Thảm cảnh nước Mỹ: Người Mỹ lo  ℓạм ρнáт kéo dài khi nhìn giá hàng hóa

Giá cả vẫn neo ở mức cao và có thể tăng thêm khiến không ít người Mỹ nghĩ lạm phát sẽ còn dai dẳng.

Với Dan Burnett, cựu quản lý trung tâm y tế 58 tuổi sống ở Margaretville (New York), lạm phát bắt đầu từ quầy thịt xông khói. Mùa hè năm ngoái, ông phát hiện món ăn sáng này tăng giá mạnh, từ 8 USD lên 10 USD mỗi gói tại cửa hàng tạp hóa địa phương.

Không bao lâu sau, nhiều loại thực phẩm đồng loạt tăng giá, đến mức ông quyết định lái xe hơn 70 km để mua đồ tại Aldi và Walmart, với hy vọng có được món hời hơn. Hè năm nay, lạm phát diễn ra trên diện rộng, đẩy giá sửa chữa ôtô, phòng khách sạn và khoai tây chiên của McDonald’s tăng cao.

“Nỗi sợ lớn nhất của tôi là chính phủ không kiểm soát được nó”, Burnett nói. Những ngày này, ông đang suy nghĩ về việc phân bổ lại tài chính cá nhân khi mà giá cả vốn chỉ tăng khoảng 2% hoặc ít hơn mỗi năm, giờ vọt lên đáng kể.

Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị Walmart ở New Jersey. Ảnh: Reuters
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị Walmart ở New Jersey. Ảnh: Reuters

Để có được cảm nhận định tính và chi tiết hơn về cách người tiêu dùng nghĩ về lạm phát, The New York Times đã khảo sát độc giả về những chi phí đang ảnh hưởng, họ dự báo lạm phát thế nào, và dựa trên cơ sở nào.

Kết quả là, nhiều người cho rằng lạm phát sẽ giảm bớt theo thời gian, nhưng giả định đó cũng khá mong manh. Giá hàng hóa và xăng đang đè nặng lên tâm trí của nhiều người. Ngoài thực phẩm và nhiên liệu, lạm phát tại từng nơi cũng khác nhau. Ví dụ đàn guitar, tiền thuê nhà và làm móng đắt đỏ hơn ở California. Hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng giá ở New Mexico.

Mọi người đang đối phó với chi phí leo thang theo nhiều cách. Nhiều người cắt giảm tiêu dùng. Điều này có thể giúp giảm lạm phát bằng cách giảm nhu cầu và tạo cơ hội bắt kịp nguồn cung. Một số vẫn tiếp tục mua với hy vọng rằng chi phí sẽ giảm theo thời gian. Nhưng những người khác yêu cầu được nâng lương hoặc cố gắng tìm cách khác để trang trải chi phí trong khi cam chịu giá tăng.

Với Siamac Moghaddam (37 tuổi), sống ở San Diego, việc đối phó với lạm phát không đơn giản chỉ là cắt giảm những thứ nhỏ nhặt, mà còn là các khoản chi lớn như tiền thuê nhà. Chủ nhà gần đây đã tăng tiền thuê căn hộ thêm 200 USD. Vì vậy, ông chuyển khỏi căn hai phòng ngủ sang căn một phòng ngủ.

“Mọi người đang điều chỉnh”, Moghaddam nói. Anh cho rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ giúp lạm phát trong tầm kiểm soát, mặc dù trong quá trình này sẽ gây “thiệt hại về kinh tế”.

Robert Liberty, 68 tuổi tại Portland (Oregon) đang cố gắng tiết kiệm tiền ăn và đi lại. “Tôi với lấy một quả bơ trong cửa hàng, và giật mình khi nhìn thấy giá 5,5 USD”, Liberty nói. Ông cho rằng lạm phát sẽ về mức vừa phải nhưng không biết là bao nhiêu.

Fontaine Weyman, một nhạc sĩ 43 tuổi tại Charleston (South Carolina), làm nghề giao hàng cho Instacart. Cùng với chồng, thu nhập của gia đình 80.000 USD một năm. Cô thích uống Starbucks nhưng đang dần cắt bỏ. “6,11 USD cho một ly cà phê đá cỡ lớn với bọt lạnh bên trên, tương đương 180 USD mỗi tháng”, cô nói.

Vẫn tin lạm phát sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng cô và chồng đang suy nghĩ về cách tăng thu nhập hộ gia đình trong trường hợp không xảy ra. “Chúng tôi biết rằng anh ấy rất có thể sẽ được tăng lương từ 5 đến 10%, nhưng tôi đã đề nghị anh ấy yêu cầu 15%”, cô nói.

Tương tự Fontaine Weyman, Susan Hsieh cũng áp dụng chiến thuật giảm chi tiêu, hy vọng giá cả hạ nhiệt nhưng cũng lên kế hoạch cho một tương lai lạm phát cao hơn có thể xảy ra.

Hsieh sống ở Armonk (New York) cùng chồng và hai con. Họ đã cắt giảm việc mua philê cá chẽm Chile đông lạnh khi chúng tăng giá mạnh ở Costco. Đây là một tin buồn cho gia đình. “Món cá đó rất ngon”, cô nói.

Chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng cao cũng khiến cô yêu cầu được trả lương cao hơn trong năm nay. Cô ấy biết mức tăng 2,2% sẽ nhận được không theo kịp với lạm phát. “Tôi nghĩ tôi sẽ hỏi lại”, cô nói về cuộc đàm phán tiền lương.

Những người bắt đầu tin rằng lạm phát có thể kéo dài như trên là nỗi sợ lớn nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu người tiêu dùng và các công ty kỳ vọng lạm phát cao là một đặc điểm lâu dài của nền kinh tế, họ có thể bắt đầu thay đổi hành vi theo những cách khiến giá cả tiếp tục tăng.

Cụ thể, người tiêu dùng có thể bắt đầu chấp nhận việc tăng giá mà không mua sắm. Lao động có thể yêu cầu trả lương cao hơn để trang trải chi phí leo thang. Và các doanh nghiệp có thể tăng giá để trả nhân công và vì nghĩ rằng khách hàng sẽ chấp nhận cuộc sống đắt đỏ hơn.

Thực tế, các nhà sản xuất như Coca-Cola, Dove, Huggies và Big Macs đã tăng giá khi chi phí tiền lương và đầu vào tăng. Hôm thứ ba (26/7), lãnh đạo các công ty sở hữu những thương hiệu toàn cầu này cho biết sẽ tiếp tục chuyển những chi phí đó cho khách hàng. Theo họ, người tiêu dùng vẫn đang tiếp tục mua ngay cả khi lạm phát ảnh hưởng đến các hộ gia đình.

Các nhà kinh tế cho rằng chính vòng xoáy đó từng là nguyên nhân thúc đẩy tăng giá nhanh chóng trong những năm 1970 và 1980. Đó là lý do Fed có một loạt cách tính lạm phát kỳ vọng, với mong muốn nó không gây ra tâm lý giá cao.

Nhưng việc giải thích kỳ vọng lạm phát là nghệ thuật hơn là khoa học. Sau một năm chứng kiến giá cả tăng chóng mặt, Fed ngày càng lo ngại về khả năng dự báo lạm phát. Giờ đây, họ nhanh chóng tăng lãi suất để cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế và gửi tín hiệu đến công chúng rằng mình nghiêm túc về việc hạ nhiệt giá cả.

Fed sẽ cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống lạm phát. Một mặt họ cần cân nhắc việc tăng lãi suất đến mức nào, và mặt khác là làm sao để thay đổi kỳ vọng lạm phát của thị trường. Burnett – người mua thịt xông khói – khó có thể tin lạm phát sẽ sớm giảm đi vì sự thay đổi giá cả ngày nay.

Ông Burnett đồng sở hữu một căn hộ chung cư ở Florida với em gái, và phí bảo trì của căn hộ đang tăng lên. Ông thích những người thuê hiện tại và không muốn tăng giá đến mức đẩy họ ra ngoài. Nhưng khả năng ông vẫn phải làm vậy khi chủ các nhà lân cận đẩy giá cao hơn.

“Tôi thực sự muốn tối đa hóa thu nhập”, ông nói. Ông nghĩ những người khác cũng sẽ làm thế. Vì vậy, nó có thể khiến lạm phát khó có thể sớm biến mất. “Một khi mọi người có tư duy có thể tăng giá và khách hàng sẽ chấp nhận thì họ đã tham gia vào lạm phát”, ông nhận định.