Thành đạt , giàu sang . Cặp vợ chồng Hàn Quốc vẫn rời nước vì áp lực

Ngay cả khi tốt nghiệp đại học ưu tú và làm việc cho đế chế Samsung như bố mẹ mong đợi, một số người vẫn muốn bỏ xứ ra đi.

Lee Kyoung-ja (36 tuổi) kết hôn với Cho Hyuk-jin (39 tuổi) vào mùa thu năm 2015. Họ chuyển đến Việt Nam vài tháng sau đó mà không có kế hoạch cụ thể cho công việc. Quyết định của họ gây sốc cho mọi người. Vốn là diễn viên lồng tiếng, Kyoung-ja được trả lương cao, còn chồng cô từng là nhà sản xuất phim quảng cáo thành công ở Samsung.

Cả hai đều đáp ứng được mong đợi của cả cha mẹ và xã hội Hàn Quốc khi làm những công việc được coi trọng, có khả năng xây dựng gia đình và hỗ trợ cha mẹ khi về hưu. Ngoài ra, nhờ sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, họ đã sống sung túc hơn các thế hệ trước rất nhiều. Tuy nhiên, đôi vợ chồng son vẫn muốn rời khỏi quốc gia với GDP bình quân đầu người rất cao, để đến một nước đang khao khát vươn lên tầm cao như vậy.

Theo thống kê, người Hàn Quốc xếp hạng thấp về hạnh phúc so với hầu hết quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc tăng 100% từ năm 2000 đến 2011. Hiện tại, tỷ lệ này ở mức 24,7 trên 100.000, quá cao so với mức 10,1 tại Mỹ. Việt Nam, điểm đến của Kyoung-ja và Hyuk-jin, có tỷ lệ tự sát thấp hơn, ở mức 5.06.


Một phụ nữ đọc thông tin tuyển dụng trong ngày hội việc làm ở Seoul. Ảnh: Reuters

Xã hội đặt ra quá nhiều kỳ vọng

Hyuk-jin suýt chết vì làm việc quá chăm chỉ ở Samsung. Cái chết vì làm việc quá sức phổ biến đến nỗi có một từ tiếng Hàn dành cho nó: kwa-lo-sa. Anh làm việc 12-16 giờ mỗi ngày, cộng thêm cả cuối tuần. Ăn tối muộn thường xuyên và buộc phải đi nhậu vào buổi tối trong thời gian dài, cơ thể anh đình công.

Sau nhiều tuần ở bệnh viện, bác sĩ đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc: “Quay trở lại với công việc, anh sẽ chết. Hãy bỏ đi, tìm công việc mới, anh sẽ có cơ hội rất tốt để hồi phục hoàn toàn”. Khuôn mặt đáng sợ của Hyuk-jin ngay sau khi được xuất viện quá già nua so với bạn bè đồng trang lứa. Anh nghe lời bác sĩ và từ bỏ.

Hyuk-jin và Kyoung-ja gặp nhau qua những người bạn chung. Họ bắt đầu hẹn hò trong thời gian phục hồi của anh. Khi anh nói với công ty rằng sẽ nghỉ việc vì lý do sức khỏe, quản lý gây áp lực tối đa để thuyết phục anh ở lại. Kyoung-ja thấy điều này là “hoàn toàn thiếu coi trọng sức khỏe của Hyuk-jin. Tôi khuyến khích anh ấy tìm một công việc mới ở nơi khác”.

Khi tình cảm chín muồi, cặp đôi quyết định kết hôn. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân ở Hàn Quốc dường như không hấp dẫn. Những kỳ vọng của xã hội khi họ trở thành vợ chồng có vẻ vô cùng khó khăn để đáp ứng.

Công việc tự do của Hyuk-jin không phù hợp với chi phí sinh hoạt tại Hàn Quốc về lâu dài. Tuy nhiên, sau kinh nghiệm cận tử của mình, anh đã hoài nghi về việc quay trở lại với 12 giờ làm việc mỗi ngày cộng với những buổi nhậu nhẹt triền miên. Đó rõ ràng là lối sống không lành mạnh.

Hơn nữa, như ở nhiều quốc gia châu Á khác, cặp đôi thường phải đối mặt với câu hỏi khi nào sinh con. Ngoài chuyện đó, câu hỏi cá nhân thường mở rộng thành mức lương, cấp bậc trong công ty và thậm chí thiếu sót về ngoại hình. Những kỳ vọng về “cuộc sống ổn định” và việc người khác sẵn sàng công khai đặt câu hỏi thiếu tế nhị khiến họ mất kiên nhẫn.

Hàn Quốc đã đi lên từ một trong những quốc gia nghèo nhất trong nửa thế kỷ qua, ngày càng giàu có và hiện đại. Tuy nhiên, Hàn Quốc không trở thành một quốc gia hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.

Không chọn công việc vì đam mê

Viễn cảnh làm việc liên tục trong nhiều giờ, sẵn sàng có mặt ở công ty vào ngày nghỉ có thể không phải là điều xấu nếu bạn thực sự yêu thích công việc đó. Vấn đề là nhiều người Hàn Quốc thường không chọn công việc vì đam mê. Mức lương, địa vị, tình trạng ổn định mới là yếu tố chủ chốt.

Một vị trí ở Samsung là điều đáng thèm muốn nhất trong thị trường việc làm ở Hàn Quốc. Tập đoàn này cung cấp cả mức lương tốt và uy tín lớn đối với xã hội. “Tôi đã hoàn thành ước mơ của bố mẹ là làm việc ở Samsung”, Kim Gi-hyeon, nhân viên của đế chế kinh doanh lớn bậc nhất thế giới nói.

Theo truyền thống, người Hàn Quốc muốn làm hài lòng bố mẹ hơn là đạt mục tiêu do cá nhân đề ra. Không có gì khó hiểu khi nhân viên cổ trắng (viên chức văn phòng) được trọng vọng hơn nhiều so với công nhân cổ xanh (người lao động chân tay).

Theo một bài viết gần đây trên báo Hàn, ngày càng nhiều người trẻ xứ sở kim chi ra nước ngoài để làm công việc cổ xanh, tránh thái độ khinh miệt của xã hội.


Nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn việc theo mong đợi của bố mẹ, không theo đam mê của bản thân. Ảnh: Getty Images

Khi tìm việc, sự ổn định cũng được ưu tiên hơn so với đam mê. Điều này có thể dễ dàng chứng minh qua việc ai cũng khao khát trở thành công chức nhà nước. Chẳng hạn, trở thành giáo viên biên chế tại Hàn Quốc là rất đáng tự hào và có tính cạnh tranh cao. Không chỉ địa vị xã hội tăng, bạn còn được đảm bảo việc làm suốt đời và được trả lương hưu.

Một số giáo viên ở Hàn Quốc thực sự yêu trẻ, nhiều người khác lại không. Ngay cả trong số người yêu trẻ, lý do hàng đầu để trở thành giáo viên thường là địa vị xã hội và tính chất ổn định của công việc. Ngoài ra, công chức nhà nước không phải đi nhậu vào đêm khuya như nhân viên ở hầu hết công ty tư nhân. Như vậy, họ có thể vừa làm việc vừa xây dựng gia đình, hưởng chế độ nghỉ thai sản hào phóng hơn.

Thực hiện kỳ vọng của xã hội thông qua giáo dục

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ Hàn Quốc được bố mẹ kỳ vọng trúng tuyển một trường đại học ưu tú, trở thành công chức hay làm việc tại một chaebol (công ty lớn) của Hàn Quốc như Samsung, LG, hay Hyundai. Phần lớn dân số phấn đấu vì mục tiêu này, khiến nó trở thành con đường hẹp và không thực tế. Tuy nhiên, đây được xem là lựa chọn an toàn vì chính phủ không coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mười hai năm đèn sách tập trung cho một kỳ thi đại học, quyết định cơ hội thành công của mỗi người trong tương lai. Do vậy, giáo dục không thực sự tập trung vào những khía cạnh thiết thực của cuộc sống mà chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi. Chang Yeon-so, giáo viên 35 tuổi ở một trung tâm dạy thêm, nói rằng công việc của cô là giúp học sinh nắm được ngữ pháp tiếng Anh. Đây là một môn thi đại học, trong đó các câu hỏi trắc nghiệm chủ yếu liên quan đến cấu trúc ngữ pháp. Không ai kiểm tra kỹ năng giao tiếp của học sinh.

Yeon-so có một học sinh vừa trở về sau một năm ở Canada và có khả năng nói tiếng Anh khá tốt. Tuy nhiên, khi học ở Hàn Quốc, em phải tập luyện những quy tắc ngữ pháp phức tạp và ít người bản ngữ biết đến. Yeon-so cảm thấy rất tệ khi đang giết chết lòng ham học của em với môn tiếng Anh, chỉ cốt để đạt điểm cao trong kỳ thi đại học.

Hậu quả của cách tiếp cận giáo dục này là nhiều người miệt mài học tập, đỗ đại học, tốt nghiệp trường hạng ưu, nhưng không hứng thú về ngành mình đã chọn.

Người trẻ Hàn Quốc còn bị ám ảnh bởi cách đánh giá của người khác. Một thanh niên 26 tuổi đi ăn tối cùng bố mẹ và vài người lớn. Anh đang học để ôn thi công chức. Ngay từ đầu, anh khá cảnh giác với mọi người, cảm thấy xấu hổ vì không có công việc ổn định. Trong bữa ăn, bố anh đột nhiên quay sang và nói: “Nếu con học hành chăm chỉ thêm chút nữa thôi thì đã có thể vào Đại học Quốc gia Seoul rồi”. Câu bình luận này không xa lạ trong các cuộc hội thoại ở Hàn Quốc.

Tìm kiếm hạnh phúc

Kyoung-ja và Hyuk-jin rời khỏi Hàn Quốc và đến một quốc gia nghèo hơn về kinh tế, bỏ lại những công việc trả lương cao, mang lại khoản tiết kiệm lớn. Trong khi đó, nền kinh tế và thu nhập trung bình của Việt Nam chỉ tương đương Hàn Quốc 30 hoặc 40 năm trước.

Trường hợp của Kyoung-ja và Hyuk-jin cho thấy vật chất dư dả không đảm bảo cuộc sống hạnh phúc, thách thức điều nhiều người phương Tây luôn tâm niệm rằng phát triển kinh tế là mục tiêu tích cực.

Không phải tất cả quốc gia đều phát triển giống nhau. Ở một nền văn hóa khác, có thể đất nước vẫn phát triển kinh tế mà sức khỏe tâm thần của người dân được đảm bảo. Và cũng không thể nói người Hàn Quốc 50 năm trước hạnh phúc hơn bây giờ. Tuy nhiên, hiểm họa trước mắt của Hàn Quốc sẽ là ví dụ đắt giá cho các nước đang trải qua quá trình phát triển kinh tế như Việt Nam.

Sẽ còn nhiều người trẻ Hàn Quốc quay lưng lại với những kỳ vọng của xã hội, định kiến về thành công để đổi lấy cuộc sống bấp bênh hơn, nhưng bớt áp lực và thoải mái hơn ở đất nước khác.