghi một cách thụ động ở trên lớp. Tài liệu phải biết cách tự tìm kiếm, tự tổng hợp, phải đọc, viết rất nhiều để tự tích luỹ kiến thức. Thầy cô giáo chỉ là người hướng dẫn trên lớp và trả lời các thắc mắc của sinh viên.

Khốn nỗi, sinh viên Việt Nam, nhiều khi vì bản tính nhút nhát, tự ti, lại vướng rào cản ngôn ngữ nên hầu như rất ít khi dám phát biểu hay đặt câu hỏi trên lớp. Rào cản ngôn ngữ đã khiến nhiều du học sinh không thể hoàn thành khoá học, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm. Nếu lượn qua một vòng các Hội sinh viên Việt Nam các nước, không nơi nào là thiếu vắng những câu hỏi này.

Bên cạnh đó, rào cản về văn hoá cũng khiến nhiều du học sinh không thể hoà nhập với cuộc sống ở nước bạn, chỉ sống khép kín và thu mình trong cộng đồng Việt Nam. Chính vì vậy, đến khi đi làm cũng rất khó hoà hợp với đồng nghiệp và tạo được mối gắn kết với người bản xứ. Với tình trạng như vậy thì dù mang tiếng là đi du học nhưng du học sinh lại không học hỏi được cái hay, cái khác biệt ở nơi mình đến.

Đây là quyết định sẽ thay đổi cuộc đời, hãy để con là người chủ động

Tôi đã khuyên người bạn của tôi để con học ở Việt Nam vì cho tới giờ phút này, chị vẫn không biết rõ con trai muốn học ngành gì và ở đâu. Nơi con muốn đến thì chị lại không muốn để con đi, nơi chị chọn thì con trai chị không muốn.

Đây là quyết định sẽ thay đổi cuộc đời cháu, hãy để cháu là người chủ động trong dự án này, bằng không, anh chị chỉ phí tiền vô ích mà có khi còn bị cháu trách móc đấy. Cháu còn cả cuộc đời phía trước, đừng ép cháu làm việc cháu không muốn hay không sẵn sàng.

Hãy tưởng tượng thế này, việc đăng ký vào một chương trình học cũng giống như tìm hiểu mà mua một đôi giày vậy. Bạn phải mua được đôi giày đúng cỡ của bạn, nếu không đi sẽ rất đau chân. Bạn cần chọn kiểu giày phù hợp với vóc dáng, nếu không đi vào trông kệch cỡm. Chưa hết, đôi giày đó dù bạn thích chết đi được, cũng cần phù hợp với túi tiền.

Mua giày, đôi khi bạn còn có cơ hội đổi hay trả lại, nhưng đăng ký một chương trình thì lại khác. Mà kể cả khi bạn quyết định mua đôi giày khác, thì chân bạn cũng đã đau, tiền bạn đã mất, và bạn tốn thêm thời gian để chọn lựa.

Bởi vì du học sẽ là một quyết định thay đổi cuộc đời, phụ huynh cũng như học sinh hãy dành nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu trước khi quyết định, để tránh phí phạm những ngày tháng tươi đẹp của cuộc đời ở một nơi xa lạ.