Tâm sự của cô gái Việt ở trời Tây: “Cô ơi! Cháu h ại c h ế t mẹ cháu rồi!”
Rồi cháu lấy chồng. Anh ấy người Đức. Chúng cháu thực sự hạnh phúc. Không có bất kỳ điều gì làm cháu phải lấn cấn phân biệt Tây ta như bao người khác.
Cuộc đời cháu vậy là có hậu, hạnh phúc thật mỹ mãn. Thế nhưng….
Cách đây lâu lâu, cháu đọc được bài viết của cô trên Facebook về nạn tự tử của người Việt ở châu Âu. Bài viết làm cháu liên tuởng suy tư mãi, cuối cùng cháu quyết định viết lá thư này gửi tới cô, mong được cô chia sẻ nguôi ngoai phần nào nỗi lòng của một đứa con luôn day dứt bởi lỗi lầm với người mẹ nay đã về nơi chín suối.
Chuyện cháu rất đau lòng cô ạ.
Cuộc đời cháu sinh ra đã bất hạnh. Năm cháu mới hai tuổi, bố bỏ rơi mẹ theo người đàn bà khác. Vì đứa con non nớt, mẹ đắng lòng ở vậy thui thủi một mình chăm bẵm.
Thương chị chẳng cầm được lòng, người cậu tìm mọi cách giúp mẹ cháu sang Đức. Cực nhọc vất vả thế nào để có được giấy tờ, rồi tiếp đó đón cháu sang Đức đoàn tụ thì chắc cô cũng chẳng lạ gì với bao cảnh đời trắc trở như thế.
Ảnh minh họa
Mẹ vì thương con mãi cứ ở vậy, mặc dù không ít người tìm đến. Cũng một phần mẹ hận tình, dị ứng với mọi „gã đàn ông“ – từ mẹ thường dùng khi có người bóng gió tỏ tình.
Rồi thời gian cũng dần trôi, cháu trưởng thành, được học hành đến nơi đến chốn. Mẹ quên hẳn tất cả quá khứ bất hạnh, hài lòng với nỗi hy sinh vất vả cả cuộc đời dồn đắp cho con, nay đã đơm hoa kết trái.
Rồi cháu lấy chồng.
Anh ấy người Đức, tốt tính, lịch sự, lại hay tò mò tìm hiểu tập tục văn hóa Việt. Chúng cháu thực sự hạnh phúc, đi đâu cũng cặp kè nhau cứ như „sam“. Không có bất kỳ điều gì làm cháu phải lấn cấn phân biệt Tây ta như bao người khác.
Cuộc đời cháu vậy là có hậu, hạnh phúc thật mỹ mãn.
Như hầu hết mọi bà mẹ Việt Nam khác, mẹ cháu dành tất cả tấm lòng cho con, nay có cháu, lại dốc tiếp cho nó như tự chính mình đẻ ra. Mẹ đến nhà bất kỳ lúc nào mẹ thấy cần.
Trong khi chồng cháu lại cảm thấy bị phiền, đảo lộn công việc. Cháu vài lần tỉ tê bảo mẹ mỗi khi đến thì trước đó báo chúng con biết để còn thu xếp, nhưng mẹ thì nghĩ đến chỉ vì con, cháu lúc nào chả được.
Thêm vài chuyện lặt vặt cũng chỉ vì lo cho con cho cháu thấy gì làm nấy, chồng cháu khó chịu, tích tụ nhiều lần, lâu dần vợ chồng bất hòa.
Còn mẹ thì đã già, chắc khó tiếp thu. Mà có hiểu, chắc mẹ cũng khó thay đổi nổi. Rốt cuộc chúng cháu phải thuê nhà ở xa hơn. Mẹ không nản, trước sau vẫn cứ giữ thói quen nếp cũ vậy.
Rồi một lần 2 vợ chồng cháu cãi nhau to, chỉ vì mẹ mỗi lần tới lại „ngứa“ tay „vướng“ mắt, không làm không chịu được, cứ dọn dẹp loanh quanh nhà cửa, làm đồ vật của chồng cháu khi cần lại không tìm thấy, bực bội cáu kỉnh, to tiếng.
Đúng lúc đó, mẹ đến.
Thấy vợ chồng vặc nhau ầm ĩ, mặt mày sa sầm, mẹ biết ít tiếng Đức nên không biết vì chuyện gì.
Trân trân nhìn 2 vợ chồng cứ hậm hực, khoa tay, dậm chân, mẹ hỏi cháu lý do.
Tức bực chồng sẵn, cháu trút hết lên đầu mẹ, buột miệng gay gắt: „Mẹ còn hỏi làm gì? Tất cả là tại mẹ đấy, con đã bảo là kệ bọn con. Mẹ không thấy là mẹ đến nhiều quá sao? Để vợ chồng con cãi nhau suốt ngày cũng chỉ vì mẹ…“.
Mẹ lặng thinh đứng tựa vào tường bất động.
Một lúc lâu, mẹ mới sực tỉnh chạy vào ôm cháu trai vào lòng. Tôi nhận ra đó là chỗ tựa tinh thần cuối cùng của mẹ.
Tối đấy mẹ vẫn cứ ôm cháu trai như thế, hình như mỗi lúc một chặt, trân trân hết nhìn cháu lại nhìn con cháu, mắt chốc chốc lại ứa lệ, không nói lời nào.
Mẹ ra về.
Lúc này cháu mới thấm thía lỗi vô tình, đã vò nát tình mẫu tử trời biển mẹ đã dành cả cuộc đời cho con, cháu; thật giận mình ngay lúc đó đã không nói nổi một lời xin lỗi.
Trong cơn bực tức cứ nghĩ như mọi lần, 2 mẹ con có cãi nhau, rồi cũng lại bình thường thôi. Vả lại mẹ rất chiều con, nên không bao giờ giận lâu, tính mẹ cũng không để bụng.
Tối hôm ấy cháu định gọi điện cho mẹ mấy lần nhưng khi thì bận linh tinh khi thì lại ngại ngần. Rồi bụng bảo dạ, thôi để mẹ nguôi ngoai rồi sang nhà xin lỗi mẹ cũng được.
Sáng hôm sau, cháu bảo chồng gọi điện cho mẹ, nhờ bà sang trông cháu cho vợ chồng đi có việc, coi như đó là một cách xin lỗi, sửa chữa.
Gọi nhiều lần mẹ vẫn không cầm máy.
Rất ít khi mẹ như vậy, nhất là con rể gọi, bận gì mẹ cũng trả lời ngay. Cháu sốt ruột vội chạy tới nhà mẹ xem sao. Xô cửa bước vào, cháu vừa chạy vừa gọi mẹ thật to, nhưng không có tiếng trả lời.
Lao vào buồng ngủ, thấy ngay mẹ nằm bất động trên giường. Linh tính báo trước chuyện chẳng lành. Cháu gào lên gọi mẹ, ôm chầm lấy người lắc hết bên nọ sang bên kia, thảng thốt nức nở gọi tên mẹ mãi không thôi.
Nhưng trời ơi, mẹ ra đi thật rồi…
Bức thư tuyệt mệnh mẹ để lại dặn dò con, cháu nhiều thứ, chỉ chỗ để sổ tiết kiệm mẹ dành dụm được, sau này dành cho cháu ngoại. Mẹ cho biết đã giấu kín bệnh tình ung thư của mẹ, không muốn con lo lắng, hiện đang giai đoạn cuối. Kiểu gì cũng ch ết, mẹ muốn sớm ra đi thanh thản, để khỏi đau đớn cả mình lẫn con cháu.
Mẹ dặn đừng buồn nhiều, không ai chống được vòng đời sinh bệnh lão tử. Mẹ chỉ tiếc biết sớm nữa, thì mẹ sẽ còn chăm sang nhà con nhiều hơn để chăm sóc con, cháu, nhiều hơn nữa.
Sang bên kia thế giới mẹ sẽ tiếp tục làm tròn bổn phận mình, luôn về phù hộ độ trì cho con, cháu.
Ấy vậy mà cháu nỡ buông lời phụ bạc lòng mẹ! Thật đáng trời đánh.
Cảnh sát khám nghiệm hiện trường, tử thi, cho biết mẹ đã uống thuốc ngủ quá liều, không được phát hiện kịp thời.
Đã hai năm rồi, cái ch ết của mẹ lúc nào cũng hiển hiện trong đầu cháu như vừa mới đây.
Cháu hầu như không ăn, không ngủ, không thiết tha gì cả. Chồng cháu đưa đi bác sĩ tâm lý điều trị vẫn không thuyên chuyển. Hễ chợp mắt, cháu lại thấy mẹ hiện về, hai bàn tay lạnh giá, run rẩy cứ cố đưa lên vuốt má cháu, lại rơi thõng xuống. Mặt mẹ buồn rười rượi, ngay cả xem phim ảnh cháu cũng chưa từng thấy khuôn mặt nào buồn hơn.
Cháu bật dậy thảng thốt, nước mắt ngăn không nổi cứ thế tuôn trào. Cả một đời mẹ chẳng có mấy ngày vui, lại ra đi chỉ vì đứa con gái ích kỷ, bột phát, hư hỏng của mẹ…
Cô ơi, thật quá đỗi thương con trai cháu còn bé bỏng phải mồ côi, nếu không cháu đã ra đi cùng mẹ cháu rồi. Chịu đựng sao nổi lỗi lầm mình đã gây ra!.
Nhận được E-Mail cô gái, mất nhiều đêm liền tôi cứ trằn trọc không sao ngủ được.
Không riêng gì cô gái này, cộng đồng người Việt tha hương rất nhiều người bị chấn động tâm lý mà nhiều khi không thể điều trị được bằng các liệu pháp y học thông thường.
Tôi chỉ còn cách nghĩ tới sức mạnh huyền bí của tâm linh; bởi tôi đã từng chiêm nghiệm bao người nhờ vậy lấy lại được bình tâm khi đưa hương linh người thân vào chùa.
Rồi làm lễ cầu siêu để hương hồn người quá cố được siêu sinh tịnh độ. Ngày rằm, mồng một thắp hương tại gia, cầu trời khấn phật phù hộ độ trì cho gia chủ tai qua nạn khỏi.
Hơn 3 tháng làm theo lời khuyên trên, cô gái viết E- Mail cho tôi, giờ đã thấy người phần nào nhẹ nhõm, ăn ngủ tốt hơn, tăng được 5,4 kg. Tôi nhẹ lòng, thắp lên bàn thờ một nén nhang, chắp tay, cầu trời khấn phật phù hộ độ trì cho tất cả chúng con…
Tác giả: Thiên Nga – Dresden
Báo Kiều Bào