Thạc sĩ gốc Việt bỏ ghế ngân hàng để đi bán đậu phụ và trở thành triệu phú
Người đàn ông gốc Việt tên Minh Tsai được biết đến là “vua đậu phụ” trên đất Mỹ, làm nên thương hiệu Hodo Soy với những sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng yêu thích.
Bỏ ngân hàng để đi bán đậu phụ
Minh Tsai (48 tuổi) sinh ra ở Việt Nam và chuyển tới Mỹ sinh sống vào năm 1981. Người đàn ông đã có bằng cử nhân và thạc sĩ tại Đại học Columbia. Trước khi chuyển sang kinh doanh đậu phụ, ông từng làm việc trong lĩnh vực tài chính tại ngân hàng JPMorgan Chase & Co và Charles Schawab.
Minh Tsai từng tâm sự rằng, tại Mỹ, ông không thể tìm thấy loại đậu phụ nào có thể ngon bằng hương vị quê nhà. Nỗi nhớ về những miếng đậu phụ thơm ngon ở Việt Nam đã thôi thúc ông có một quyết định táo bạo đó là nghỉ làm việc ở ngân hàng để chuyển sang kinh doanh đậu phụ.
Ông nhận ra cơ hội kinh doanh có thể phát triển từ món ăn này tại Mỹ, nơi mà phần lớn các nhà sản xuất châu Á tạo ra loại đậu phụ ngon nhưng không phải là hữu cơ, còn các công ty Mỹ làm theo dạng hữu cơ thì lại không ngon. Đậu phụ hữu cơ ở Mỹ dường như là “một khối cứng, trắng bệch và không có mùi thơm của đậu nành“.
Minh Tsai bỏ việc ngân hàng để tạo ra miếng đậu phụ chuẩn vị quê nhà.
Nghĩ là làm, Minh Tsai đã cất công tìm kiếm những cách thức làm đậu phụ ở quê hương và phải rất kỳ công ông mới tìm ra được công thức của riêng mình phù hợp với loại đậu nành trồng trên đất Mỹ và tạo ra miếng đậu phụ có hương vị gần giống với ký ức tuổi thơ của ông.
Trong suốt 2 năm, ông Minh tự tay làm ra những miếng đậu phụ thơm mềm và bán cho người người nông dân tại các chợ ở Palo Alto. Sau khi nhận được phản hồi tích cực từ người mua, nhận thấy rằng họ đặc biệt quan tâm tới những sản phẩm hữu cơ và đủ thu nhập để chi trả cho chúng, Minh quyết định dồn hết tài sản của mình để khởi nghiệp Holo Soy vào năm 2004.
Trở thành triệu phú từ đậu phụ
Sản phẩm đầu tiên của Hodo Soy là “yuba” – một loại sợi mềm như mỳ từ đậu nành và một số nguyên liệu khác. Năm 2005, doanh nhân Minh Tsai hợp tác cùng John Notz – người sau này trở thành Giám đốc tài chính của Hodo Soy. Notz đã giúp công ty gọi vốn để xây dựng nhà xưởng. Nhà máy sản xuất đậu phụ Hodo được đặt tại khu công nghiệp ở Oakland, California (Mỹ).
Trung bình một ngày, Hodo Soy sử dụng khoảng 15 tấn đậu nành hữu cơ Mỹ để sản xuất ra 20 tấn các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ nguyên chất, sữa đậu nành, các món đã được nấu chín, ăn liền với nhiều vị khác nhau.
Người đàn ông gốc Việt khởi nghiệp từ chính món đậu phụ dân dã ở Việt Nam
Nhà xưởng của Minh Tsai hiện sản xuất ra hàng tá sản phẩm và mỗi năm lại cho ra đời vài sản phẩm mới. Trong năm 2018, công ty tạo ra một dòng đậu phụ có hương vị Morocco và Địa Trung Hải đóng trong các gói khoảng gần 4kg và bán với giá 6 USD.
Các sản phẩm của Hodo Soy được bán trên khắp nước Mỹ, từ các khu chợ cho người sành ăn tại San Francisco tới các cửa hàng thực phẩm sạch tại Brooklyn. Sản phẩm của Hodo cũng được dùng trong các chuỗi cửa hàng đạt sao Michelin như Sweetgreen và Bird Provision tại San Francisco.
Vào mùa thu năm 2018, nhà xưởng Hodo cũng được mở rộng từ 2.300m2 lên 3.700m2, nâng công suất chế biến lên hơn 31 tấn đậu nành mỗi ngày. Tính đến tháng 8/2018, sản phẩm của Hodo có mặt ở 450 cửa hàng Whole Foods tại Mỹ.
Ban đầu, tên công ty được gọi là Hodo Soy, nhưng sau đó nó đã được rút ngắn và giờ được gọi tên là Hodo. Tsai giải thích rằng, công ty của ông đang tìm cách mở rộng phạm vi các sản phẩm dựa trên protein thực vật khác không chỉ là đậu nành. “Chúng tôi sẽ thử tất cả khả năng với sản phẩm thực vật, từ đồ sẵn để ăn, uống tới snack“, Minh cho hay.
Theo một báo cáo vào tháng 6/2018 của Nielsen, Hodo là một trong những công ty tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực kinh doanh đồ ăn từ thực vật. Doanh thu của Hodo hiện đạt 15 triệu USD và tăng trưởng gần 36% mỗi năm.
Từ món ăn truyền thống đơn giản ở quê nhà, ông Minh Tsai đã tạo ra một cuộc “cách mạng hóa” ngành công nghiệp đậu phụ và những loại thực phẩm từ thực vật. Hodo đã thành công trong việc tạo ra những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe và luôn đem đến hương vị thơm ngon nhất, khiến người tiêu dùng thay đổi suy nghĩ về món đậu phụ truyền thống trước kia.