Suốt 15 năm ở trời Tây tôi luôn muốn về Việt Nam lập nghiệp
Ở trời Tây, dù bạn có nói tiếng bản xứ tốt thế nào, làm công việc tốt thế nào, ở nhà to thế nào thì trong mắt họ bạn vẫn không phải là người bản xứ.
Gần đây, rất nhiều bài viết, Facebook, Blog … nói về chuyện du học sinh với nỗi trăn trở “ở hay về?”. Có nhiều ý kiến trái chiều mà theo cách đánh giá của tôi, có thể chia làm hai nhóm.
Nhóm du học sinh trẻ “không (chưa) về” vì nghĩ mình không có cơ hội cống hiến, lãng phí tài năng, công sức học hành của bản thân và sự đầu tư của gia đình.
Nhóm người lớn tuổi hơn, đang sống và làm việc ở Việt Nam thì nói các bạn trẻ hãy “về đi”, đất nước đang phát triển, người thực tài chắc chắn sẽ có cơ hội.
Ai đúng ai sai thật sự rất khó có câu trả lời thỏa đáng vì ở hay về là quyết định quan trọng nhất của du học sinh trong thời điểm này. Ngay bản thân tôi cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng cho mình, thế nhưng… tôi sẽ về.
Cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa, tôi rời xa gia đình sang Pháp du học từ năm 18 tuổi (năm 2001). Trong thời gian đi học, vài người bạn của tôi đã bỏ về Việt Nam vì không chịu nổi chương trình học cũng như sự khắc nghiệt của cuộc sống ở đây.
Năm 2007 – 2008, khi chúng tôi tốt nghiệp thạc sĩ, một số bạn bè tôi đã quyết định về Việt Nam để bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Vài năm sau (năm 2011, 2012), tôi lại phải chia tay một số bạn, họ về nước sau vài năm có kinh nghiệm làm việc, có giấy thường trú và có người còn xuất sắc sở hữu bất động sản để lại cho thuê.
Họ về để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho mình. Tôi nói đây không chỉ là cơ hội chứng tỏ, làm giàu mà là cơ hội cống hiến, cơ hội đem chút kiến thức, kinh nghiệm học được ở trời tây về làm điều gì đó cho đất nước mình tốt hơn, giàu hơn, mạnh hơn.
Và đến bây giờ, những người bạn ấy chưa quay lại Pháp vì thất bại ở Việt Nam và cũng chưa có ai nói với tôi rằng họ hối tiếc về quyết định của mình.
Ngay bản thân tôi cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng cho mình, thế nhưng… tôi sẽ về.
Tôi rời khỏi Việt Nam cũng gần 15 năm, một nửa thời gian đầu với bao lo lắng, vất vả chuyện học hành thi cử. Sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định ở lại Pháp làm việc cho một công ty kiểm toán lớn hàng đầu thế giới vì có suy nghĩ như những du học sinh khác.
Bây giờ, sau nhiều năm làm việc và sinh sống, tôi tin rằng đất nước nào, xã hội nào cũng có mặt tốt, mặt yếu kém.
Nói về mặt tốt, ở nước phát triển, bạn có thể tận hưởng những dịch vụ sức khỏe, giáo dục, phúc lợi xã hội tốt. Cơ sở hạ tầng, đường xá thì tiện lợi, an toàn.
Nói về mặt yếu kém ở trời Tây, dù bạn có nói tiếng bản xứ tốt thế nào, làm công việc tốt thế nào, ở nhà to thế nào thì trong mắt họ bạn vẫn không phải là người bản xứ.
Khi đất nước phát triển tốt đẹp thì không nói, khi gặp khủng hoảng kinh tế hay gần đây là khủng hoảng chính trị, những người “không phải là bản xứ” sẽ nhanh chóng cảm nhận được sự khác biệt.
Trong môi trường làm việc, dù bạn có kiến thức, kỹ thuật tốt đến thế nào đi nữa nhưng kỹ năng mềm thì khó có thể cạnh tranh để vào được những vị trí quản lý cấp cao.
Tôi đã sống và sống tốt gần một phần tư cuộc đời ở Pháp, tại sao lại luôn nghĩ đến chuyện trở về? Tôi luôn mong muốn trở về vì tôi ý thức mình là người Việt Nam.
Tôi không buồn vì nước mình còn yếu, còn nghèo so với phần lớn những nước còn lại trên bản đồ thế giới, nhưng tôi luôn mong muốn Việt Nam sẽ tiến bộ, sẽ phát triển. Tôi mong muốn gia đình, người thân, bạn bè, các thế hệ sau tôi sẽ có cuộc sống sung túc hơn, khỏe mạnh và an toàn hơn.
Tôi ý thức rằng mỗi người đều phải góp công sức vì những mục tiêu chung đó. Nếu tất cả du học sinh, thanh niên trẻ, thanh niên ưu tú đi du học và đều không trở về thì những điều tốt đẹp đó sẽ phải chờ lâu lắm.
Tôi tin rằng tất cả những du học sinh như tôi đều khao khát và chờ đợi cơ hội tốt nhất để về. Sớm hay muộn là do hoàn cảnh và nhận thức của mỗi người. Du học sinh Nhật, Hàn, Trung Quốc khi học xong rất ít người ở lại. Du học sinh Việt Nam rồi cũng sẽ thế. Đất nước sẽ ngày càng phát triển.
Cách đây 10, 15 năm, rất ít du học sinh có ý định trở về. Hiện nay, rất nhiều người đã chọn quay về và đang làm được rất nhiều điều cho đất nước. Tôi tin rằng trong 10, 15 năm tới sẽ chẳng còn ai đặt ra câu hỏi này nữa.
Tôi thiết nghĩ du học sinh chưa về chẳng qua là vẫn còn sợ, còn lo. Nỗi lo sợ của các em là hoàn toàn chính đáng. Nhưng tôi tin rằng với trí thông minh, sự phán đoán và thời gian, các em du học sinh và các cựu du học sinh sẽ biết nên ở hay nên về.