Thực trạng đáng quan ngại của nền kinh tế Canada
Giới quan sát nhận định “sức khỏe” của nền kinh tế Canada đang gợi nhớ về đầu những năm 1990. Nhiều chuyên gia tài chính lo ngại nếu các điều kiện kinh tế được duy trì và chính phủ tiếp tục giữ nguyên các quyết sách như hiện tại, quốc gia Bắc Mỹ này có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính.
Người dân tại một trung tâm thương mại ở Toronto, Canada, ngày 24/6/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tỷ lệ nợ/GDP của Canada tăng từ mức 29% năm 1980 lên 67% vào năm 1994. Cũng trong năm 1994, lãi suất cơ bản của Canada được nâng lên 7,5%. Sau đó, nền kinh tế đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, tỷ lệ nghèo đói tăng vọt,… Tình hình kinh tế hiện nay cũng có nhiều nét tương đồng với thời kỳ đầu những năm 1990: nợ liên bang/GDP đã tăng từ mức 31% năm 2019 lên khoảng 50% vào năm 2021; bội chi ở mức xấp xỉ 5%, với giả định lãi suất vẫn ở mức như năm 2021. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đang trong lộ trình mạnh tay tăng lãi suất, với mức tăng 125 điểm cơ bản tính từ đầu năm 2022. Theo mức lãi suất mới, tỷ lệ nợ/GDP có khả năng tăng lên 65% trong vòng ba năm, với giả định xu hướng chi tiêu hiện tại của chính phủ được giữ vững và chi phí đi vay tăng gấp đôi.
Nhiều chuyên gia dự báo BoC sẽ tăng lãi suất lên 6% trước khi lạm phát chậm lại. Điều này có nghĩa là chính phủ có thể phải chi gấp ba lần con số đã hoạch định để trả lãi nợ trong khoảng 3-5 năm.
Giới chuyên môn nhận định không phải tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức tương tự do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các hộ gia đình Canada có tỷ lệ nợ/thu nhập khả dụng cao hơn 65% so với người Mỹ và gần 20% so với ở Anh. Trong khi đó, giá nhà của Canada cao hơn trung bình 15% so với giá nhà ở Mỹ và cao hơn khoảng 25% so với mức trung bình của OECD. Điều này có nghĩa lạm phát cao và lãi suất tăng sẽ làm “tổn thương” người dân Canada nhiều hơn.
Một số chuyên gia đang kêu gọi chính phủ Canada nhanh chóng hành động. Đầu tiên, cần ngay lập tức cắt giảm chi tiêu của chính phủ từ 5-10% để giảm lực cản tài khóa đối với chính sách tiền tệ. Thứ hai, thành lập Bộ chuyển đổi kỹ thuật số để đánh giá và xem xét tất cả các dịch vụ của chính phủ và thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số. Giống như ở khu vực tư nhân, số hóa có thể cắt giảm 10-20% chi tiêu, tạo ra mức tăng năng suất cần thiết, thúc đẩy đầu tư và giải phóng nguồn vốn cho các nhu cầu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Cuối cùng, chính phủ phải công bố kế hoạch trả nợ cụ thể, không “neo” nợ vào GDP.
(Baotintuc)