Tình trạng mất an ninh lương thực có xu hướng gia tăng tại Canada

Theo Food Banks Canada, nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng trên khắp Canada, với những người Canada có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát.

Theo kết quả khảo sát của tổ chức từ thiện Food Banks Canada, ngày càng có nhiều người Canada phải vật lộn với chi phí thực phẩm leo thang, khi giá các mặt hàng thiết yếu như mỳ ống, bánh mỳ và thịt đều tăng cao.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Food Banks Canada, nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng trên khắp Canada, với những người Canada có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 4.009 người trưởng thành trong thời gian từ ngày 25/2 đến ngày 2/3/2022 thấy gần 1/4 người Canada cho biết họ ăn ít hơn mức họ cần vì không có đủ tiền mua thực phẩm.

Giám đốc điều hành Food Banks Canada, bà Kirstin Beardsley cho biết, mùa Hè 2022 được dự đoán là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử 41 năm hoạt động của tổ chức từ thiện này.

Mạng lưới của Food Banks Canada ở hầu hết các khu vực trên khắp đất nước đã chứng kiến làn sóng người Canada lần đầu tiên tìm đến nơi hỗ trợ thực phẩm này, do hết tiền mua thực phẩm vì chi phí nhà ở, khí đốt, năng lượng và thực phẩm tăng.

Cơ quan Thống kê Canada cho biết, trong tháng 4/2022, người tiêu dùng đã phải trả nhiều hơn 9,7% (so với cùng kỳ năm trước) cho thực phẩm tại các cửa hàng, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/1981. Cụ thể, giá mỳ ống đã tăng 19,6% so với năm ngoái, các sản phẩm ngũ cốc tăng giá 13,9%, giá bánh mỳ và trái cây tươi tăng ở mức lần lượt 12,2% và 10%.

Đối với nhiều hộ gia đình Canada, giá xăng tăng cao đi đôi với lương trì trệ đã buộc họ phải tính toán lại chi phí cho thực phẩm, và tích trữ hàng tạp hóa được bán giảm giá.

Chuyên gia kinh tế Royce Mendes thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính Desjardins cho rằng giá lương thực tăng là một vấn đề toàn cầu, có thể liên quan tới cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Theo chuyên gia này, thực phẩm được vận chuyển từ khắp nơi trên thế giới đến Canada, và đồng nội tệ CAD suy yếu khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Ngân hàng Trung ương Canada từ đầu năm tới nay đã có ba đợt tăng lãi suất trong nỗ lực đưa lạm phát trở lại tầm kiểm soát. Áp lực lạm phát đang lan tới nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, với gần 70% các thành phần của chỉ số giá tiêu dùng đang trải qua mức lạm phát trên 3%.

Mức lãi suất cao hơn khó có thể ứng phó được với các nguồn lạm phát quốc tế, chẳng hạn như tình trạng tắc nghẽn dai dẳng trong chuỗi cung ứng, chính sách kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc và giá hàng hóa tăng cao sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế Canada.

Điều đó có thể tác động đến các nguồn lạm phát trong nước gắn với khu vực dịch vụ, thị trường nhà ở và thị trường lao động thắt chặt. Ước tính, những thay đổi về lãi suất có thể mất từ 6 quý đến 8 quý để có tác động đầy đủ đến nền kinh tế./.

(bnews)