Tâm sự: Người Việt, hồn Việt, luật Úc
Nói Melbourne – Úc là ngôi nhà chung của thế giới quả không ngoa. Nơi đây, ở bất cứ siêu thị, khu phố, sân trường nào cũng có sự giao tiếp của những con người đến từ hàng trăm quốc gia khác nhau. Hơn 200 ngôn ngữ của các tộc người trên thế giới được diễn đạt tại đây. Trong đó, có khoảng 300 ngàn người Việt từ khắp các vùng miền của Việt Nam, tập trung nhiều ở Sydney và Melbourne.
Người Việt đến Melbourne không sớm, một số ít du học và mưu sinh thời trước năm 1975; đột biến là số di trú bằng con đường vượt biển thập niên 1980; đông nhất là số lao động, doanh nhân, thân nhân sinh sống tại Úc bằng quan hệ chính thống giữa 2 quốc gia; sinh động nhất là lớp trẻ đang lao động, học tập, thử thách cơ hội lập thân tại Úc.
Chuyện trò với một số trong các lớp người này ở Melbourne, mới thấy rằng mỗi người có lý do và nỗi niềm riêng, nhưng tất cả đều có “hột nhưn” trong tâm trí, ấy là hồn Việt trong người Việt.
* Người Việt, hồn Việt chan hòa
Truyền thông ở Melbourne thường nhắc tên những người Việt thành đạt, như: Lê Văn Hiếu (Toàn quyền tiểu bang Nam Úc năm 2014), TS. Vũ Thị Ngọc Trang (Viện sĩ Viện Khoa học kỹ thuật hoàng gia, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội thực nghiệm Úc), Nguyễn Sang (Thị trưởng quận Richmond ở Melbourne, Thượng nghị sĩ Quốc hội Úc), Anh Đỗ và Khoa Đỗ (nghệ sĩ tài danh)… Đây là lớp người vinh danh quốc hiệu Việt Nam, dù chưa thấy mặt nhưng nghe kể đã rất tự hào.
Lớp người Việt vượt biển thập niên 1980 phần lớn đã thành đạt bằng việc kinh doanh, thương mại, có mặt khắp nơi nhưng tập trung nhiều ở Sunshine, Footscray, hình thành “thủ phủ” người Việt đậm sắc thái Việt Nam. Lớp người này có bộ phận còn mang “mối hận lòng”, khác chính kiến với sự phát triển trong nước, nhưng đau đáu trong lòng vẫn là tình yêu quê hương đất nước và khát vọng làm cho hồn nước in đậm dấu ấn ở xứ người.
Đến Footscray, cách trung tâm Melbourne khoảng 20 phút ô tô, không khỏi rưng rưng khi thấy bản sắc Việt trên phố qua hệ thống nhà hàng, ẩm thực, bảng hiệu, thông tin, quảng cáo, hàng hóa bày bán không khác TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Nhiều món nổi danh thu hút cả ta và Tây, như: phở Hiền Vương, bún bò huế Đông Ba, Bún Ta, Như Lan, giò chả Ba Lẹ, quán cơm Tân Thành Lợi. Nhiều thương hiệu tin cậy, như: Công ty du lịch Viễn Đông; Little Sài Gòn, Thành Phát; nệm Kymdan, Thương xá Sài Gòn… Có doanh nhân như Danko Tran chuyên kết nối giá trị Việt Nam với nước khác thông qua hoạt động môi giới của Công ty Cockatoo Adventures.
Nhìn mấy ông Tây sì sụp món bún bò huế, bà chủ nhà hàng Cố Đô nổi tiếng ở Sunshine nở nụ cười hể hả cho biết: “Buôn bán hàng Việt được Tây nó thích, sướng cái bụng lắm chú. Không phải chỉ vì tiền lời, mà vì 2 tiếng Việt Nam chảy vào tim gan người ta”.
Bà chủ còn chỉ tay về góc phố, ở đó tấm băng rôn còn treo: “Ngày vải thiều Việt Nam tại Úc – Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đài, báo cũng vừa loan tin: “Ngày 27-7, 18 tấn xoài Suối Cát (huyện Xuân Lộc) đã đến với siêu thị Melbourne”.
Nói chuyện kinh doanh, làm ăn ở Úc, luật sư Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt kiều Úc châu, khơi nguồn tâm tình như suối reo nước chảy. Từ năm 2010, hơn 200 thành viên là doanh nhân Việt kiều, doanh nghiệp tại Úc đã hợp tác lập Hội Doanh nhân Việt kiều Úc châu (VBAA), trụ sở tại Melbourne.
Hội đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối người Việt tại Úc với chính sách đối ngoại, hợp tác giữa Việt Nam – Úc, như là mạch máu trong cơ thể kinh tế – văn hóa Việt Nam – Úc. Mỗi thành viên của Hội đều muốn thể hiện tấm lòng yêu nước bằng cách làm được gì đó cho quê nhà.
Luật sư Trần Bá Phúc có 3 nhiệm kỳ làm Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam là hạt nhân đoàn kết “máu lửa”. Ông Nguyễn Văn Bằng vừa định cư đoàn tụ gia đình đã làm nhịp cầu nối những bờ vui. Ông Lê Văn Danh, Ủy viên của Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai, đi đâu cũng kè bên mình smartphone đầy đủ thông tin quản trị trại heo giống và mô hình giúp dân vượt nghèo ở Xuân Lộc. Buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai Huỳnh Văn Tới với thành viên Hội Doanh nhân Việt kiều Úc châu tại Golden Horse, thật cảm xúc: Người Việt, hồn Việt chan hòa!
* Và, sự chọn lựa?
Hỏi những người Việt trẻ ở Melbourne về nơi hướng đến, sẽ nhận được câu trả lời: Việt Nam. Nhưng hỏi về sự chọn lựa nơi ở và làm việc, câu trả lời của họ thường là: Úc! Vì sao vậy?
Lớp người trẻ lao động, học tập, thử thách lập thân ở Melbourne hiện mỗi người có cách nghĩ, cách làm khác nhau, nhưng có chung lý do chọn lựa: “Môi trường sống”. Gặp những người Đồng Nai đang ở Melbourne mới hiểu thấu những gì đang trôi chảy trong mong ước.
Anh chị Trần Xuân Hòa tuổi lục tuần miệt mài với nhiều đầu việc để khẳng định giá trị lao động của mình; cặp vợ chồng thành đạt Huy – Trúc trẻ trung, sôi nổi; nghiên cứu sinh Thu Hà nặng nợ với nghề giáo và cả những du học sinh chưa ra trường nữa, đều có lý lẽ cho rằng: “Melbourne là nơi có môi trường sống đáng sống, cốt lõi là do thiết chế xã hội pháp quy trên nền tảng nhân văn”.
Đúng là, ở Melbourne không có nhiều hội đoàn chính trị – xã hội, nhưng mọi thứ thuộc về con người đều kết tinh trong pháp luật. Pháp luật lấy con người làm mục tiêu, giá trị nhân văn làm cốt lõi. Người lao động được tôn trọng. Kết quả lao động là thước đo. Tầng lớp yếu thế: trẻ em, phụ nữ, người già, người tàn tật được bảo trợ.
Người dân được tạo nhiều cơ hội việc làm. Công lao động được đánh giá đúng, trả lương cao. Phải nộp thuế thu nhập cao để thực thi trách nhiệm bảo hiểm xã hội; không được phân biệt đối xử, hoặc có lời nặng nhẹ với người hưởng chính sách xã hội.
Nghe trao đổi về môi trường sống, người cha vừa đưa con gái đến nhập học ở Melbourne cảm thấy lo lắng: “Con ơi! Dẫu thế nào, con cũng về với ba mẹ, với quê hương đất Tổ nghen con!”. Cô gái hồn nhiên: “Ở thời @ này, đâu phải lúc nào nơi hướng về và nơi chọn lựa cũng là một đâu ba?”.
Trở về, lòng người cha ngổn ngang: “Làm sao để quê mình trở thành nơi đáng sống, nơi chọn lựa của lớp trẻ tương lai – vốn là việc không nhất thiết phải nhiều tiền. Liệu có khó lắm không?”. Câu hỏi thiệt nặng lòng, nặng cả cánh bay!
Nguồn: Alouc.com