Tâm sự nhói lòng của người con có mẹ làm điều dưỡng viên
Tôi thấy thực sự đáng thương cho những người ngày đêm cố gắng, nỗ lực vì cái ngành bạc bẽo này.
Người làm ngành Y có đáng để ném đá
Từ nhỏ tôi đã thiếu vắng hơi ấm của người mẹ bên cạnh, chỉ đơn giản mẹ tôi là điều dưỡng viên. Mỗi ngày tôi chỉ thấy bà ở nhà khoảng vài tiếng đồng hồ, bởi mẹ đi sớm về khuya, lúc mẹ đi tôi chưa thức giấc, lúc tôi đang say giấc nồng mẹ mới trở về nhà. Rồi những khi mẹ trực thâu đêm đến sáng vẫn phải làm việc khi chẳng may hôm đó đồng nghiệp bị ốm. Tôi không nói chuyện nhiều với mẹ bởi thời gian mẹ chẳng có để dành cho tôi. Tôi muốn được mẹ đưa đón, được mẹ tết tóc mỗi khi đi học, tôi muốn được ăn những món mẹ nấu, thèm cảm giác được vòng tay ôm mẹ ngủ… ước mơ nhỏ nhoi đó thật khó thực hiện bởi mẹ còn phải túc trực với những bệnh nhân của mình. Cảm giác tủi thân trào dâng trong lòng khi tôi nghĩ mẹ chẳng còn yêu mình nữa, thậm chí mẹ không còn nhớ rằng mẹ có đứa con gái đợi chờ mẹ ở nhà.
Những lúc tôi ốm, mê sảng cả đêm cũng chỉ có bà nội là người săn sóc duy nhất. Còn mẹ vẫn mải mê với công việc của mình và trở về nhà sáng hôm sau với gương mặt mệt mỏi nhưng tuyệt nhiên mẹ không hề kêu than nửa lời. Lúc đó tôi dần hiểu ra rằng mẹ làm việc vất vả, canh chừng, theo dõi tình trạng bệnh nhân cả đêm nên mẹ chẳng thể dành thời gian cho tôi được nữa.
Tôi bắt đầu học cách chấp nhận hoàn cảnh của mình, không còn mong ngóng mẹ hàng đêm, không mong chờ mẹ đến dự buổi văn nghệ tôi diễn ở trường, không hi vọng mẹ đến họp lớp phụ huynh mỗi kỳ cuối năm. Trong khi các bạn gái được mặc váy hoa, xúng xính bên mẹ, tôi quen dần với cuộc sống không có mẹ.
Lớn lên rồi tôi mới hiểu rằng nghề của mẹ phải đối diện với nhiều thị phi, áp lực điều tiếng từ xã hội, từ chính bệnh nhân của mình. Những khi đọc báo thấy mọi người ném đá, lên án những người trong ngành Y mà tôi thấy chạnh lòng, xót xa bởi họ không đáng bị đối xử như vậy. Tôi đã từng lặng lẽ theo dõi công việc của mẹ, cả ngày chạy đi chạy lại hướng dẫn cho bệnh nhân, lo thủ tục, giấy tờ, hồ sơ nhập viện, rồi thức đêm thức hôm theo dõi người bệnh. Có những lúc bệnh nhân đau, nổi cáu mắng xối xả vào mặt nhưng nào có dám phản kháng vẫn nhỏ nhẹ nhận lỗi về mình…
Im lặng đối diện với thị phi
Đã có những lúc tôi muốn mẹ bỏ nghề, muốn mẹ có những giây phút thảnh thơi, thoải mái, muốn mẹ từ bỏ mọi thứ trở về nhà với gia đình. Mẹ chỉ nhỏ nhẹ bảo rằng cả đời mẹ gắn bó với nghề điều dưỡng, sống với những bệnh nhân, lấy niềm vui hạnh phúc của bệnh nhân để làm động lực cố gắng mỗi ngày.
Mẹ đã nói lời xin lỗi tôi vì không thể chăm sóc cho chính những đứa con của mình nhưng luôn phải hoàn thành nhiệm vụ săn sóc người bệnh thật tốt. Mẹ xin lỗi vì bao năm qua để tôi tự lớn khôn, khiến tôi thiếu thốn tình cảm gia đình. Mẹ đã rơi nước mắt khi tâm sự về nghề Y bạc bão đến đau lòng. Lúc này tôi mới nhận ra mình thật đáng trách khi đã từng trách mẹ, ghét mẹ không để tâm đến mình, tôi không biết rằng mẹ mệt mỏi đến nhường nào.
Bất cứ người mẹ nào cũng mong đem lại những điều tốt nhất cho con nhưng đôi khi phải chấp nhận hoàn cảnh để cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt những người là nghề y họ phải từ bỏ, hi sinh nhiều thứ để cống hiến cho nghề.
Mỗi ngành nghề đều có những vất vả, tiêu cực riêng khó có thể nói rằng nghề này nhàn hạn, nghề kia vất vả. Chỉ xin mọi người trước khi đưa ra ý kiến phán xét, chỉ trích ném đá ngành Y hãy nhìn nhận mọi thứ công tâm, công bằng hơn để không làm tổn thương những con người tận tâm nỗ lực cho xã hội văn minh hơn.
Theo Thu Hằng/ Y tế Việt Nam