Tâm sự về Nghề “lắc chảo” của người Việt ở Đức.
“Lắc chảo”, tiếng lóng chỉ nghề làm đầu bếp, được coi là cứu tinh cho nhiều người Việt khi sang Đức định cư. Chưa ai thống kê ở Đức có bao nhiêu nhà hàng Việt Nam, đầu bếp người Việt nhưng chắc chắn là rất nhiều.
Tại Berlin không khó để tìm thấy một nhà hàng Việt Nam. Những khu trung tâm gần các ga tàu điện ngầm như ở Postdamer Platz, Zoologigaten, Bigmark đều có thể tìm thấy nhà hàng Việt Nam mang danh China restaurant hay để mập mờ Asia restaurant. Có nhiều nhà hàng để hẳn bảng hiệu rất Việt Nam như Xich lo, Pho Loan, nhà hàng Bác Hồ, Bình Minh, Mekong, Hà Nội, Phu. Dĩ nhiên mỗi nhà hàng đều có đầu bếp người Việt.
Nhà hàng Việt Nam ở Đức.
Anh Nam, một đầu bếp có thâm niên trên 10 năm ở Berlin, tâm sự: “Tôi cũng như nhiều anh em sang đây lao động từ thập niên 80 rồi ở lại, biết làm gì ngoài cái nghề này. Cái gì mà mình quyết tâm thì làm được tất”.
“Hồi mới qua đây có biết nấu nướng gì đâu. Làm công nhân nên phải tự nấu ăn cho mình để vừa tiết kiệm, vừa ăn theo ý thích của mình, riết rồi quen”, Dũng, một người Việt gốc Hoa, trước ở quận 5, TPHCM kể.
Bắt đầu như vậy nhưng bây giờ Dũng đã có một nhà hàng trên đường Hallerstr, quận Chalottenberg.
Trong một tiệc sinh nhật ở Magdenberg, cách Berlin 4 giờ tàu, tình cờ tôi làm quen với 6 thanh niên Việt Nam và thật bất ngờ, cả 6 người đều làm nghề “lắc chảo”. Ngạc nhiên hơn, tất cả đều “thú nhận” chưa từng động xoong, động chảo khi ở Việt Nam! Câu chuyện của họ đều na ná nhau: bắt đầu từ việc chạy bàn, rửa chén, chạy chợ lâu dần thành đầu bếp. Có người mất 2, 3 năm nhưng cũng có người phải 5, 7 năm tùy năng khiếu.
Tuấn, người Thái Bình, từng đi bộ đội rồi sang Đức lao động, được xem là thành công nhất vì đã có thể thuê được một căn hộ kha khá. Anh kể: “Nói nghe thì đơn giản nhưng không hề dễ dàng đối với một người tha phương cầu thực, không nghề ngỗng gì trong tay như tôi”.
“Lúc làm phụ bếp, chủ yếu là chạy việc vặt, tôi phải để ý từng tí một và đáp ứng hầu như tất cả yêu cầu của người đầu bếp, kể cả những yêu cầu vô lý nhất”, anh nói. “Tôi vừa học tiếng Đức, vừa đọc sách nấu ăn. Cứ thế, dần dần rút kinh nghiệm qua việc tự nấu ăn cho bản thân, rồi mạnh dạn nấu ăn mời bạn bè đến nhậu vào những dịp cuối tuần và lễ lạt”.
Đầu bếp Hải lại có nhiều kinh nghiệm buồn. Anh làm việc trong một nhà hàng được rất nhiều người Đức ưa thích, trong đó có một bà hàng xóm. Bà này lại rất yêu chó nên mỗi lần đến nhà hàng đều dẫn chó cưng theo và mua một món ăn cho chó. Hải rất tâm lý, thường múc thêm một cái gì đó cho vào bát của con chó. Người Đức cũng có người thích chó, người không, nhất là lại phải ăn chung với chó trong nhà hàng. Một số người đã phàn nàn với ông chủ nhà hàng. Hải được lệnh không được chiều bà già kia nữa. Vị khách hàng quen thuộc kia tỏ ra khó chịu. Rồi một ngày “chuyện lớn” đã nổ ra khi Hải không cho bà già kia cho chú chó cưng ăn trên bàn. Hải bị xỉ vả, chửi bới thậm tệ.
Giải thích cho việc tại sao nhiều nhà hàng Việt lại mang danh Trung Quốc, anh Hiệp, từng là một chủ nhà hàng ở Berlin, cho biết: “Khi bức tường Berlin sụp đổ, nhiều người Việt sang Tây Đức mở nhà hàng. Thời kỳ đầu cũng lấy bảng hiệu Việt Nam nhưng không mấy khách đến. Nhiều người thất bại. Số khác thử tìm hiểu và biết rằng người Đức không hề có khái niệm Việt Nam mà chỉ biết đến Trung Quốc, Thái Lan vì thời điểm đó bên Tây Đức quan hệ với Việt Nam chưa nhiều. Thế là một số người thay bảng hiệu thành nhà hàng Trung Quốc và khách hàng Đức đã đến”.
Tuy nhiên, giờ đây rất nhiều người Đức đã xem nhà hàng Việt Nam như một điểm ăn ngon. Peter Prufert, Giám đốc Viện Báo chí quốc tế (IIJ) hễ nhắc đến món ăn Việt Nam đều khen nức nở, nhất là chả giò. “Mỗi khi có dịp ra ngoài ăn với bạn bè, tôi đều giới thiệu nhà hàng Việt Nam”, ông nói.
Elka, một nữ nhân viên của IIJ nhận xét: “Món ăn của người Trung Quốc thì ngọt quá, món của người Thái thì lại cay. Tôi thích món ăn Việt Nam vì đã giải quyết được hai cái dở này”.
Hệ thống nhà hàng Việt Nam ở Đức ngày càng phát triển, cũng có nghĩa nghề “lắc chảo” của người Việt tại đây cũng đang ăn nên làm ra.