Tâm sự 16 năm đi Mỹ và bây giờ ….
Tháng Một năm 2001, tôi nhận được thư yêu cầu bổ sung giấy tờ để đi Mỹ định cư, (hồ sơ được làm từ năm 1989.) Cầm bộ hồ sơ lớn trong tay, tôi vừa đọc vừa tra tự điển, thấy cũng không khó khăn chi, nên tự điền lấy các thông tin, không nhờ ai giúp, cũng chẳng tốn đồng nào cho dịch vụ nọ kia.
Sau khi gởi bưu điện thì tháng 3 tôi lại nhận được giấy báo có ngày phỏng vấn -ngày 23 tháng 5 năm 2001- bao gồm 3 gia đình của 3 chị em, tổng cộng 13 người cả thảy. Riêng tôi phải đi ra vào Sài gòn 3 lần. Phỏng vấn thì chỉ 1 lần thôi, nhưng lần 2 để bổ sung giấy tờ, và lần cuối cùng là do bà nội của 2 đứa con bị bệnh, nên tôi muốn chúng thăm bà một lần chót trước khi đi xa, sợ lỡ bà có mệnh hệ gì thì mình khỏi ân hận!
Và sau bao nhiêu lo lắng, mệt mỏi với việc chuẩn bị giấy tờ, nhiều thứ nhớ không xuể! Và các giấy tờ đều phải dịch qua tiếng Anh, có công chứng nữa chứ, nào là giấy khai sinh, ly hôn, chích ngừa, học bạ, giấy nhà cửa nợ công,…Rồi phải ăn nhờ ở đậu nhà người quen, thì cuối cùng 3 mẹ con tôi cũng cầm tờ Visa đi Mỹ!
Hôm nhận Visa, tôi nhờ người quen lái xe Honda thồ chở đi, và ổng bỏ cái phong bì màu vàng to dán kín vào trong áo kẻo sợ bị rơi mất hay cư ớp gi ật đòi tiền chuộc thì càng thêm khổ!
Ngày 27 tháng 7 năm 2001, là ngày được ghi trong vé máy bay đi Mỹ của 3 mẹ con tôi, (Hai gia đình kia có trở ngại chút ít, phải đợi đến tháng 10 mới qua Mỹ,) và ba mẹ con tôi đến phi trường Los Angeles (LAX) vào buổi chiều cùng ngày, ngày 27 tháng 7. (Lý do thì ai cũng biết, vì bay ngược chiều quay của trái đất, nên được lợi 10 tiếng đồng hồ.)
Khi vào phỏng vấn có một kỷ niệm nho nhỏ nhưng vui vui.
Buổi phỏng vấn được hẹn lúc 9 giờ sáng chung cho cả 3 gia đình. Nghe lời căn dặn của những người trong gia đình ở bên Mỹ, chúng tôi ai cũng ăn mặc đẹp. Tôi bới tóc, giày cao gót, trang điểm nhẹ, trong bộ áo dài màu xanh lam mỏng, ở giữa có thêu hoa màu đen, và cả viền ở tay áo nữa, cùng với quần dài đen. Hai đứa con gái 10 và 8 tuổi thì mặc 2 cái áo đầm trắng có điểm bông hồng và xanh, tóc bom bê có cài nơ xanh và kẹp tóc có bông vàng cùng màu với áo. Em gái và em dâu cũng mặc áo dài đẹp, em trai và em rể thì mặc “com lê”, nhìn thật vui mắt, như đi ăn đám cưới! Vì đông nên chúng tôi thuê chiếc taxi lớn 12 chỗ đón và đưa cho tiện, (13 người nhưng thật sự chỉ có 11 người lớn, và 2 em bé 2 tuổi.)
Mới 6 giờ sáng, chúng tôi đã lên chỗ phỏng vấn xếp hàng, vì nghe nói rất đông người, sợ phải hẹn qua hôm sau. Mà đúng là đông thiệt. Cả một hàng dài ở ngoài đường, nhưng ai cũng vui vẻ chứ không than vãn gì cả, hai thằng cháu 2 tuổi vẫn đang bú bình sữa nên phải đem theo cái bô cho tụi hắn tè trong lúc chờ đợi! Đến 8 giờ thì bắt đầu lấy số thứ tự và vào bên trong.
Vì tôi xếp hàng đứng đầu, nên được gọi vào phỏng vấn trước tiên. Nhân viên phỏng vấn gia đình tôi là một cô Mỹ trắng khá trẻ, nói tiếng Việt rành rõi. Gật đầu và mỉm cười với chúng tôi, cô nói, “Xin chào quý vị. Quý vị hãy giơ tay phải lên và xin thề sẽ nói toàn sự thật!” Tôi mỉm cười lại để chào cô, (mà trống ngực đánh thùng thùng!) đồng thời giơ tay phải lên và nói “Xin thề.”
Bé Sa và bé Vy thì đứng hai bên tôi; cùng đưa tay lên, và tôi cũng nghe chúng nói “Xin thề.” Cô ấy lại cười và nhắc một lần nữa, “Quý vị hãy giơ tay phải lên và xin thề sẽ nói toàn sự thật!” Tôi cứ đứng yên, giong tay phải lên cao, trong lòng thầm nghĩ, “Họ cẩn thận ghê, nhắc lui nhắc tới hai lần luôn.” Cô nhân viên nhắc lại lần thứ ba, “Quý vị hãy giơ tay phải lên và xin thề sẽ nói toàn sự thật,” và đưa tay chỉ về phía Sa, thì tôi mới để ý.
Quay qua Sa (bé lớn), tôi nói khẽ vào tai nó, “Răng con đưa tay trái, cô nói đưa tay phải mà!” Sa cười khúc khích, “Thì Sa tưởng tay mô cũng giống nhau thôi, ở trường, cô nói rứa mà, mỗi lần cô hỏi, đứa mô giơ tay giành trả lời, tay mô cũng được hết a!” Tôi không nhịn được cười: “Nhưng ở đây, cô nhân viên yêu cầu đưa tay phải, thì mình phải làm theo.”
Chỉ ba bốn câu hỏi rất đơn giản, “Quý vị có biết ai là người bảo lãnh cho quý vị không?” “Bao nhiêu anh chị em trong gia đình cả thảy?” “Có hình ảnh nào của gia đình không?” “Hiện tại họ đang ở đâu?”
Vừa trả lời tôi vừa đưa cho cô nhân viên coi những tấm hình gia đình đã được chuẩn bị từ trước, tâm trạng dễ chịu dần dần. Sau đó thì cô nói, “Về mặt giấy tờ thì quý vị đã hội đủ điều kiện để được bảo lãnh đi Mỹ, nhưng còn vấn đề về tài chính, cần phải bổ sung.”
Vì lý do đó, mà 3 mẹ con tôi được ưu tiên đi Mỹ trước hai gia đình kia. Và rồi ngày 27 tháng 7 cũng đến. Sáng hôm đó, chiếc taxi 9 chỗ ngồi chở 6 thùng hành lý với 3 người chúng tôi lên phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 8 giờ sáng, chuyến bay khởi hành lúc 11 giờ trưa.
Sau khi cân đo hành lý, và được phát mấy tấm vé, (hồi đó chưa có vé điện tử như bây giờ), chúng tôi được đưa đến phòng đợi. Trong những tiếng ồn ào của phòng đợi, dường như tôi nghe tên của ai được gọi nghe quen quen, nhưng phần vì người ta nói nhanh, phần vì người ta đọc tên không có dấu, phần đủ thứ âm thanh trộn lẫn nên tôi không nhận ra được rõ ràng. Mà cũng có thể tôi nhầm, biết đâu?
Khoảng 5 phút sau thì cô nhân viên mặc áo dài đồng phục đến chỗ tôi, và hỏi, “Cô ơi, có phải cô có cháu bé đi kèm tên Huynh Long Ngoc không?”
Tui đoán là tên con bé Vy (mặc dù họ nói không có dấu,) hơi lo lo, vội trả lời, “Đúng rồi con. Có chuyện gì không ổn hả?” Cô nhân viên cười, “Dạ, con mừng quá. Tụi con đưa sót vé cho cháu. Mỗi người phải có 2 tấm vé, từ Việt nam tới Hồng Kong, và từ Hong Kong tới LAX. Cháu Ngoc chưa có vé từ Hồng Kông qua Los Angeles.”
Tôi nghe mà mừng hú vía. Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đi máy bay được có 1 lần từ Huế vào sài gon năm 1972 (do ba tôi được thuyên chuyển nhiệm sở nên cả nhà được đi không tốn tiền) còn đi nước ngoài thì chưa bao giờ!
Lần đầu tiên đi Mỹ, cầm tấm vé thì cầm cho vui thôi, chứ toàn tiếng Anh, tôi có đọc được thì cũng chỉ lõm bõm, với lại nghĩ, đâu phải việc của mình!!! Qua khung cửa kính của phòng đợi, tôi nhìn thấy chiếc máy bay của hãng Cathay Pacific to chàng àng, đậu chình ình như một dãy nhà lầu mấy tầng. Ngạc nhiên quá! Lần đầu tiên tui thấy chiếc máy bay to đến vậy!
Khi mua vé, tôi có nói với cô bán vé là 3 mẹ con đi cùng với nhau, rồi vì mình cũng thuộc loại “cù lần lửa,” cả đời không hề đi máy bay, nên không dám hỏi vé ngồi chỗ mô, số mấy, (Mà sao lúc đó, cái gì cũng sợ, không dám hỏi, kỳ cục thiệt chơ! Có mô như chừ, làm đày làm láo, hoạnh hoẹ đủ điều!)
Ai dè họ chỉ được cái miệng dẻo để bán buôn thôi, tới khi lên máy bay rồi, dò tìm số ghế, mới biết là ba mẹ con ngồi 3 nơi!!! Con bé út Vy, được cô tiếp viên tặng ngay một gói quà quá to gồm một cái xách có hình con gấu, (đặc trưng của hãng Cathay Pacific) nhiều bút chì màu, sách vẽ, bánh kẹo và giấy dán hình, nên ngồi im re. Trong khi đó, bé Sa xui xẻo, vừa bị ngồi xa mẹ nhứt, lại không có quà nên phụng phịu, bắt đền.
Tôi mới quay qua bà khách ngồi bên cạnh, líu la líu lít một hồi, thì bà lắc lắc đầu, lôi cái giấy giống như thẻ căn cước bên mình, chỉ cho tui coi tên. À, bà người Ấn Độ, không biết tiếng Việt! (Mà trông bà giống người Việt mình lắm.)
Tôi tẽn tò bèn tới níu tay cô tiếp viên, tiếp tục xí xa xi xô, chỉ chỉ chỏ chỏ từ Sa qua Vy qua gói quà! Chỉ qua chỉ về một hồi, cô ấy bỏ đi! Tức không cơ chứ! Nói bắt mỏi miệng, mà con thì cứ khóc, cô tiếp viên thì lắc đầu! Nhưng mấy phút sau, thì cô tiếp viên trở lại với một gói quà to hơn nữa đưa cho bé Sa! Chừ mới thấm thía câu, “Chỉ chỏ” là một ngôn ngữ không biên giới thiệt hè!
Trên máy bay rất lạnh, mặc dù người ta đã phát cho mỗi người một cái chăn mỏng, nhưng vì tôi mặc bộ đồ váy, (Nghĩ lại thấy mình ngu thiệt, đi máy bay đường dài, chơ có phải đi thi “Huê Hậu” mô mà mặc váy hả trời!) nên hai chân lạnh ngắt, phải xin thêm hai cái chăn quấn ở hai chân, mới thiu thiu ngủ được một lát.
Hai đứa nhỏ thích thú với món quà của hãng hàng không Cathay, càng thích thú với mấy khay thức ăn. Người ta dọn ăn liên tục, 3 bữa chính với thêm một bữa phụ. Nhưng “mụ Huế nhà quê” như tôi thì không làm răng mà đụng muỗng được. Đồ ăn gì mà nhạt thếch, không mùi vị, nuốt không xuống. Khoảng 5 tiếng đồng hồ sau, tôi đói bụng quá xá, đang suy nghĩ không biết cách chi để hỏi, thì thấy ông khách ngồi kế bên bấm nút, ít phút sau cô tiếp viên tới, hai người nói chi chi đó với nhau, và ít phút sau nữa thì cô đem lại cho ổng một ly mì ăn liền! A ha! Món ni tôi ăn được nì! Mừng quá, tôi mới chạy lui phía sau máy bay, lay cô tiếp viên đang ngủ gật gù trên ghế, rồi lôi cô tới chỗ ông khách ngồi kế bên, chỉ vô ly mì gói!
Cổ cười, và đem lại cho tôi một ly, tôi ăn ngon lành! Sau này kể cho người trong nhà nghe, ai cũng nói tui “cù lần”, đi hãng Cathay mà lại ăn mì gói! Và 16 năm sau, thêm ông chồng Mỹ.
Nhưng đồ uống thì khác, có đủ loại cho mình lựa, kể cả rượu mạnh! Một món đồ uống mà cho tới mãi bây giờ, mỗi lần uống nó thì tôi lại nhớ lần đầu đi Mỹ này. Bạn có biết món gì không? – Nước Cam!
Hồi ở Huế, tôi thích uống nước cam vắt, hầu như ngày nào cũng tự vắt uống. Nhưng đó là nước cam tự nhiên, không có vỏ, không có thêm chất bảo quản, không thêm đường. Nước cam ở Mỹ khác hẳn, có vị như thuốc (vitamin C?), hơi chát chát; hăng hăng của vỏ cam khi người ta vắt nguyên vỏ thì phải, thiệt tình tôi không biết, nhưng tôi cam đoan, đó là một vị rất đặc trưng, không nhầm lẫn vào đâu được!
Chuyến bay của tôi dừng ở HongKong, và có người quen nhờ mua 10 cây thuốc lá Malborro vì mua ở sân bay không bị đánh thuế. Tôi nghe loáng thoáng cô bán hàng nói bằng tiếng Anh là cái chi chi đó mà có dính tới chữ TAX. Tôi cũng đâu có hiểu hết cả câu cô ấy nói! Vậy là tui cứ xách tòn ten cái túi có 10 cây thuốc lá Malborro tới phi trường Los Angeles. Đợi làm thủ tục nhập cảnh khá lâu. Bé Vy kêu “Khát nước quá mẹ ơi.”
Tôi nhìn quanh nhìn quất, thấy có cái tủ đựng đồ uống bằng máy, nhưng không biết cách dùng, mặc dù có đem sẵn mấy đồng tiền 25 xu lẻ. Tôi níu tay một bà làm lao công, đang dọn dẹp nhà vệ sinh, tui chỉ chỏ cái tủ, và xoè mấy đồng tiền trong tay, nhưng bà ấy lắc lắc đầu, bỏ đi. Quái, sao hỏi cái gì người ta cũng lắc đầu là vì răng?
Bất lực, tôi năn nỉ con bé, “Thôi, chịu khó nhịn khát, chút về nhà ông bà ngoại uống.” Thì vừa may bà ta trở lại, với cái chai nước, bà nhứt định không lấy tiền. Tui thiệt cảm động. Người Mỹ tốt thiệt hè! Sau khi xong giấy tờ, tôi tìm tới chỗ lấy hành lý, ba mẹ con đẩy 2 xe, vì mỗi xe chất 3 thùng. Qua khâu hải quan, họ hỏi cái chi chi, tôi cũng chỉ trố mắt nhìn. Chắc họ hỏi mấy cây thuốc lá.
Họ nhìn 3 mẹ con tôi, rồi họ cho đi qua! Hê hê hê, không tốn một xu! Cách người ta thiết kế sân bay thiệt là hay. Nếu hồi đó mà nói là tôi biết đường đi ra khỏi phi trường là nói trạng! Tôi chỉ đi theo dòng người thôi, mà sân bay Los Angeles thì quá lớn, người đi đón đứng hai bên lối đi ra, đông vô kể. Lần đầu tiên trong đời tôi thật sự thấy “một rừng người!”
Sau này, khi đi học lớp ESL, ông thầy già có bắt viết bài luận, “The first impression in America”, thì tôi đã viết về cảm giác này. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy đủ loại người, “Da đen, da trắng, châu Á da vàng, người Ấn Độ da ngăm, người châu Âu tóc xoăn, người cao; người thấp, mấy bà mập ơi là mập, nhưng cũng có mấy bà ốm tong ốm teo, áo quần thì đủ màu đủ kiểu, tóc tai thì khỏi phải bàn luôn! Người thì vấn đầu cao như mấy ông Ả Rập, người thì tóc cầu kỳ của mấy bà Mỹ đen, họ đeo nữ trang đủ kiểu, giày dép cũng nhiều màu sắc…”
Ôi một cảm giác thật khó mà quên được, dù đã 16 năm trôi qua! Lúc nhìn thấy Ông Bà ngoại với 2 chùm bong bóng và bó hoa hồng, tôi mừng không tả được. Ôi nước Mỹ đây rồi!!! Thật ra cùng đi đón với ông bà ngoại còn có 2 ông anh, nhưng họ đang tìm chỗ đậu xe, bởi vậy, ông ngoại phải chụp hình cho 3 mẹ con và bà ngoại. Người qua lại tấp nập; liên tục đông quá, thật khó chụp một bức hình chỉ có riêng gia đình, tức cười nhất là có cái ông mô không biết, mà cả loạt hình đó, cái nào cũng có ổng, ha ha ha!!!
Ba mẹ con ở California đúng mộ tuần thì qua Austin, Texas, (ngày 3 tháng 8) và ở lại từ đó cho đến giờ, 16 năm tròn. Bé Sa bây giờ 26 tuổi, sau khi ra trường UT ở San Antonio, thì dọn qua sống và làm việc ở Kansas City, Missouri. Công việc của cháu được đi nhiều nơi trong nước Mỹ, như New York, Chicago, Florida, California… Những lúc không phải đi ra khỏi thành phố, cháu đi làm thiện nguyện ở trại nuôi dưỡng người vô gia cư 3 buổi tối trong tuần, giúp người ta nấu ăn.
Tối hôm qua, cháu điện thoại nói chuyện, tôi nhắc gần ngày kỷ niệm tới Mỹ. Tôi hỏi, “Nếu được nói về nước Mỹ, con sẽ nói gì?” Sa nói, “Sa thấy mình may mắn hơn người khác, thì Sa nên giúp họ. Nếu mình biết chia xẻ thì mình luôn cảm thấy giàu có. Nhờ nước Mỹ, mình mới được như chừ, mẹ hí. Nếu còn ở Việt nam thì chắc là khác hẳn. Cám ơn nước Mỹ.”
Bé Vy bây giờ 24 tuổi, sau khi ra trường UT ở Austin, đi làm cho WIC trên College Station, hiện đang đi du lịch với bạn trai tới Korea (nơi bạn trai sinh ra), Japan và Việt Nam. Cháu muốn có mặt ở Huế vào ngày 27 tháng 7 bởi vì ngày đó cũng là sinh nhật của ba cháu (Ông đã mất từ 2003.) Qua Messenger, tôi nhắc về kỷ niệm ngày tới Mỹ. Tôi hỏi Vy như đã hỏi Sa, “Nếu được nói về nước Mỹ, con sẽ nói gì?”
Vy nói, “Ngày mình đi, có ba đưa tiễn. Ngày ni Vy về, ba con không còn. Vy chỉ ước chi ba còn sống để được thấy Vy về thăm ba. Những gì Vy có được là nhờ Mẹ và Daddy, nhờ nước Mỹ đã cho những người di dân như Mẹ tới sinh sống và làm việc. Cám ơn nước Mỹ.”
Tôi kể cho ông chồng nghe về những câu trả lời của Sa và Vy, thì ổng hỏi, “Còn bà thì sao? Nếu được nói về nước Mỹ, bà sẽ nói gì?”
Tôi sẽ trả lời gì ư?
Từ ngày đặt chân tới Mỹ, tôi đã làm như những người xung quanh. Học lấy bằng lái xe, học lấy bằng Nails, đi làm công cho người ta, đi học thêm English, lấy chồng, lo cho gia đình, nuôi hai đứa con, và cả mấy con chó con mèo nữa chứ! Bao nhiêu năm qua tôi rất ít khi nghỉ làm, có thể tính lần nghỉ trên đầu ngón tay.
Lần tôi mổ ruột thừa phải nghỉ làm một tuần, và hai lần đi Việt Nam chơi (mỗi lần đi khoảng một tháng.) Thỉnh thoảng có lấy ít ngày nghỉ để đi chơi cùng gia đình, như Las Vegas, thăm con cái ở xa, hay thăm ông ngoại ở Cali, thăm bạn ở Boston. Những ngày đặc biệt như đám cưới con gái của bạn, tốt nghiệp, sinh nhật thì tôi nghỉ cùng gia đình.
Ngoài ra tôi đi làm suốt, khoảng mấy năm đầu mới có tiệm, tôi đi làm 7 ngày trong tuần, làm từ sáng cho tới khi hết khách, bất kể là 8, hay 9 giờ đêm!
Bây giờ tôi vẫn làm 6 ngày trong tuần, nhưng làm ngắn lại, chỉ từ 10 giờ tới 6 giờ rưỡi chiều thôi. Ngày Chủ nhật, lo đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa vườn tược… Bất chấp nắng mưa, gió bão, đau ốm, tôi luôn có mặt ở chỗ làm. Công việc của tôi, không có 15 ngày phép, không có 15 ngày bệnh! Tôi chưa bao giờ nghỉ làm dù là một ngày, chỉ vì thấy trong người không được khoẻ!
Bên cạnh việc đi làm kiếm tiền, còn lo nuôi dạy 2 đứa con, đón đưa những ngày đi tranh tài ở xa, những lần tập muộn, không có xe bus. Hồi còn học phổ thông, Sa thì học Karate, chơi basketball, làm manager cho đội múa của trường. Vy thì chơi Tennis, học đàn, học vẽ… Mãi đến khi tụi nó biết lái xe thì hai vợ chồng mới đỡ mệt cái khoản đón đưa.
Kể ra như rứa đó, để thấy rằng, tôi luôn làm việc để giúp chồng, con có được cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi biết ơn nước Mỹ đã cho mình cơ hội để mưu sinh, học hỏi, nhưng cũng tin rằng, bản thân mình quyết định phần lớn cuộc sống của mình, chứ không ai khác. Người ta cho mình cơ hội, nhưng biến cơ hội đó thành hiện thực thì tuỳ thuộc vào ý chí, nghị lực của mỗi người, bởi vì không có nơi nào là thiên đường, không có nơi nào đồng tiền mọc ra từ trên cây, hay rơi từ trên trời xuống!
Cám ơn nước Mỹ đã cho hai đứa con gái lớn lên khoẻ mạnh, vững vàng và can đảm; dám làm những việc mà ngày tôi lớn lên ở tuổi chúng, có mơ cũng không dám! Mà có dám cũng không được! Xin được nói lời Cám ơn nước Mỹ; đã cho công dân của mình một cuộc sống tự do, bình đẳng, văn minh. Xin được cám ơn xứ sở đã mở rộng vòng tay đón nhận những người di dân và nhất là đã cho những phụ nữ như tôi sự tự tin, mạnh mẽ.
Minh Nguyệt Graves