Thanh Nga – Ngọc Lan: 2 mỹ nhân gây xót xa khi mất ở thời rực rỡ, ra đi vẫn đẹp như tiên

Cả Thanh Nga và Ngọc Lan đều là những mỹ nhân xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn nhưng phải chịu cảnh hồng nhan bạc mệnh và qua đời bất ngờ khi sự nghiệp còn trên đỉnh cao

Giới nghệ thuật sân khấu và công chúng từng phải đón nhận nhiều sự ra đi đầy tiếc nuối và đau thương từ các nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng.

Tuy nhiên, để lại nhiều thương nhớ và xót xa nhất vẫn là sự ra đi của hai huyền thoại âm nhạc Thanh Nga và Ngọc Lan.

Cả hai đều là những mỹ nhân xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn nhưng phải chịu cảnh hồng nhan bạc mệnh và qua đời bất ngờ khi sự nghiệp còn trên đỉnh cao, tuổi đời còn trẻ, khiến công chúng vô cùng thương xót.

Và vì vậy, đám tang của Thanh Nga và Ngọc Lan cũng được nhiều người đưa tiễn, gây xôn xao một thời.

Dù cả hai đã mất hàng chục năm, nhưng cho đến tận bây giờ, câu chuyện về cái chết và cuộc đời họ vẫn cuốn hút khán giả.


Thanh Nga

Ngày tang Thanh Nga, hàng vạn người đến đưa tiễn

Thanh Nga mất vì bị ám sát bất ngờ vào cuối năm 1978, khi mới 36 tuổi.

Ngày đó, không ai ngờ được, cái chết của Thanh Nga gây chấn động không chỉ trong nước mà cả đến nước ngoài, những nơi có kiều bào người Việt sinh sống.

Họ không tin Thanh Nga chết là sự thật, phải đến tận nơi, chứng kiến tận mắt. Ngay cả các lãnh đạo phòng sở cũng muốn đến viếng Thanh Nga.

Nhiều người dân khắp mọi miền cả nước, từ miền Bắc, miền Trung tới miền Nam, miền Tây hay tin Thanh Nga mất liền đổ về Sài Gòn để viếng cô lần cuối.

Vì số người quá đông nên phải xếp thành 4 hàng, nối dài từ cổng ở đường Trần Hưng Đạo nối đuôi ra đến tận đường Tú Xương, liên tục trong 3 ngày đêm.

Dù thời gian dài là vậy, nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn đứng đợi tới lượt mình để vào viếng Thanh Nga. Ban đầu, mỗi người cầm trên tay một cây nhang đã đốt sẵn do ban tổ chức đưa cho. Cháu gái Thanh Nga kể lại:


“Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ở chỗ quàn má Ba. Chỗ đó có một sân phía trước rất rộng, người ta xếp hàng la liệt để qua được cái sân rộng thênh thang. Mọi người cứ nối đuôi nhau đi liên tục, không ai được phép dừng chân lại vì chỉ cần ngừng một bước là ùn tắc.

Lúc đầu, mọi người còn cắm nhang nhưng về sau chỉ đi tới, cúi đầu nhìn rồi bước qua.

Tôi nghe nhiều ông bà, cô chú kể lại, họ đi qua quan tài má Ba rồi, nhưng lại cố tình đi ra xa để vòng lại, đi thêm nhiều lần nữa. Ai cũng muốn được đưa tiễn má Ba thêm nhiều lần, không ai muốn về.

Đến buổi tối, nơi quàn đóng cửa, không cho vào viếng nữa. Mọi người ngủ lại la liệt ở ngoài cửa để sáng sớm hôm sau vào viếng má Ba.

Cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy hình ảnh mọi người tới viếng đông đến như vậy. Thời điểm đó, ở Sài Gòn người dân còn thưa, đâu có đông như bây giờ đâu.

Nhiều ông bà, cô chú dưới quê vì ái mộ Thanh Nga quá nên cứ đi xe đò, ùn ùn kéo lên, ngủ la liệt trước cửa nhà quàn.


Người ta lên Sài Gòn chỉ để viếng Thanh Nga, nên cứ đi vào rồi lại đi ra, ngủ lại để hôm sau vào viếng tiếp.

Nhưng vì khói nhang quá nhiều nên mọi người đổi lại là cành hoa hồng. Số người đến viếng ngày càng nhiều, hoa không đủ để cung cấp và dòng người cũng không thể dừng lại.

Khán giả đi ngang qua quan tài chỉ kịp nhìn di ảnh Thanh Nga mà chân vẫn phải bước”.

Ngày đưa tang Thanh Nga, hàng vạn nghệ sĩ, người dân đã có mặt tại số 81 đường Trần Quốc Thảo, tụ tập hai bên để tiễn đưa vợ chồng nghệ sĩ.

Giờ động quan, nhiều nghệ sĩ và khán giả đều rơi nước mắt khóc thương một nghệ sĩ đã góp sức làm rạng danh nghệ thuật cải lương nước nhà.

Số người đi theo sau quan tài Thanh Nga về nơi an nghỉ cuối cùng tại chùa Nghệ Sĩ rất đông, không thể đếm hết. Họ đứng lấp cả lòng đường Võ Thị Sáu.


Đoàn đưa tang đi tới tận đường Đa Kao rồi mà số người nối đuôi vẫn chưa rời hết khỏi nơi quàn ở trụ sở Hội Văn nghệ. Có thể ước tính đến mấy chục ngàn người đã tới đưa tiễn Thanh Nga.

Ở đường Điện Biên Phủ, người ta đứng tràn hai bên đường. Khắp các nẻo đường, già trẻ đều đứng chờ để đón xe tang.

Tới đoạn đường rẽ vào chùa Nghệ Sĩ, người dân đứng bịt kín, không để cho xe vào. Công an phải kêu người dân đứng nép vào cho xe qua, sợ kẹt lại sẽ trễ giờ hạ quan.

Trước chùa, người ta vây chặt kín cổng, phải khó khăn lắm mới đưa được quan tài vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga vào.

Điều đáng nói là Thanh Nga dù nằm trong quan tài nhưng vẫn đẹp rạng ngời, khiến ai cũng phải sửng sốt. Nghệ sĩ Mộng Tuyền kể lại:

“Tôi nghĩ, chị Thanh Nga mất đột ngột ngay lúc còn trẻ như vậy nên được khán giả nhớ mãi với hình ảnh đẹp và ngưỡng mộ như một huyền thoại.

Tôi đến dự đám tang chị Thanh Nga, thấy chị nằm trong quan tài mà vẫn đẹp lung linh, tôi nhìn muốn xỉu vì đẹp. Chị mặc áo dài gấm đỏ như đang nằm ngủ, tóc xõa dài như nàng tiên”.

Ngọc Lan nằm trong quan tài như nàng công chúa

Khác với Thanh Nga, danh ca Ngọc Lan đã phải trải qua nhiều năm đau đớn vì bệnh tật trước khi qua đời.

Tuy nhiên, cô là người khép kín và không để lộ tình hình sức khỏe nên đa số khán giả đều không biết Ngọc Lan bị bệnh cho tới ngày cô mất, ai cũng bất ngờ.

Ngọc Lan mất vì bệnh xơ cứng bì, một loại bệnh hiếm gặp. Trước khi mất, cô gần như bị mù, không còn nhìn thấy gì và sức khỏe ngày một yếu dần, khiến đồng nghiệp vô cùng thương tiếc. Cô ra đi vào năm 2001, tròn 45 tuổi.


Đám tang Ngọc Lan

Đám tang Ngọc Lan được biết đến là một trong những đám tang lớn nhất tại hải ngoại thời điểm đó, quy tụ đông đảo nghệ sĩ và khán giả từ khắp nước Mỹ đổ về. Ai cũng muốn nhìn mặt nữ danh ca xinh đẹp lần cuối.

Danh ca Thanh Lan là một trong những người có mặt tại đám tang Ngọc Lan, cô kể lại:

“Rồi thì tin buồn cũng đến, Ngọc Lan qua đời, từ giã tất cả chúng ta. Ngày hôm đó, tôi cũng đến dự tang lễ Ngọc Lan.


Ngọc Lan

Tôi ngồi trong nhà quàn, nhìn chiếc quan tài của Ngọc Lan mà xót xa. Bao nhiêu người đi qua để ngắm Ngọc Lan lần cuối. Tôi cũng đi qua quan tài và thấy Ngọc Lan nằm đó, đẹp như một nàng công chúa”.