Thổ Nhĩ Kỳ chọn mua cả S-400 và Patriot: Đu dây có ngày ngã đau?
Nếu thỏa thuận diễn ra ngay lập tức với cả Moscow và Washington, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên kết hợp hệ thống của cả Mỹ và Nga trong một hệ thống phòng thủ duy nhất.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để bán các hệ thống tên lửa phòng không tối tân Patriot cho nước này. Mặc dù quyết định cuối cùng sẽ vẫn thuộc về Quốc hội Mỹ, nhưng vẫn chưa biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành xử như thế nào khi Ankara đã ký hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ đi thăng bằng trên dây
Trước hết khẳng định, hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống phòng không thuộc loại kém trong khu vực Trung Đông. Chỉ cần so sánh với Syria, một quốc gia bị tàn phá bởi cuộc nội chiến, sau khi Nga tiến hành chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga cho Syria, Damascus được hệ thống phòng không hiện đại bảo vệ không phận nhiều hơn so với Ankara.
Hiện nay phòng không Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu được trang bị hệ thống tên lửa phòng không vác vai hoặc súng pháo phòng không cỡ nòng nhỏ. Hiểu một cách đơn giản, đây là những trang bị phòng không của thế kỷ trước.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có ý định giải quyết vấn đề bảo đảm phòng không từ lâu, nhưng điều này đã bị cản trở bởi một số vấn đề.
Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại và hệ thống phòng thủ tên lửa là những tổ hợp công nghệ cực kỳ phức tạp. Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể chế tạo được các tổ hợp phòng không cho riêng mình.
Hệ thống phòng không S-400 Triumf.
Ý thức được tầm quan trọng của hệ thống phòng không trong đảm bảo an ninh không phận, năm 2013 Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đấu thầu quốc tế rộng rãi để mua hệ thống tên lửa phòng không. Tham gia đấu thầu bao gồm 4 công ty với các sản phẩm sau:
Hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 SAMP/T của Công ty tên lửa phòng không châu Âu (EUROSAM); hệ thống tên lửa phòng không Patriot do công ty Lockheed Martin và công ty Raytheon Mỹ hợp tác phát triển; hệ thống tên lửa phòng không S-300 của công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga Rosoboronexport và cuối cùng là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (Hồng Kỳ-9) của Công ty xuất nhập khẩu cơ giới chính xác Trung Quốc (CPMIEC).
Rất bất ngờ, Trung Quốc giành được hợp đồng với hệ thống phòng không HQ-9 (thực tế là bản sao của hệ thống S-300 của Liên Xô), mặc dù vấn đề này đã gây ra những tranh cãi kịch liệt trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và nội khối NATO.
Điều ngày được Ankara giải thích đó là: Xét về góc độ kỹ thuật, hệ thống phòng không HQ-9 có thể chấp nhận được, không chỉ giúp Thổ Nhĩ Kỳ nắm được các công nghệ tương ứng mà còn có giá rẻ hơn rất nhiều, so với phương án đề xuất của các nước khác.
Do Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của khối quân sự NATO nên hợp đồng mua hệ thống phòng không đã bị chính trị hóa. Trước sức ép của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc cuối cùng cũng bị gạt ra khỏi hợp đồng.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không của Trung Quốc có thể là một công cụ nhằm gây áp lực đối với Mỹ để hạ giá các tổ hợp phòng không Patriot và những ưu đãi khác giành cho Ankara. Tuy nhiên, Mỹ cuối cùng đã không cung cấp bất cứ thứ gì cho Ankara.
Câu chuyện này đã trở thành một trong những lý do mất lòng tin khi đề cập đến những khát vọng mới của Thổ Nhĩ Kỳ để có được các tổ hợp phòng không S-400 mới nhất của Nga.
Tuy nhiên, có vẻ như nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đảm bảo với Nga rằng: thỏa thuận này sẽ thực sự diễn ra, và công nghệ tên lửa của Nga sẽ không rơi vào tay kẻ xấu. Ít nhất là trong điện Kremlin, họ thấy không có lý do gì để không tin vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ rất mong muốn có được cả công nghệ Nga và của Mỹ; nhưng cho dù trong trường hợp nào, Thổ Nhĩ Kỳ đều phải cũng cấp các tham số cho Nga hoặc Mỹ để cho phép S-400 và Patriot tham gia vào hệ thống phòng không/ phòng thủ tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tên lửa PAC-3 đang truy đuổi mục tiêu. Ảnh: Lockheed Martin.
Tuy nhiên, trước khi bán hàng cho Ankara, các bên luôn loại trừ khả năng bị lộ bí mật công nghệ và họ phải có những quy định bảo vệ công nghệ chặt chẽ trong hợp đồng, để công nghệ đó không thể rơi vào nước thứ ba.
Vì vậy, nếu vẫn còn chút lo sợ về rò rỉ thông tin, thì trên thực tế không thể có hy vọng rằng Nga (hoặc Mỹ) sẽ có thể có được các công nghệ của của nhau, thông qua đối tác Thổ Nhĩ Kỳ.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho các chuyên gia Mỹ tiếp cận các hệ thống S-400 của họ, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ dự định đảm bảo 100% trong việc bảo vệ chủ quyền không phận của mình”, Igor Korotchenko Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Trung Đông cho ý kiến với hệ thống S-400 nếu được Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ.
“Do đó, sẽ không có sự rò rỉ về công nghệ. Về thông tin Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã mời Mỹ nghiên cứu S-400 của Nga, đây là một chiêu trò của cuộc chiến thông tin do Mỹ tiến hành, nhằm phá vỡ hợp đồng S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga”.
Và mặc dù thỏa thuận mua tên lửa phòng không Nga, có vẻ như thực sự sẽ diễn ra, nó sẽ rất thuận lợi nếu không có các tranh chấp chính trị khác.
Cụ thể, chính quyền Mỹ không hài lòng với quyết định của Ankara, Washington đã đưa ra tối hậu thư: hoặc là người Thổ Nhĩ Kỳ từ chối mua vũ khí của Nga, hoặc họ không thể nhận được máy bay chiến đấu F-35 mới nhất của Mỹ (Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ mua ít nhất 100 máy bay F-35).
Nhưng mặc dù trên thực tế Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều là đồng minh của NATO, vấn đề bảo vệ không phận hóa ra lại quan trọng đối với Ankara hơn là sự đoàn kết trong khối NATO cũng như việc sở hữu máy bay F-35.
Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút ra bài học lịch sử năm 2013 trong thương vụ tên lửa phòng không HQ-9 với Trung Quốc. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có đi thăng bằng trên dây thép, thì họ cũng lựa chọn điều có lợi cho mình.
Hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga trực chiến tại Syria.
Và sẽ chỉ có một?
Tất nhiên, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ về sự sẵn sàng cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ các tổ hợp phòng không Patriot, trước hết là một động thái chính trị. Nhưng giả sử cả hai thỏa thuận đã hoàn thành, thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải suy nghĩ về cách thiết lập công việc chung của hai hệ thống phòng không khác nhau.
Theo thỏa thuận sơ bộ được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt, Mỹ sẽ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ 80 tên lửa phòng không Patriot MIM-104E, 60 tên lửa PAC-3 và các thiết bị liên quan; tổng giá trị của hợp đồng lên tới 3,5 tỷ USD.
Hệ thống Patriot có tính đến các đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật của các khu liên hợp của Mỹ, chúng có thể sử dụng để chủ yếu bảo vệ quân đội và các yếu địa của Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ những khu vực gần biên giới với Syria mà từ lâu theo nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội người Kurd định kỳ tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ của nước này.
Trong khi các tổ hợp S-400 của Nga, có khả năng kiểm soát khoảng cách xa, có thể được lắp đặt ở sâu trong nội địa của đất nước, ví dụ để bảo vệ thủ đô hoặc gần trung tâm kinh tế Istanbul hơn.
Câu hỏi về sự tương tác của các hệ thống phòng không là một vấn đề đau đầu; đơn giản như hệ thống nhận diện “địch – ta”, những hệ thống này các chuyên gia Nga đã lường trước và cài đặt hệ thống của NATO.
Tuy nhiên, việc tích hợp chung của cả S-400 và Patriot làm một là điều không thể nói trước. Rất có thể lựa chọn có tính khả thi nhất là các hệ thống sẽ chỉ bổ sung cho nhau.
Nhưng sau đó là câu hỏi đặt ra về sự cần thiết của sự tồn tại của cả hai hệ thống phòng không khác nhau trong một quốc gia. Sớm hay muộn, Ankara sẽ phải đưa ra lựa chọn cuối cùng, hoặc vẫn hoàn toàn nằm trong hệ thống phòng không chung của NATO và phải tăng chi tiêu đáng kể để mua hệ thống Patriot.
Hoặc chuyển sang mua các tổ hợp S-400 của Nga rẻ và hiệu quả hơn nhiều, nhưng viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chấp nhận cuộc đối đầu chính trị với Mỹ, mà điều này thì Ankara không bao giờ mong muốn.
nguồn: Trí thức trẻ