Sự xung đột cơ bản giữa hai nước Mỹ, diễn ra giữa một phụ nữ da đen và một người đàn ông da trắng ở Georgia, trở nên trần trụi trong tuần cuối trước thềm bầu cử giữa kỳ.
Mái tóc mỏng điểm bạc, áo sơ mi mở khuy cổ, Barack Obama lắng nghe những tiếng hô “Vâng, ông ấy có thể!” chói tai gợi nhớ ký ức năm nào. Trước hàng nghìn người có mặt tại nhà thi đấu bóng rổ của một trường đại học, trở lại vận động bầu cử theo cách mà ông chưa bao giờ nghĩ đến, cựu tổng thống Mỹ dường như khản giọng.
“Giọng tôi bắt đầu mất rồi đây”, ông thừa nhận. “Vì vậy các bạn phải thực sự chú ý”.
Đó có thể là ẩn dụ cho di sản đang suy yếu của ông Obama. Song những lời lẽ của tổng thống Mỹ thứ 44 vẫn sắc bén như xưa.
“Hệ lụy của việc bất kỳ ai trong chúng ta ở nhà (không đi bầu cử) thực sự sâu sắc bởi vì của Mỹ đang đứng giữa một ngã tư đường”, ông cảnh báo. “Việc chăm sóc sức khỏe của hàng triệu người đang nằm trên lá phiếu. Việc đảm bảo các gia đình lao động được đối xử công bằng đang nằm trên lá phiếu. Nhưng có lẽ trên hết, căn tính của đất nước chúng ta đang nằm trên lá phiếu”.
Ông Obama chưa bao giờ nghĩ mọi chuyện sẽ trở thành thế này. Vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ từng hy vọng sẽ đưa quốc gia trên quỹ đạo đi lên. Và rồi ông Donald Trump xuất hiện, một tổng thống được những người mang tư tưởng da trắng thượng đẳng ủng hộ và là hiện thân của mọi thứ mà ông Obama không có. Ngày 6/11, hai quan điểm hoàn toàn đối lập về “căn tính của đất nước chúng ta” sẽ va chạm trong thùng phiếu. Georgia là chiến trường khốc liệt.
Xung đột giữa hai nước Mỹ
Georgia, bang nằm sâu về phía nam với xã hội bảo thủ lẽ ra là lãnh địa vững như bàn thạch của đảng Cộng hòa, nhưng cuộc đua cho thống đốc hoàn toàn không cho thấy điều đó. Brian Kemp, một người bảo thủ ủng hộ đường lối cứng rắn của Trump về vấn đề nhập cư và sử dụng súng trong quảng cáo chiến dịch tranh cử, không vượt trội hơn Stacey Abrams, một phụ nữ Mỹ gốc Phi tiến bộ. So với mọi nơi, chiến thắng cho một ứng viên thuộc đảng Dân chủ ở bang này sẽ là đòn giáng tàn phá nhất đối với “chủ nghĩa Trump”.
Larry Jacobs, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Quản trị tại Đại học Minnesota, nhận xét: “Nếu Stacey Abrams thắng, đây có thể sẽ là thông điệp sắc nét nhất rằng sự thù địch chủng tộc mà Donald Trump tạo ra ở Mỹ có những hạn chế. Câu hỏi cho đảng Cộng hòa sẽ là: Trump có phải là một món nợ hay không?”.
Xung đột cơ bản giữa hai nước Mỹ, diễn ra giữa một phụ nữ da đen và một người đàn ông da trắng, trở nên trần trụi trong tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử. Một mặt: ông Obama, “nữ hoàng truyền thông” tỷ phú Oprah Winfrey và bà Abrams, chạy đua để trở thành nữ thống đốc gốc Phi đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Mặt khác: ông Trump (người tổ chức mít tinh ở Georgia hôm 3/11), phó tổng thống ngoan đạo Mike Pence và ông Kemp, chạy đua để trở thành người da trắng thứ 83 liên tiếp chiếm giữ dinh thự thống đốc.
Tại một cuộc vận động của ông Kemp với sự hiện diện của ông Pence ở Savannah hôm 1/11, đám đông toàn là người da trắng. Tại sự kiện của bà Abrams với ông Obama 24 giờ sau đó, phần lớn là người da màu và trẻ tuổi thấy rõ. Ở Savannah, khán phòng yên ắng như tờ trong lúc người nghệ sĩ vĩ cầm duy nhất chơi bản “The Star-Spangled Banner” (quốc ca Mỹ), cho đến khi ai đó bắt đầu tự động lẩm bẩm những câu cuối cùng “Ở vùng đất của những người tự do và ngôi nhà của những người dũng cảm?”, và những người khác hát theo. Ở Atlanta, một cậu bé người Mỹ gốc Phi đeo kính, mặc chiếc áo khoác đi học, hát bài quốc ca và được đám đông cổ vũ cuồng nhiệt.
Bà Abrams và ông Kemp là hiện thân của một năm mà đảng Dân chủ đang nắm giữ kỷ lục về số lượng phụ nữ và người da màu, trong khi đảng Cộng hòa ngược lại, với đa số thống trị là người da trắng. Trong mắt cử tri, phụ nữ gốc Phi có thể là lực lượng đầu tàu nếu đảng Dân chủ giành thêm được 23 ghế mà họ cần để trở thành phe đa số tại Hạ viện (Thượng viện dự kiến vẫn sẽ nằm trong tay đảng Cộng hòa).
Thực tiễn đối đầu tại Georgia làm gia tăng các nguy cơ. Bang này là tường thành của Liên minh miền Nam (một trong hai phe của Nội chiến Mỹ) – vai trò được lưu danh muôn thuở trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell – và mang những vết sẹo của chế độ nô lệ, sự phân biệt và hàng trăm vụ hành hình lin-sơ (người kỳ thị chủng tộc làm với người da đen). Đó cũng là nơi sinh của Martin Luther King và là lò thử thách cho cuộc đấu tranh về các quyền dân sự. Giống như chiến thắng của ông Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, bà Abrams sẽ viết nên một trang mới trong lịch sử – có lẽ đáng chú ý hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện tại.
Oprah Winfrey, người cũng lớn lên ở Mississippi như bà Abrams, gợi nhớ lịch sử này hôm 1/1/ khi bà tham gia vào chiến dịch vận động tranh cử, gõ cửa từng nhà và nói chuyện tại các cuộc mít tinh.
“Tôi ở đây hôm nay vì những người đàn ông và vì những người phụ nữ bị hành hình theo kiểu lin-sơ, bị sỉ nhục, bị phân biệt đối xử, bị đàn áp, bị kìm nén và bị áp bức, vì quyền bình đẳng tại các điểm bầu cử”, bà nói với đám đông ở Marietta. “Và tôi muốn các bạn biết rằng máu của họ đã thấm vào ADN của tôi, và tôi không muốn để họ hy sinh một cách vô ích. Tôi không chấp nhận điều đó”.
“Vì linh hồn của bang chúng ta”
Ông Kemp và Phó tổng thống Pence khép lại sự kiện ở Savannah, nơi thực dân Anh đến định cư vào năm 1733 và đứng ngoài cuộc nội chiến ác liệt tại Mỹ. Đám đông vài trăm người, một số đội mũ in dòng chữ “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), cúi đầu cầu nguyện trước khi cuộc mít tinh diễn ra.
Deborah Stautberg, 57 tuổi, cầm một tấm biển in dòng chữ “Kemp/thống đốc”, cho biết bà Abrams sẽ là lựa chọn sai lầm cho bang Georgia. “Bà ấy không phải là ứng viên tôi chọn. Quá tự do: bà ấy muốn mở rộng Medicaid, giáo dục miễn phí, chính quyền lớn, biên giới mở. Không phải là ý tưởng hay”.
Kathleen Jakubowski, 43 tuổi, làm trong ngành hàng hải, đã bác bỏ quan điểm ủng hộ bà Abrams chỉ vì bà là người da đen hay là phụ nữ. “Điều đó khiến tôi rất bực mình”, cô nói. “Tôi không quan tâm giới tính của bạn là gì. Tôi không quan tâm màu da của bạn là gì. Tôi quan tâm đến việc bạn sẽ làm”.
Jakubowski cũng là một người hâm mộ Tổng thống Trump: “Ông ấy là người New York, tôi là người New York. Tôi yêu ông ấy. Đôi khi cách ông ấy nói chuyện rất là New York nhưng ông làm khá nhiều thứ ông nói là ông sẽ làm”.
Stautberg nói theo: “Chúng tôi đã không có điều đó ở một chính trị gia trong một thời gian dài”.
Ông Kemp, 54 tuổi, mô tả cuộc bầu cử thống đốc là “một trận chiến vì linh hồn của bang chúng ta”. Ông nói bà Abrams đang vận động một cách “không trung thực” và “cấp tiến”, sẽ mang lại lợi ích công cho những người nhập cư không có giấy tờ và dẫn đến việc chính quyền tiếp quản lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
“Với phiếu bầu và sự ủng hộ của bạn, chúng ta có thể kết thúc sự điên rồ này”, ông nói.
Michael Sheppard, 36 tuổi, người tự mô tả mình là một “người da trắng lỗi thời” và là hậu duệ trực hệ của tướng Robet E. Lee, lãnh đạo Liên minh miền Nam, cho biết ông sẽ bỏ phiếu cho ông Kemp.
“Lựa chọn khác là chế độ nô lệ”, anh nói. “Chúng ta không thể cứ thông qua các luật khiến 65%, 70%, 75% thu nhập của bạn bị giữ lại. Điều đó thực sự tồi tệ hơn cả chế độ nô lệ”.
Chiến lược lỗi thời
Cuộc đua giữa bà Abrams, người tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Yale và là cựu lãnh đạo phe Dân chủ ở hạ viện bang, ứng viên mà ông Trump cho là “không đủ tư cách”, và ông Kemp đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến toàn quốc về quyền bầu cử. Georgia là một trong những nơi có luật về nhân thân cử tri nghiêm ngặt nhất nước Mỹ, điều mà đảng Cộng hòa nói là cần thiết để đảm bảo không có ai bỏ phiếu bất hợp pháp.
Lạ lùng là, với tư cách lãnh đạo sở ngoại vụ bang Georgia, ông Kemp lại là người giám sát quá trình bầu cử. Các nhà hoạt động đã kiện ông vì loại hơn 50.000 phiếu đăng ký bầu cử của cử tri đang chờ xem xét theo luật “trùng khớp hoàn toàn” của bang này, vốn yêu cầu rằng thông tin cá nhân phải hoàn toàn trùng khớp với cơ sở dữ liệu của bang (một lỗi chính tả hoặc một dấu gạch nối không đúng chỗ có thể bị xem là phạm luật).
Jimmy Carter, cựu tổng thống Mỹ và là thống đốc Georgia, đã kêu gọi ông Kemp từ chức. Nam diễn viên hài gốc Nam Phi Trevor Noah nhận xét: “Có sự dơ dáy ngang ngửa mức độ châu Phi ngay ở đó”, ám chỉ phát ngôn từng gây tranh cãi kịch liệt của ông Trump về các nước châu Phi.
Chuyên gia Larry Jacobs nói: “Bạn có một ứng viên là Stacey Abrams, một phụ nữ gốc Phi nhưng đã xây dựng tên tuổi của mình vì việc phối hợp với các thành viên đảng Cộng hòa để làm việc. Bà không tranh cử với tư cách một lãnh đạo hăng hái đấu tranh vì các quyền dân sự; bà tranh cử với tư cách một người sẽ làm Georgia tốt lên”.
Ông Jacobs cũng cho rằng chiến thuật vận động dựa trên chủng tộc đã lỗi thời. “Miền Nam đang thay đổi và chiến thuật dựa vào chủng tộc không còn được chấp nhận nữa. Georgia đang cho thấy cái giá phải trả của việc áp dụng những chiêu bài chính trị xưa cũ”, ông nói.
“Dù chiến lược dựa vào chủng tộc của Donald Trump trong những ngày cuối của chiến dịch tranh cử rõ ràng có tác động đến một số cử tri, phần lớn đất nước không mấy quan tâm”, ông nói thêm.
“Stacey đang trả lại tiếng nói của chúng tôi”
Tại cuộc mít tinh ở Atlanta, bà Abrams, 44 tuổi, mỉm cười và vẫy tay chào các cử tri đang hô vang tên bà. Bà nói: “Chúng ta đi cùng với nhau. Lịch sử chung của chúng ta, những người Georgia, mạnh mẽ hơn bất cứ nỗi sợ nào có thể khiến chúng ta bị chia rẽ”.
“Chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn nhìn thấy”, bà tiếp lời.
Những người ủng hộ bà đã sẵn sàng. Karen Wood, người đứng ở các góc phố đông đúc với một tấm biển thúc giục mọi người đi bỏ phiếu, nói: “Đây là chuyện về quyền của phụ nữ hiện nay. Thành thật mà nói, tôi nghĩ những người đàn ông da trắng bảo thủ đang sợ hãi, vì vậy họ đang cố áp sự sợ hãi đó lên chúng tôi và ngăn chặn tiếng nói của chúng tôi, ngăn chặn phiếu bầu của chúng tôi. Stacey đang trả lại tiếng nói của chúng tôi”.
Khi được hỏi một chiến thắng dành cho bà Abrams có ý nghĩa gì đối với mình, bà Wood, 57 tuổi, đồng sáng lập của một tổ chức phi lợi nhuận, trả lời: “Sự đại diện. Nó có nghĩa là một phụ nữ như tôi hay con gái tôi, bất kể tín ngưỡng, màu da hay tôn giáo, đều có thể trở thành thống đốc bang. Sự đại diện có nghĩa là, ‘Này, có một cơ hội cho tôi đấy!'”.
Vào tối 2/11, ông Obama đã rất vất vả để những ý tứ của ông có thể lọt vào tai đám đông. Song thông điệp của ông không thể rõ ràng hơn khi Mỹ, vốn đã bước đi lảo đảo từ chủ nghĩa Obama đến chủ nghĩa Trump, đang đứng trước cơ hội đầu tiên để điều chỉnh đường lối.
“Mỗi lần chúng ta kéo mình đến gần hơn với lý tưởng từ thời lập quốc đó, rằng tất cả chúng ta đều sinh ra bình đẳng, được hưởng một số quyền bất khả xâm phạm, bất cứ khi nào chúng ta cố gắng thực hiện điều đó, hiện trạng lại đẩy lùi…”, ông nói.
“Làm cho đất nước này sống theo tín ngưỡng của mình chưa bao giờ được dễ dàng”.
Đông Phong (theo Guardian)