Tết âm của người Việt tại Úc có gì đặc biệt?
Giữa Hội trường Albert cổ kính của Canberra (Úc) nổi bật những tà áo dài thướt tha. Khi tiếng đàn bầu, sáo trúc nổi lên, cả hội trường với hơn 500 khách như lặng đi, bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa của Tết xa xứ, của sự đoàn viên và trở về cội nguồn, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tiếng đàn bầu giữa Thủ đô nước Úc
Với Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị, tổ chức ngày Tết Nguyên Đán cho bà con người Việt là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong năm
Do đặc điểm địa lý, các mùa ở Úc ngược với Việt Nam. Thời điểm Tết Nguyên đán ở Việt Nam là cuối mùa hè ở Úc. Thủ đô Canberra khoảng thời gian này khá nóng với nhiệt độ trung bình gần 30 độ C. Ở các thành phố khác cũng vậy, luôn tràn ngập nắng, bầu trời xanh ngắt. Người dân Úc thường đổ đến các bãi biển dịp cuối tuần để tắm nắng, hoặc tụ họp nhau tại các công viên cây xanh để vui chơi và thưởng thức BBQ, món nướng luôn được người Úc ưa thích.
Thủ đô nước Úc là một trong ít nơi ở xứ sở chuột túi có 4 mùa rõ rệt trong năm. Đặc biệt hơn, tuy đang là mùa hè nhưng có những ngày ở Canberra bạn cũng có thể cảm nhận được “các mùa khác nhau”: Sáng sớm tận hưởng sự mát mẻ của mùa thu, trưa đến là mùa hè như đổ lửa, không khí dịu lại khi hoàng hôn chiều tàn và đêm đến lại có chút se lạnh của mùa đông.
Trong mùa hè tràn ngập nắng của Canberra, mọi vật cũng trở nên bừng sáng, đầy sức sống. Những đại lộ rộng dài với hai hàng cây bên đường cho ta cảm giác của sự thoáng đãng, trái ngược với những con đường nhỏ hẹp phủ bóng cây xanh uốn lượn quanh những triền đồi. Các khu dân cư, chủ yếu là nhà thấp tầng, được vây quanh bởi những hàng rào cây xanh được tỉa tót kỹ lưỡng, dưới ánh nắng rực rỡ khoe ra lối kiến trúc giản dị, không cầu kỳ mà lịch thiệp, tiện dụng của Canberra.
Tết Nguyên đán của Việt Nam là thời điểm mùa hè ở Úc
Úc là nơi có cộng đồng người Việt lớn, khoảng 300.000 người và gần 30.000 sinh viên đang theo học tại đây. Do đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc (ĐSQ) rất chú trọng việc tổ chức Tết cộng đồng, một dịp để bà con cùng nhớ về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn kết hơn với quê cha, đất tổ. Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết công tác chuẩn bị thường được bắt đầu trước cả vài ba tháng, từ việc xác định thời gian phù hợp (thường vào Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật) đặt địa điểm (đủ lớn cho khoảng 500-700 khách) đến những công việc rất cụ thể, tỉ mỉ như lên danh sách khách, gửi thiếp mời… ĐSQ phải xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công phân nhiệm tới từng cán bộ nhân viên, các phu nhân, phu quân, đồng thời huy động sự trợ giúp của các hội sinh viên Việt Nam. Những món ăn ngày Tết, những tiết mục văn nghệ đậm truyền thống dân tộc không thể thiếu trong dịp này. Có nhiều món ăn chúng tôi phải đặt trước cả tháng trời từ Sydney như bánh chưng, giò lụa; các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của cán bộ, nhân viên ĐSQ hay của các bạn sinh viên cũng phải được tập luyện ngày đêm, hoặc xây dựng những trò chơi phù hợp trong ngày Tết cho các em nhỏ…
“Mỗi lần tổ chức Tết cộng đồng lại có những kỷ niệm đáng nhớ, nhưng ấn tượng nhất đối với bản thân tôi khi lần đầu tiên trên cương vị Đại sứ chủ trì tổ chức Tết Ất Mùi 2015 cho cộng đồng ta trên đất Úc. Bản thân tôi cũng nhiều lần ăn Tết xa nhà, nên rất hiểu Tết là dịp mọi người gặp gỡ, giao lưu, hướng về cội nguồn, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và được thưởng thức những món ăn truyền thống hương vị của ngày Tết như giò chả, bánh chưng…”- Đại sứ Nghị chia sẻ.
Ông hồi tưởng trong không khí ấm cúng và thân tình của ngày Tết năm đó, ông vô cùng xúc động, được gặp gỡ nhiều thế hệ người Việt đến từ những nơi cách Canberra cả gần ngàn cây số như từ Melbourne, Brisbane, gần hơn là từ Sydney và những vùng phụ cận Lãnh thổ Thủ đô Úc (ACT). Có những cô chú đã ngoài 70, 80 tuổi, có cả những cháu nhỏ tiếng Việt còn bập bẹ, những cô dâu, chú rể người Úc, ai cũng tay bắt mặt mừng, nét hân hoan lộ rõ trên khuôn mặt từng người. Giữa Hội trường Albert cổ kính của Canberra, nổi bật những tà áo dài thướt tha đủ sắc màu của các bà, các cô, các chị em và các cháu. Cũng là lần đầu tiên, có một ban nhạc dân tộc của nghệ sĩ Minh Hà (con gái nghệ sĩ sáo Đinh Thìn và nguyên là thành viên của Ban nhạc Mặt trời đỏ) đã không quản ngại đường xa gần 500 km đến biểu diễn phục vụ bà con. “Khi tiếng đàn bầu, sáo trúc, hay tiếng đàn t’rưng nổi lên, cả hội trường với hơn 500 khách như lặng đi. Lúc đó, bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa của Tết xa xứ, của sự đoàn viên và trở về cội nguồn, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc”- Đại sứ xúc động.
Những nhịp cầu nối liền Việt – Úc
Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết sau gần 3 năm công tác tại Úc, câu chuyện ông ấn tượng nhất về quan hệ hai nước chính là sự gắn kết trong quá khứ, hiện tại và tương lai giữa hai dân tộc. Từ chính giới đến các tầng lớp khác nhau trong xã hội khi gặp ông, họ đều nhắc đến điều này.
Trong quá khứ, hai nước đã trải qua một giai đoạn buồn của lịch sử nhưng đều hướng về tương lai, và hiện chia sẻ nhiều lợi ích thiết thực trong quan hệ song phương cũng như trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Ngay sau hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Chính phủ Úc đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một chương mới của quan hệ hai nước. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Úc không ngừng được vun đắp và phát triển, cả hai nước đều là đối tác quan trọng của nhau.
Lãnh đạo Úc trong phát biểu của mình thường nhắc đến những câu chuyện về đóng góp của cộng đồng người Việt trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của Úc, hay câu chuyện về hợp tác giữa các nhà khoa học hai nước trong việc lai tạo và trồng đại trà cây tràm keo ở Việt Nam, những công trình biểu tượng tình hữu nghị của hai nước như cầu Mỹ Thuận và sắp tới đây là cầu Cao Lãnh…
Cộng đồng gần 300.000 người Việt Nam luôn được đánh giá cao, là cộng đồng trẻ, năng động, có nhiều đóng góp vào đa dạng văn hóa của nước Úc. Gần 30.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Úc, trong tương lai là nguồn nhân lực chất lượng cao của cả hai nước. Thế hệ trẻ người Úc gốc Việt, tuy sinh ra và trưởng thành tại Úc, nhưng cũng đang đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển của cả hai quốc gia. Họ chính là những sứ giả, nhịp cầu vững chắc của quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Úc.
Đến đúng dịp Tết Nguyên đán, mặc dù xa quê hương và ngày Tết của ta vẫn là ngày làm việc của sở tại nhưng ĐSQ vẫn cố gắng duy trì ở mức cao nhất có thể phong tục tập quán của dân tộc. Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết trong những ngày lễ trọng của dịp Tết cổ truyền, ngoài sự chuẩn bị của từng gia đình, ĐSQ cũng tổ chức lễ tiễn ông Công ông Táo, bữa cơm tất niên ấm cúng với sự tham dự của tất cả các gia đình trong ĐSQ. Sáng mùng một Tết, tất cả mọi người tập trung, thắp hương bàn thờ Bác, chúc mừng năm mới lẫn nhau, mừng tuổi mới và sau đó đi lễ chùa.
Một số hình ảnh tại Gặp mặt mừng xuân Đinh Dậu 2017 do ĐSQ Việt Nam tại Úc tổ chức trưa ngày 21-1-2017. Ảnh do Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị cung cấp.
Dàn đồng ca ĐSQ trong tà áo dài truyền thống
Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị trò chuyện cùng GS Carl Thayer tại Tết cộng đồng. Theo Đại sứ, GS Carl Thayer là người, có thể nói, rất nặng lòng với Việt Nam và rất nhiệt tình tham gia các sự kiện do ĐSQ tổ chức dù bận đến mấy. Ông là một trong số hiếm hoi người nước ngoài thường xuyên đọc báo Nhân Dân (báo giấy). Trò chuyện với Đại sứ, ông hỏi sao vừa qua ở Việt Nam có nhiều ý kiến liên quan tới Tết và khuyên Việt Nam không nên bỏ Tết âm lịch.
Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị trò chuyện cùng GS Carl Thayer tại Tết cộng đồng. Theo Đại sứ, GS Carl Thayer là người, có thể nói, rất “nặng lòng” với Việt Nam và rất nhiệt tình tham gia các sự kiện do ĐSQ tổ chức dù bận đến mấy. Ông là một trong số hiếm hoi người nước ngoài thường xuyên đọc báo Nhân Dân (báo giấy). Trò chuyện với Đại sứ, ông hỏi sao vừa qua ở Việt Nam có nhiều ý kiến liên quan tới Tết và khuyên Việt Nam không nên bỏ Tết âm lịch.