Tâm sự nghề Y: Những giọt nước mắt bác sĩ lén quay đi gạt vội

Trong bầu không khí phủ kín bằng bệnh tật, m.á.u me và cái ch.ế.t, ít người nhìn thấy được những giọt nước mắt mà các bác sĩ lén quay đi gạt vội…

Từng ngày từng giờ trong suốt hàng chục năm qua, những người công tác trong ngành y như BS Phạm Nhật An, BS Nguyễn Sinh Hiền… đều phải đối mặt với vô số bệnh nhân, đủ mọi chứng bệnh, m.á.u, nước mắt và cái ch.ế.t, trong số đó có những ca bệnh khiến họ nhớ mãi.

BS Nguyễn Sinh Hiền, PGĐ phụ trách chuyên môn BV Tim Hà Nội, kể lại trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tim có 4 tổn thương rất nặng, tỷ lệ t.ử v.o.ng cao mà ông và các đồng nghiệp vừa cứu chữa thành công.

Bệnh nhân tên Lại Quang Chung (SN 1979, quê Vĩnh Phúc), nhập viện cấp cứu lúc 16h30 ngày 4/1 trong tình trạng nguy kịch, khó thở dữ dội, tràn dịch màng tim, động mạch chủ đã giãn đến 15cm trong khi ở người bình thường chỉ 2,5cm.

Dù bệnh nhân từng được nhiều bệnh viện lớn chẩn đoán là nếu mổ thì nguy cơ tử vong 90% nhưng nhìn thấy ca bệnh nguy cấp, các bác sĩ không hề chần chừ, quyết định mổ ngay lập tức.

BS Hiền trực tiếp dẫn đầu kíp phẫu thuật hết sức phức tạp, được tiến hành với thời gian kỷ lục từ 18h ngày 4/1 kéo dài đến 3h sáng hôm sau.

Trong suốt 9 tiếng phẫu thuật đó, ê-kíp đã sửa lại toàn bộ tổn th.ư.ơ.ng, lấy ở trong khoang tim ra 1,5 lít m.á.u, phẫu thuật thay toàn động mạch chủ, thay van động mạch chủ, cắt và khâu ống động mạch.

Ca phẫu thuật thành công như một kỳ tích, 2 ngày sau bệnh nhân tỉnh lại, 2 tuần sau thì ra viện.

Khi các báo đài đến phỏng vấn, vợ bệnh nhân xúc động nói rằng, BV Tim Hà Nội đã cứu sống chồng cô trong tình huống tưởng như vô vọng, còn anh Chung thì rưng rưng ‘Tôi đã được sinh ra lần thứ hai, trở về với vợ con’…

Khi nói về quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân với những rủi ro cực kỳ lớn như thế, BS Hiền chia sẻ: ‘Nếu bác sĩ không dám đánh đổi trách nhiệm của mình với tính mạng của bệnh nhân thì sẽ có những điều đáng tiếc xảy ra.

Bệnh nhân khi quay lại khám, bày tỏ rất biết ơn bác sĩ, đó chính là điều mà những người làm nghề ấn tượng. Niềm vui của bệnh nhân và gia đình họ chính là động lực để mình phấn đấu’.

Tâm sự nghề y (kỳ 2): Máu, cái chết và những giọt nước mắt gạt vội - ảnh 1

BS – PGS.TS Phạm Nhật An.

Câu chuyện về những ca bệnh đặc biệt luôn khiến nhiều người xúc động, BS – PGS.TS Phạm Nhật An, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, nguyên PGĐ BV Nhi TƯ, công tác trong ngành y đã 40 năm, từng kinh qua nhiều vị trí, tiếp xúc vô số ca bệnh cũng kể nhiều trường hợp khiến ông ấn tượng.

Một trong số đó là trường hợp của bệnh nhi ở Gia Lâm (Hà Nội) bị tay chân miệng thể nặng, nhập viện trong trạng thái hôn mê, đã bị tổn th.ư.ơ.ng não.

Rồi các bác sĩ cũng giúp cháu bé thoát khỏi bệnh này, tỉnh táo trở lại. Duy chỉ một điều là căn bệnh để lại một biến chứng lần đầu gặp là khi cháu bé thức thì thở bình thường, chơi bình như những đứa trẻ khác, tuy nhiên nếu ngủ thì bệnh nhi ngừng thở khiến các bác sĩ phải mở khí quản đặt máy để hỗ trợ.

Theo dõi nhiều tháng trời, các bác sĩ cũng phải cho bệnh nhi xuất viện vì việc mở khí quản đặt ống thở sẽ khiến cháu bé dễ bị viêm phổi.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, các bác sĩ vận động quyên góp mua cho bệnh nhi một máy thở xách tay, hướng dẫn bố mẹ sử dụng.

Sau một thời gian dài yên tâm, đến gần đây, BS An hay tin bệnh nhi đã t.ử v.o.ng vì viêm phổi.

‘Một cháu bé ban ngày vui đùa thoải mái, nhìn thấy tôi sẽ ríu rít gọi ông nhưng cuối cùng lại chết. Có những trường hợp như thế luôn khiến tôi băn khoăn, nếu ở một môi trường với các điều kiện khác thì liệu cháu bé có chết không? Đứa trẻ ấy thực sự không đáng chết…’, vị bác sĩ già trầm ngâm.

Không chỉ có những ca bệnh khó trên, tại Khoa Truyền nhiễm BV Nhi TƯ hàng ngày có hàng chục ca bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng trẻ nhỏ.

Có những cháu sốt đi sốt lại đến 8 tháng, liên tục ở viện mà các bác sĩ chưa thể tìm ra nguyên nhân; có trường hợp bố bị lao vì thiếu hiểu biết mà con s.i.nh ra bị lao toàn thể từ rất sớm và c.h.ế.t, rồi những ca bệnh sởi nặng đầu năm 2014 ra đi đau đớn trên tay các y bác sĩ…

‘Những ca bệnh như vậy khiến tôi không thể nào quên’, BS An nói.

Có thể đâu đó người ta vẫn nghe đến những khái niệm về phong bì, lợi ích… nhưng dường như trong bầu không khí được phủ kín bằng bệnh tật, m.á.u m.e và cái c.h.ế.t, ít người nhìn thấy được những giọt nước mắt mà các bác sĩ lén quay đi gạt vội khi bất lực trước một ca bệnh nặng.

‘Người bác sĩ phải luôn có lòng trắc ẩn đối với bệnh nhân, biết đau khi nhìn bệnh nhân đau đớn và phải vượt qua những lợi ích tầm thường thì mới có thể trở thành một bác sĩ chân chính và tử tế được’, câu nói ấy của vị bác sĩ 12 năm đứng chính trong những ca phẫu thuật tim – Nguyễn Sinh Hiền – có lẽ khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Theo Tâm Nguyễn/ Báo Đất Việt