Tại sao chúng ta không thể thật lòng với nhau: Nhớ thì nói, yêu thì gặp, thiết tha thì giữ lấy?

“Lúc còn trẻ chúng ta từ bỏ, cho rằng đó chỉ là một cuộc tình, nhưng cuối cùng mới biết, đó thực ra là cả cuộc đời.”

“Anh yêu em nhưng…” và “… nhưng anh yêu em!”

Tôi còn nhớ, trong một buổi học văn của ngày cuối cấp, khi những bài giảng đã làm đôi mắt lũ trẻ ánh lên vẻ mệt mỏi, cô giáo tôi bắt đầu kể vài câu chuyện để giải lao. Và trước khi cô giáo tôi kể chuyện, cô đã nêu lên hai câu trên. Cô hỏi xem các bạn nữ sẽ thích nghe câu nào hơn? Mặc dù lượng từ là giống nhau, nhưng vị trí của chữ “nhưng” đặt khác nhau, sẽ dẫn tới những ý nghĩa khác xa hoàn toàn.

Lớp chúng tôi vỡ lên ồn ã như một cái chợ trong vòng vài giây, sau đó thì tự động im bặt để nghe câu trả lời từ cô giáo. Cô tôi nói, chữ “nhưng” ở vế một có nghĩa là cân nhắc, và đã thông báo ngầm một sự lựa chọn không mấy tốt đẹp đối với người mình yêu.

Còn chữ “nhưng” ở vế thứ hai lại thể hiện sự nhấn mạnh, dù thế nào đi chăng nữa, thì anh vẫn yêu em. Cô tôi nói thêm, bất cứ người phụ nữ nào cũng đều mong muốn được nghe câu thứ hai, nhưng lại không nhiều đàn ông nói được câu nói đó. Thay vào đó, họ thường sẽ nói câu thứ nhất. Và ánh mắt lũ trẻ chúng tôi cụp xuống, đượm buồn, giống như những câu chuyện cổ tích đã bị xóa sạch trên các trang sách của cuộc đời này vậy.

Khi trưởng thành, chúng ta bắt đầu nhìn nhận rõ hơn về cuộc sống. Chúng ta biết tình yêu không phải là tất cả, tình yêu cũng chẳng có bất kỳ một thứ quyền năng nào khác – ngoài việc khiến cho hai người yêu nhau cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng bạn có công nhận rằng, đôi khi chỉ cần vui vẻ và hạnh phúc, là đã có một cuộc đời có nghĩa rồi không?

Tại sao chúng ta không thể thật lòng với nhau: Nhớ thì nói, yêu thì gặp, thiết tha thì giữ lấy? - Ảnh 1.
Chỉ có điều, chúng ta sống trong tình yêu, trong khi những người xung quanh chúng ta thì không sống trong tình yêu đó, mà họ đóng vai trò là người chứng kiến. Có đôi khi, người chứng kiến cho bạn một vài lời khuyên, hoặc đưa ra một vài yêu cầu về sự thay đổi nho nhỏ nào đó. Nhưng dù họ có thiện chí hay không, thì chuyện tình yêu của bạn vẫn cứ bị làm phiền.

Và sự thật đau khổ là, khi tình yêu của bạn bị làm phiền, bạn phải tìm cách để bảo vệ nó. Rất nhiều người trong chúng ta lại không có bản năng bảo vệ tình yêu của mình. Chẳng những không có bản năng, họ còn không có cả ý định. Vậy là những trường hợp đó được đưa về chữ “nhưng” thứ nhất…

Có những lúc bạn sẽ nhận ra rằng, những gì mình ao ước không bao gồm những điều mình sẽ làm được và có thể làm được. Thật ra ai mà chẳng muốn được hạnh phúc, ai mà chẳng muốn yêu một người trọn vẹn và mối tình kéo dài từ ngày này sang tháng khác. Nhưng một khi không thể, lòng không vững, khả năng không có, thì bạn cũng đành buông bỏ thôi. Và để cho mọi chuyện nhẹ nhàng hơn, đa số chúng ta đều tặc lưỡi đổ thừa cho duyên số. Nào thì, thật buồn khi chúng ta không thể đến với nhau…

Thử hỏi cuộc sống có bao lâu mà hững hờ?

Tôi rất thích một câu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rằng: “Lúc còn trẻ chúng ta từ bỏ, cho rằng đó chỉ là một cuộc tình, nhưng cuối cùng mới biết, đó thực ra là cả cuộc đời.”

Cho nên tôi tâm niệm rằng, tình yêu không phải là điều dễ dàng để có được. Trong khi bạn được yên ấm bên một người hiểu bạn, thì ngoài kia còn bao nhiêu người phải sống trong cảnh cô đơn? Trong khi bạn thấy tình yêu là một điều hiển nhiên sẽ có, thì đối với nhiều người ngoài kia, tình yêu vẫn là một niềm ao ước xa xôi.

Bởi vậy, thay vì coi nhẹ, hãy xem trọng. Đừng nghĩ rằng với bất cứ ai cũng có thể mở lòng, với bất cứ ai cũng có thể trao đi yêu thương. Thứ tình yêu đến từ sự rung động của hai phía sẽ khác xa với thứ tình yêu mà một trong hai (hoặc cả hai) phải cố gắng để rung động.

Nếu hôm nay bạn giận hờn vu vơ, người ấy lại vì mệt mỏi mà tỏ ra lạnh lùng, không quan tâm tới bạn. Cả hai cứ thế dành hàng giờ đồng hồ để im lặng với nhau… Đừng nói với tôi là tình yêu cứ ở đó và còn mãi, bởi tình yêu rồi cũng sẽ đi. Nếu bạn không biết cách nắm giữ, nếu bạn không thật lòng muốn nắm giữ, thì tình yêu sẽ rời đi – đó là điều chắc chắn!

Tại sao chúng ta không thể thật lòng với nhau: Nhớ thì nói, yêu thì gặp, thiết tha thì giữ lấy? - Ảnh 2.
Chúng ta có hai mươi năm cuộc đời để lớn và để khôn, nhưng lại chỉ có vài năm thanh xuân ngắn ngủi để yêu và học yêu một người sao cho đúng. Hãy nghĩ rằng khi bạn trong vòng tay gia đình, bạn làm sai, bạn vẫn được chào đón và ủng hộ, bạn vẫn được cổ vũ để cố lên.

Nhưng trong tình yêu, chúng ta là bình đẳng, không ai có nghĩa vụ chờ bạn học yêu đúng cách, cũng không ai có nghĩa vụ phải thứ tha cho lỗi lầm của bạn. Nếu là yêu nhau, chúng ta sẽ cùng nhau học cách để san sẻ và yêu thương. Thay vì chủ quan tình yêu và người yêu sẽ không bao giờ rời đi mất, hãy tự mình vun giữ niềm tin để điều đó đừng xảy ra.

Hôm nay bạn thấy nhớ ai, hãy chủ động nhắn tin hỏi han cho người ấy. Đừng chờ người ta luôn là người mở lời trước, bởi đến một lúc nào đó người ta sẽ nản lòng.

Hôm nay bạn biết mình yêu ai, hãy đi gặp và tỏ bày cho người ta thấu hiểu. Tấm chân tình cần được trân trọng, chứ không phải là để giấu nhẹm đi.

Hôm nay bạn thấy tình yêu của bạn đang trên đà rơi vỡ, nếu còn yêu và còn luyến tiếc thì hãy chủ động níu kéo tình yêu một lần. Nếu là hết yêu, người ta vẫn sẽ rời đi, nhưng chí ít thì bạn cũng không phải hối hận điều gì. Nếu như vẫn còn yêu, người ta sẽ cảm kích vạn lần vì chí ít thì bạn cũng cho người ta thấy trong tim bạn, người ta quan trọng đến nhường nào.

Hôm nay rồi sẽ trở thành hôm qua của ngày mai, cho nên tình yêu và người yêu có thể trở thành tình cũ và người cũ. Đừng do dự nữa, nhớ thì nói, yêu thì gặp và thiết tha thì hãy giữ lấy đi!

TRINH LENG KENG, THEO TRÍ THỨC TRẺ