Thao thức – Mọi thứ đã chuẩn bị xong, sáng mai gia đình tôi sẽ bay về Việt Nam

Cuộc sống vợ chồng tôi bây giờ cũng tạm ổn định. Tôi cứ ngỡ lần này về chắc là sẽ vui hơn, nhưng sau chuyến đi này trở về, tôi thấy lòng buồn vui lẫn lộn. (Phạm Thị Tươi , TP HCM)

Mọi thứ đã chuẩn bị xong, sáng mai gia đình tôi sẽ bay về Việt Nam. Lòng tôi cứ bồi hồi nôn nao, lo chuẩn bị hành trang cho gia đình thêm phần quà cáp cho người thân khiến tôi thấm mệt, vậy mà tôi cứ trằn trọc mãi không sao chợp mắt được.

Đêm đã khuya, hồi tưởng lại ngày xưa, tôi thuộc loại con nhà giàu. Mẹ tôi có cửa hàng tạp hóa, ba lái máy cày. Ba mẹ tôi xây được một căn nhà khá khang trang, sau đó ba gặp nạn rồi mất, gia đình cứ lun bại dần, mẹ vẫn cố lo cho các anh chị ăn học. Thời ngăn sông cấm chợ, chị tôi nghỉ học đi buôn lậu hàng nông sản, anh kế với tôi và đứa em gái nghỉ học đi làm rẫy, nhà tôi chỉ còn cái xác nhà. Thương mẹ, tôi muốn khi lớn lên sẽ làm ra  nhiều tiền giúp mẹ.

Năm tôi 19 tuổi, các anh chị lần lượt lập gia đình ra riêng, lúc ấy có phong trào vượt biên, mẹ năm lần bảy lượt lo cho tôi đi nhưng không thành. Tôi tưởng đã hết hy vọng, may sao người hàng xóm đi diện con lai cho tôi đi ghép. Mẹ tôi cầm cố nhà cửa để  lo cho tôi, sau bao ngày tháng lo lắng cũng đến ngày tôi lên đường qua nước Mỹ. Mẹ đặt hy vọng rất nhiều vào tôi. Tôi mang trọng trách trên vai gánh nợ của gia đình, trăn trở với bao lời tiễn biệt, hứa hẹn.

Ngày đặt chân lên đất Mỹ, cảm giác vỡ mộng cô đơn chán nản bủa vây khiến tôi hụt hẫng. Cuộc sống trước mắt không như những gì mà tôi liên tưởng trước đó, khoảng cách văn hóa của nước Mỹ với những người Việt mới qua đâu dễ san bằng trong thời gian ngắn ngủi. Mỹ là đất nước tự do, mọi người bình đẳng, nhân quyền được tôn trọng, nhưng một cô gái thất học nhan sắc bình thường như tôi khác biệt ngôn ngữ, biết làm gì để kiếm tiền gởi về cho mẹ chuộc nhà.

Ngày nghe tin mẹ bán nhà trả nợ đi xứ khác, tôi chỉ muốn về ngay bên mẹ, bóp tay chân dỗ giấc ngủ cho mẹ  như ngày xưa. Áp lực công việc cộng với nỗi buồn chất chứa khiến tôi bị trầm cảm, cũng may lúc ấy tôi gặp chồng, anh là con lai gốc miền Trung nghèo khổ nên anh thông cảm và chăm sóc tôi tận tình. Tôi lấy lại được thăng bằng và kịp thích nghi với cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người.

Chúng tôi lấy nhau rồi lần lượt có 2 mặt con, lo cho cuộc sống hàng ngày thêm nỗi lo ở quê nhà, tôi vùi đầu vào công việc, tằn tiện từng đồng xu để gởi tiền cho mẹ đủ xài, còn lại tôi dành dụm mong có ngày đủ tiền mua lại căn nhà cho mẹ, để mẹ sống những ngày cuối đời thảnh thơi nơi xóm ngõ thân quen.

Lần đầu về thăm mẹ, thấy nhà cửa tồi tàn lại thêm bịnh thấp khớp hành hạ mẹ già đi nhiều, tôi chỉ biết ôm mẹ khóc, tiền tôi gởi về mẹ chia sớt hết đứa con này tới con kia mẹ chỉ xài chút ít. Sau khi về lại Mỹ, tôi thay đổi suy nghĩ nếu cứ đợi đến khi chuộc được nhà liệu mẹ tôi có còn sống để ở? Tôi gởi tiền về xây nhà cho mẹ, giúp các anh chị và các em mỗi người ít vốn làm ăn. Cứ như luật bất thành văn đã là Việt kiều thì phải có tiền phải có quà khi gặp lại người quen, nên trừ thân nhân ruột thịt, tôi tránh không gặp ai, dù tôi rất muốn gặp lại bạn bè, người quen.

Cuộc sống vợ chồng tôi bây giờ cũng tạm ổn định sau bao năm tháng chắt chiu vất vả, gánh nặng với gia đình bên cũng tạm yên. Tôi cứ ngỡ lần này về chắc là sẽ vui hơn, nhưng sau chuyến đi này trở về, tôi thấy lòng buồn vui lẫn lộn. Mẹ  rất vui nhưng không còn khỏe, các cháu nội ngoại của mẹ đã lớn, có gia đình có công việc tạm yên ổn. Chị tôi hớn hở vì mới đi thẩm mỹ lại khuôn mặt, em tôi mới mua xe, các anh chị tôi vô tư xúm lại bàn để đánh số, khi mẹ gợi ý cho tôi giúp cho anh này chị kia. Tôi dạ nhỏ cho mẹ đủ nghe, liệu mẹ còn sống được bao lâu nữa? Tôi không muốn làm mẹ buồn, chồng tôi biết ý nên nói với tôi “Đời người chẳng có bao nhiêu, thôi mọi người vui là tốt rồi”.

Càng thương chồng, tôi càng suy nghĩ để tâm so sánh. Tôi vẫn là người Việt Nam nên sẽ còn nhiều điều và nhiều đêm trăn trở thao thức để nghĩ về.