Theo chồng sang Mỹ, cô gái sốc vì đi rửa bát thuê, giờ mở nhà hàng, giúp đỡ người bất hạnh
Những ngày đầu theo chồng sang Mỹ định cư, chị Trang đã phải đối diện với không ít khó khăn trong cuộc sống.
Vợ chồng chị Trang tổ chức đám cưới tại Việt Nam vào năm 2018.
Bất ngờ với cuộc sống nơi đất khách
Năm 2009, chị Lê Quỳnh Trang (Hà Nội, hiện định cư ở Houston, Mỹ) có một chuyến du lịch Mỹ. Trong chuyến đi, chị gặp gỡ anh Lê Việt Hoàng, là Việt kiều Mỹ. Hai người giữ liên lạc, trò chuyện với nhau suốt 6 năm nhưng chỉ dừng lại ở quan hệ bạn bè.
Đến năm 2015, chị Trang khi đó đang có dự định đi học ở Canada. Trước khi phỏng vấn để xin visa sang Canada, chị lại sang Mỹ thăm bạn bè. Lần này, chị tiếp tục gặp lại anh Hoàng, cả hai nảy sinh tình cảm và quyết định tiến xa hơn, không chỉ còn là bạn bè nữa.
Tháng 7/2015, chị Trang quyết định sang Mỹ, đồng thời từ bỏ việc đi học tại Canada. Trước đây, chị từng đi du học ở Anh Quốc, từng làm ngân hàng, mở trường dạy tiếng Anh,… Khi theo chồng, chị xác định sẽ phải bắt đầu cuộc sống mới, tìm kiếm một công việc mới cho bản thân.
“Sang Mỹ ban đầu mình thấy có nhiều điều vui, nhiều thứ mới để học hỏi, khám phá. Nhưng sau một thời gian thì mình cảm hơi hụt hẫng vì khác biệt văn hóa. Phải mất một thời gian mình mới làm quen được với cách nói chuyện, cách mua bán ở chợ, hay phong tục tập quán ở đây.
Mình đi dạy tiếng Anh được một thời gian rồi đi học nấu ăn trong vòng 2,5 năm. Tốt nghiệp xong, mình đi làm ở nhà hàng để tích lũy thêm kinh nghiệm. Vì vốn không có kinh nghiệm gì nên mình phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong bếp: Rửa chén, thái rau củ quả, có những hôm thái 100 củ hành tây, tới mức hôm sau ngón tay bị đau cơ, không cử động nổi. Mình không quen với khối lượng công việc nhiều như thế.
Hiện cả hai đang sống tại Houston.
Chị Trang mất nhiều thời gian mới hòa nhập được với cuộc sống ở Mỹ.
Giai đoạn đó mình thấy thất vọng về bản thân. Mình từng đi du học, có bằng Đại học ngành Tài chính – Kế toán, từng làm ngân hàng, làm chủ công ty mà giờ lại phải đi rửa chén. Mình không biết quyết định sang Mỹ, rồi quyết định đi học làm đầu bếp của mình có đúng hay không nữa. Vì không muốn gia đình lo lắng, hiểu sai vấn đề nên mình cũng không chia sẻ được với ai.
May mắn là chồng rất hiểu mình. Anh ủng hộ, động viên mình rằng đó chỉ là giai đoạn tạm thời thôi. Khi kỹ năng tốt hơn, nhiều kinh nghiệm hơn thì mình sẽ lên được vị trí cao hơn. Mình rất cảm ơn chồng vì không có anh ấy thì có thể mình sẽ không trở thành đầu bếp được. Và đến giờ thì mình thấy làm bếp chính là đam mê thực sự của bản thân”, chị Trang tâm sự.
Hiện tại, chị đang là chủ một nhà hàng.
Mở nhà hàng riêng, giúp đỡ nạn nhân B.L gia đình
Thời gian sau, chị Trang đi làm ở các nhà hàng cao cấp, vị trí làm việc cũng được nâng cấp dần. Có thời gian, chị phải làm ở hai nhà hàng khác nhau với khoảng 70 tiếng/tuần thì mới đủ tiền chi trả các loại hóa đơn, tiền thuê nhà. Vì thời điểm đó là khi hai vợ chồng mới bắt đầu lập nghiệp nên còn nhiều khó khăn.
Hiện tại, vợ chồng chị Trang đã mở được nhà hàng riêng. Nhà hàng của chị làm hai dịch vụ chính, thứ nhất là nấu ăn tại nhà cho các gia đình làm tiệc cao cấp, và thứ hai là phục vụ cơm phần hàng ngày với thực đơn là các món Á. Sở dĩ chọn món Á là bởi chị Trang sợ bản thân cố gắng hòa hợp với văn hóa ở Mỹ mà sẽ quên mất cái gốc của mình. Lý do nữa là vì tìm các món Á ở Houston không dễ nên chị muốn đưa ẩm thực mọi miền của Việt Nam vào thực đơn. Ngoài ra, nhà hàng còn phục vụ món Thái, món Philippines,…
Tại nhà hàng của chị Trang hiện có 5 nhân viên làm việc, có người Việt Nam, Ấn Độ, Philippines,… Họ đều là những nạn nhân của B.H gia đình.
Ông xã là người luôn ủng hộ chị Trang trong cuộc sống.
“Mình từng tham gia nhiều hoạt động chống lại B.H gia đình. Vì vậy, mình muốn cho họ một công việc tốt, để họ có thể rời bỏ những người B.H họ. Bởi nhiều nạn nhân của B.H gia đình bị phụ thuộc. B.H gia đình xảy ra quá nhiều, nếu ai có thể làm được điều gì để thay đổi nó, hoặc đơn giản chỉ là lan tỏa thông điệp chống B.H gia đình thôi thì cũng nên làm“, chị Trang nói thêm.
Vì vẫn đang trong giai đoạn thay đổi sự nghiệp nên vợ chồng chị Trang chưa tính đến việc có con. Họ dự định khoảng 1-2 năm nữa, khi mọi thứ ổn định thì mới nghĩ tới việc này.
Sang Mỹ 7 năm, chị Trang về Việt Nam 2 lần, một lần về làm đám cưới, và một lần thăm gia đình. Đã lâu chị không gặp và rất nhớ mẹ. Người phụ nữ giỏi giang gửi lời cảm ơn đến mẹ vì đã hy sinh rất nhiều để chị có được như ngày hôm nay. Chị cũng cảm ơn anh trai vì đã luôn tin tưởng, ủng hộ mình.
Nguồn: Soha