Tết xa xứ nhớ gà luộc, thịt đông, dưa muối mẹ làm
Những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất 2018 qua đi, cũng là lúc nhiều người con xa xứ chạnh buồn nghĩ tới quê hương, nghĩ đến cái Tết nơi quê nhà. Nhớ những buổi cùng bố mẹ đi chợ, gói bánh chưng, hình ảnh mâm cơm ngày Tết đơn giản với gà luộc, thịt đông, củ kiệu, dưa muối tự tay mẹ làm.
Buồn đến “nẫu ruột”
Quê hương đối với mỗi người luôn là tiếng gọi trìu mến thiêng liêng. “Quê hương mỗi người chỉ một” – quả đúng như vậy, quê hương luôn là nguồn sống nuôi dưỡng tâm hồn ta.
Từng khóc khi nghe nhạc xuân – đó là tâm sự của bạn trẻ Vũ Nhung – du học sinh Nhật Bản khi 3 năm liền đón Tết xa nhà. Nhung kể: “Năm đầu tiên xa nhà vẫn còn ham chơi nên mình không cảm giác thấy buồn lắm nhưng càng về sau mình càng thấm thía nỗi buồn của một người xa xứ. Đến năm thứ 3, mình đã bật khóc như một đứa trẻ khi nghe những bản nhạc về xuân rộn rã”.
Nhung nhớ từng chi tiết về không khí chuẩn bị Tết hồi còn ở Việt Nam. “Nhà mình có thói quen mua sắm đồ dùng hoặc làm những việc vào những ngày nhất định. Ngày 26, bố mẹ sẽ mua đào, 28 có quất, 29 cả nhà khuấy chè lam… Ngày trước, việc này chỉ là điều tự nhiên, vậy mà 3 năm qua mình nhớ từng chút một”, Nhung chia sẻ.
Vũ Nhung đã 3 năm phải ăn Tết nơi đất khách, xứ người. Ảnh: NV
Đây cũng là tâm trạng của Nguyễn Văn Tùng (25 tuổi) đang làm việc ở Hirosima, Nhật Bản. Với Tùng, năm nay đã là cái Tết thứ chín xa quê. Anh vẫn nhớ cảm giác đầu tiên không ăn Tết ở nhà. Đó là cái Tết buồn nhất vì vẫn phải đi làm.
Chàng trai trẻ tâm sự thêm, là con trai nhưng mỗi lần đi chợ cuối năm, mẹ luôn chở Tùng theo, mua rất nhiều hoa, gà về cúng. Tết ngày xưa tuy thiếu nhiều thứ, khó khăn về vật chất nhưng vẫn đong đầy niềm vui, đượm nghĩa tình.
“Những lúc ngồi ăn uống, chúc mừng năm mới bên bạn bè thì hình ảnh mâm cơm ngày Tết đơn giản với củ kiệu, dưa muối tự tay mẹ làm ngày xưa lại ùa về khiến sống mũi mình cay cay. Có lẽ, dù đi đâu, làm gì, Tết vẫn là lúc khiến mình muốn được về nhà nhất, được sống lại bên gia đình như những ngày ấu thơ đã qua”, Tùng nói.
Trong kí ức của người Việt, Tết là dịp gia đình đoàn viên, quây quần bên nhau. Với những người đi làm ăn, học tập xa, được hưởng những nghi lễ cổ truyền tại quê nhà là một niềm mong mỏi đặc biệt. Rất nhiều bạn trẻ xa xứ thú nhận rằng không khí Tết như đang đưa đẩy tâm trí họ hướng về quê nhà.
“Mình nghĩ Tết trở nên thiêng liêng cũng vì sự sum vầy”, Thanh Tú – sinh viên Đại học Pyeongtaek (Hàn Quốc) chia sẻ. Với Tú, Tết đến lòng trống trải lắm, một mình đón năm mới nơi xứ người buồn đến “nẫu ruột”. Đêm 30 Tết, khoảng khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới khiến mình có cảm giác nhớ nhà và nhớ người thân yêu. Giây phút đó chỉ biết ngồi trên máy tính, mở chương trình cầu truyền hình trực tiếp để nghe những tiếng nói thân thương vọng lại từ đất mẹ Việt Nam, chỉ muốn lao nhanh về nhà bên mọi người để tận hưởng một cái Tết đầm ấm”, Tú bộc bạch.
Ở đâu có người Việt, ở đó có Tết Việt
Để lấp đi khoảng trống trong lòng mỗi người, những du học sinh ở khắp nơi lại tụ họp để cùng nhau nấu nồi bánh chưng, tổ chức Tết xa xứ.
Lê Thúy – du học sinh Nga cho biết Tết Nguyên đán cũng là thời gian để các du học sinh ở đây tụ họp lại với nhau. Mọi người quây quần tổ chức nhiều chương trình như múa hát, tổ chức các các cuộc thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả để tạo không khí vui xuân.
Du học sinh nước ngoài quây quần bên mâm cỗ đón Tết cổ truyền
Ở đâu có người Việt, ở đó có Tết Việt, có mâm cơm truyền thống. Tết xa quê, những người con xa xứ vẫn gói bánh chưng, làm giò chả và cùng nhau làm những điều ý nghĩa.
Là du học sinh tại Pháp, Thu Hương cũng cho biết, ở bên này mình và các bạn du học sinh cũng tất bật tổ chức những hoạt động đón Tết như ở Việt Nam.
“Tết đến bọn mình sẽ tổ chức gói bánh chưng. Đây là hoạt động yêu thích nhất. Tất cả mọi người có cơ hội quây quần bên nhau rửa lá dong, nấu đỗ, gói bánh, trông bánh chưng và chơi những trò chơi tập thể.
Đêm Giao thừa, bọn mình tổ chức một bữa ăn tất niên nho nhỏ, gọi điện về cho gia đình để cùng đón năm mới. Mùng 1 Tết, mình và bạn bè cũng làm những món ăn truyền thống như nem, gà luộc, thịt đông và bánh chưng để cùng nhau ăn bữa cơm năm mới”, Hương kể lại.
Còn niềm an ủi mỗi dịp Tết Nguyên đán cho cô bạn tên Linh và nhiều sinh viên Việt Nam ở Anh là tiệc tất niên do Hội du học sinh tổ chức. Mọi người cùng làm nem, gói bánh chưng và nấu canh măng.
“Không ai biết gói bánh chưng nên chúng em vừa làm, vừa xem video hướng dẫn trên Youtube. Sản phẩm tuy hơi méo chỗ này, lồi chỗ nọ nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon. Vừa ăn cả hội vừa bật Táo quân lên xem rất vui vẻ rồi cùng nhau kể chuyện tết xưa cũ. Ai cũng bồi hồi và tự nhủ phải cố gắng học tốt để sớm về quê đón Tết với gia đình” – Linh chia sẻ.
Nguyễn Mai/Lao Động